Sân bay quốc tế Indira Gandhi,
New Delhi, Ấn Độ
Tôi bực dọc gọi cho khách sạn vì không thấy ai đón cả mặc dù tôi đã đặt trước xe. Nhân viên khách sạn cũng không thể xác nhận tôi đã đặt xe hay chưa nhưng anh ta nói sẽ cho xe chạy ra đón tôi ngay. Tôi quyết định sẽ tự đi về khách sạn mà không đợi họ đem xe ra đón nữa. Lúc đó đã gần nửa đêm. Tôi ra quầy đăng ký taxi ở sân bay và lấy phiếu.
-Anh đi theo tôi – Một người đàn ông vẫy tay bảo tôi đi theo sau khi tôi lấy phiếu taxi ở quầy.
Tôi muốn mua vé đi taxi xịn một chút để không bị cảnh ngã giá chèo kéo thường thấy ở Ấn Độ. Đây là lần thứ 3 tôi đến quốc gia Nam Á này và cũng không lạ gì với các kiểu làm tiền. Nhiều lúc bực kinh khủng. Người đàn ông vẫy một chiếc xe lại.
-Anh đi chiếc này nhé. Giá tổng cộng là 2.985 rupee và anh trả cho tôi.
Lúc này tôi đã ngồi vào xe. Tôi quay sang nhìn người tài xế. Anh ta gật đầu tỏ ý đồng tình. Tôi nhẩm tính 2.985 rupee tương đương 50 USD.
-Sao đắt vậy? – Tôi thắc mắc.
-Khách sạn của anh cách đây 12km. Rất xa.
-Nhưng quá đắt.
-Anh muốn bao nhiêu?
-1.000.
-2.500 nhé!
-Tôi xuống xe.
-2.000 giá chót.
-Mở cốp, móc hành lý ra – tôi nói với giọng không thể cương quyết hơn.
-Thôi được rồi. 1.000. Anh trả tiền cho tài xế. – Người đàn ông tỏ vé thất vọng quay đi.
Đây không phải lần đầu tiên tôi bị làm tiền như thế ở Ấn Độ nhưng trò này mới quá. Những lần trước, tôi thường liên hệ với khách sạn để họ đưa xe ra đón. Đắt hơn một chút nhưng không phải ngã giá đến bực mình như vậy, nhất là nửa đêm rồi. Hôm đó, khách sạn quên cử người ra đón tôi nên tôi mới phải đi taxi bên ngoài. Cái giá 1.000 khá đắt so với khoảng cách 12km nhưng khi ấy đã là nửa đêm, tôi không muốn lôi thôi nữa vì sáng hôm sau phải khởi hành đi Agra sớm.
Ấn Độ luôn có những chuyện làm tiền tồi tệ như vậy. Lần này tôi cảm thấy bớt bực dọc hơn vì dường như đã quen với tình trạng đó. Bất kể việc gì ở Ấn Độ, người ta cũng sẽ tìm cách xin tiền bạn.
3 năm trước, khi tôi đi Ấn Độ lần đầu, lúc tôi bước vào nhà vệ sinh ở một nhà hàng trên đường đi Agra, một người đàn ông đứng ngay ở cửa trao cho tôi tờ giấy vệ sinh. Tôi vẫn nghĩ nhà hàng này lịch sự, cử cả người phát giấy cho khách. Nhưng không, anh ta liền xin tiền boa. Tại khách sạn ở Agra, tôi đã từng mệt mỏi khi phải cho tiền tới 5 anh khuân vác hành lý trong khi gia đình tôi chỉ có 3 va li.
Lần thứ 2 tôi đi Ấn Độ, tôi cùng gia đình ở tại một khách sạn ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Những nhân viên ở đó, từ lễ tân, đầu bếp, phục vụ nhà hàng cho đến người khuân vác đều muốn xin tiền. Ngày tôi và gia đình rời khách sạn, tất cả nhân viên ở mọi bộ phận đứng xếp hàng đông đủ ở sảnh. Tôi hiểu ý, không còn cách nào khác là cho mỗi người số tiền tương đương 1 USD.
Tôi cũng đã từng phát bực khi đã cho người tài xế chở gia đình tôi đến Agra cách đây 3 năm số tiền boa chừng 10 USD nhưng ông ấy lại chê ít và nhất định đòi thêm. Tôi rất bực vì suốt chuyến đi gia đình tôi đã chăm sóc ông ấy rất kỹ, thậm chí còn mời vào ngồi cùng bàn ăn chung. Ông ta cũng được công ty du lịch trả tiền cho cuốc xe đó.
