Để những chuyến đi du lịch nước ngoài trở nên hoàn hảo, ngoài việc chuẩn bị hành tranh và lịch trình thì việc để ý những điều không nên làm tại nước sẽ đến cũng là điều vô cùng quan trọng. Giữ gìn hình ảnh bản thân cũng là giữ gìn thể diện cho quốc gia.
Có ai trong số các bạn khi đi du lịch nước ngoài đã phải tránh xa chính những nhóm du khách đồng hương chưa? Bạn nào gặp rồi chắc hiểu cảm giác đó nhỉ? Giờ chỉ còn cách mỗi người chúng ta phải giữ ý thức thôi. Đâu cần đại sứ du lịch, mỗi chúng ta khi ra nước ngoài là một đại sứ rồi. Có một số điều không nên làm khi du lịch nước ngoài.
1. Ăn to nói lớn:
Cái này có vẻ quan trọng nhất nè vì gây ồn ào là điều dễ làm người xung quanh khó chịu nhất và hay để ý nhất. Trong quán xá, nếu là quán có không gian yên lặng và thư giãn, không nên gây náo loạn. Tại nơi công cộng, nhất là các trung tâm mua sắm và sân bay, đừng ăn to nói lớn. Những người xung quanh sẽ khó chịu đấy. Họ đến trung tâm mua sắm để mua đồ và thư giãn. Họ đến sân bay và chịu đựng bao sự mệt mỏi khi xếp hàng, làm thủ tục. Chẳng ai muốn rước thêm sự khó chịu vào người. Nếu bạn đã từng gặp các nhóm khách du lịch đến từ nước nào đó ồn ào, náo nhiệt chắc bạn sẽ hiểu cảm giác này.
2. Xả rác bừa bãi:
Đi đến đâu xả rác bừa bãi đến đó thể hiện ý thức kém. Người nước ngoài sẽ nhìn vào hành động đó và đánh giá con người Việt Nam. Ai muốn bị mang tiếng xấu nào? Chưa kể ở một số nước, xả rác bậy bạ coi chừng bị phạt. Nhiều nước còn có quy định về hút thuốc lá nơi công cộng như: không hút trong không gian có máy điều hòa nhiệt độ, ga tàu, bệnh viện hay thậm chí quy định rõ là chỗ nào không có gạt tàn là không được hút thuốc. Đừng chủ quan khi nghĩ rằng sẽ không có ai canh mà phạt bạn. Thử đi, biết liền hà!
3. Cười cợt ngôn ngữ bản địa:
Chém cha không bằng pha tiếng. Mỗi ngôn ngữ có cách phát âm và ngữ điệu riêng. Vô tình, ngôn ngữ nào đó có thể là buồn cười trong tiếng Việt. Tuy nhiên, đừng vì thế mà cười cợt họ. Như vậy là khiếm nhã. Hãy nghĩ xem họ cười cợt tiếng Việt thì bạn nghĩ sao? Chưa kể cười người hôm trước, hôm sau… cười hoài đó nhé.
4. Không tôn trọng truyền thống, văn hóa địa phương:
Mỗi nước có một truyền thống và văn hóa riêng. Kể cả các nước có văn hóa gọi là tương đồng với Việt Nam ở trong khu vực ASEAN thì cũng có nhiều nét khác biệt hoàn toàn. Vì vậy nên tìm hiểu trước khi đi du lịch. Ví dụ như ở Thái các cặp đôi không nên thể hiện tình cảm quá lố ở nơi công cộng, ở Maldives (nước Hồi giáo) thì không nên ăn mặc hở hang ở các đảo dân sinh.
5. Không tôn trọng nếp sống và luật lệ bản xứ:
Cái này cũng quan trọng không kém nè. Cái này chắc các bạn phải tự tìm hiểu thôi. Đặc biệt lưu ý khi đến một số nước vẫn còn hoàng gia như Thái Lan, việc có hành động xúc phạm hoàng gia sẽ bị phạt nặng, thậm chí là bỏ tù. Cách đây vài năm có vụ một du khách Thụy Sĩ say xỉn vẽ bậy lên hình nhà vua Thái và sau đó bị bắt, trục xuất về nước. Đến Thái Lan, trước mỗi buổi chiếu phim cũng có bài ca hoàng gia. Bạn cũng nên đứng dậy nghiêm trang cùng người bản địa, vừa để tôn trọng họ, vừa để không bị rắc rối với chính quyền sở tại.
6. Trốn vé vào di tích:
Đừng khôn lỏi, đừng tiết kiệm mấy đồng để mua vé vào các di tích. Có thể bạn không thích chính phủ nước mà bạn đang đến nhưng việc mua vé vào di tích vừa thể hiện thái độ tôn trọng của bạn đối với một di sản và cũng để giúp người bản địa có tiền để bảo tồn, bảo quản, trùng tu các di tích. Đó là việc nên làm.
7. Làm thuê với visa du lịch:
Khi đi du lịch, bạn vào một nước khác với visa du lịch và loại visa này cấm làm việc. Hãy tuyệt đối tuân thủ điều đó nếu như không muốn bị cáo buộc là nhập cư lao động trái phép. Cảnh sát đến kiểm tra rồi cũng phải lên phường trình bày, ê mặt lắm, mang tiếng người Việt nữa.
8. Vượt biên:
Vụ này có vẻ hơi thừa nhỉ vì thời đại này vượt biên trái phép vào một nước đâu có dễ. Mà dù có dễ đi nữa thì cũng không an toàn và sẽ gặp rắc rối to với chính quyền. Lỡ mà có bị lên báo thì không hay ho chút nào.
9. Nói xấu người khác trước mặt họ:
Đừng nghĩ khi ra nước ngoài bạn nói tiếng Việt xả láng, chửi bậy bằng tiếng Việt thả cửa thì không ai hiểu nhé. Có hai trường hợp: một là người đứng gần bạn là người Việt, Việt kiều. Hai là người nước ngoài nhưng biết tiếng Việt. Lúc đó lỡ chửi bậy hay nói xấu họ và bị họ quay sang chấn chỉnh thì… ôi thôi, đẹp mặt. Những chuyện như thế này thường gặp ở những nơi có đông Việt kiều và có nhiều du khách Việt lui tới. Travip đã chứng kiến vài vụ ở Thái khá hài.
10. Ăn cắp vặt:
Lợi dụng không ai để ý, lợi dụng an ninh lỏng lẻo hay do thói quen hay cầm nhầm? Thôi nhé! Sửa ngay nhé! Ăn cắp vặt bị bắt thì còn quê độ hơn tất cả những điều bên trên.