Đi tuk tuk hay taxi ở Ấn Độ cũng vậy. Xe có đồng hồ tính cước, kể cả tuk tuk nhưng đa phần tôi phải thương lượng giá với họ chứ hiếm khi họ chịu bật đồng hồ. Đi trên đường thì xe cộ đông đúc, chạy vô luật lệ, không theo làn đường. Không ít lần tim tôi chực nhảy ra khỏi lồng ngực vì sợ hãi cái đi xe của các tài xế Ấn Độ. Đã có lần tôi cáu lên với ông tài xế khi ông ấy quay sang cười và nói tôi rằng: “Đi xe kiểu Ấn Độ là vậy đó”. Đó là chưa kể họ còn bấm còi inh ỏi đến căng thẳng đầu óc. Nhiều xe ở Ấn Độ ghi sau đuôi xe: “Đừng bấm còi” nhưng còi thì vẫn vang lên inh ỏi, kể cả chính chiếc xe ghi dòng chữ đó. Những người tài xế hẳn cũng căng thẳng lắm.
Đến các khu di tích, cảnh chèo kéo còn kinh dị hơn. Số người ăn xin đông, số người bán hàng rong ùa lại năn nỉ tôi mua những món đồ bé bé cũng không ít. Tôi cho họ một vài lần nhưng không thể cho mãi được. Cho một người, mua hàng hộ một người, cả đám đông sẽ ùa lại. Tôi thương họ, nhưng không thể giúp được tất cả. Gặp cảnh ấy khó chịu vô cùng, chưa kể nhiều lúc phải trả giá những món đồ mà tôi cho rằng giá trị nó không cao đến như vậy.
Mệt mỏi, bực dọc là vậy nhưng đi Ấn Độ đến lần thứ 3 thì quen. Tôi không còn bực họ được lâu nữa. Ấn Độ với hơn 1 tỉ dân, nước lớn nhưng còn quá nhiều người nghèo. Họ buộc phải kiếm tiền bằng mọi cách. Tôi cũng muốn giúp họ nhưng sức chỉ giúp được một số người. Tôi không đủ khả năng để cho tiền hết cả trăm con người sẵn sàng ùa vào tôi trong các chuyến đi. Ít ra thì thôi học được cách kiềm chế và làm quen với điều đó. Họ làm tôi bực đấy nhưng thật ra họ rất đáng thương. Hay ho gì chuyện ăn xin, chèo kéo, lừa đảo người khác? Họ cũng đang kiềm chế, nhẫn nhịn để kiếm cơm mà thôi. Ai cũng có hoàn cảnh của mình.
Có nhiều thứ ở Ấn Độ để tôi phát cáu lên bất cứ lúc nào trong 3 lần đến nước này. Ấy vậy mà tôi vẫn yêu Ấn Độ lắm. Tôi quý những con người giúp đỡ tôi tận tình trong những chuyến đi mà không đòi hỏi đồng nào. Tôi cám ơn những người cho tôi gọi nhờ điện thoại và còn nói thêm rằng: “Anh đến Ấn Độ, anh là bạn chúng tôi, anh được chào đón”. Tôi cũng không quên những người lái tuk tuk hiền hậu ở Udaipur, thành phố quê mùa với những di tích cổ. Họ đã lấy giá đi xe rẻ bất ngờ làm tôi đâm ra hoang mang không biết mình nghe nhầm không. Ấn Độ vẫn còn nhiều người tốt.
Tôi nghiệm ra rằng, chúng ta có thể bị ấn tượng xấu về một đất nước, về một dân tộc nào đó vì một hay nhiều cá nhân nhưng không thể đánh đồng cả một đất nước hay dân tộc vì những cá nhân không tốt. Chính những cá nhân không tốt ấy, chính những điều bực dọc mà ta gặp trên đường ấy đang giúp ta trải nghiệm sâu hơn những khía cạnh cuộc sống đa dạng. Tôi từng đọc đâu đó trên mạng về 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ, trong đó có nói đại ý những người chúng ta gặp hay những điều xảy đến với chúng ta không phải là sự ngẫu nhiên. Những người chúng ta gặp dù là ai đều đem lại bài học cho chúng ta. Những gì xảy đến với chúng ta dù hay hay dở đều cho chúng ta những trải nghiệm.
Những bài học cuộc sống đó đâu dễ gì có được nếu chúng ta không lên đường. Ngay cả việc đến Ấn Độ đến 3 lần của tôi, gặp những chuyện bực dọc, không phải là không có ý nghĩa và phí phạm. Nếu có dịp, tôi sẽ quay lại Ấn Độ, nơi không chỉ có những con người đem lại những bài học cuộc sống quý giá mà còn có những di tích, những nét văn hóa vĩ đại cần khám phá.
TRAVIP