Bhutan (2): Cung điện Gangtey

bhutan09

icon-hanhtrinhNhư đã hứa với tôi, Mendy sắp xếp cho tôi ở một nơi rất Bhutan và không thể nào Bhutan hơn thế. Đó là một cung điện cổ có hơn 100 năm tuổi. Ấn tượng đầu tiên khi đến Bhutan đối với tôi thật tuyệt vời.

Sân bay Bhutan không nhỏ, không to. Nó cũng không có kết cấu hiện đại với khung thép và kính, cũng không có ống lồng dẫn khách từ máy bay vào nhà ga. Đó là một tòa nhà lớn với kiến trúc đậm chất Bhutan, từ mái cho đến cửa sổ và những họa tiết xung quanh. Gần đó có ảnh vua và hoàng hậu rất lớn như chào đón du khách. Họ trông rất đẹp đôi.

Thủ tục hải quan khá nhanh chóng và dễ dàng. Mendy dặn tôi không cần đưa 43$ cho nhân viên hải quan như những du khách khác. Tôi để ý kỹ thì thấy mã số visa của tôi có chữ RG, viết tắt của Royal Guest, khách mời hoàng gia. Câu chuyện vì sao tôi có visa RG cũng rất thú vị.

Thời đi học ở Thái Lan, tôi học cùng trường với Wangchuck D. Namgyal. Chúng tôi không học cùng lớp mặc dù cùng ngành. Ban đầu tôi chẳng biết Wangchuck là ai, chỉ biết cậu ta là người Bhutan. Có mấy người bạn nói nhỏ với tôi rằng cậu ta là người hoàng tộc, mẹ cậu là công chúa trong hoàng gia Bhutan. Tôi cũng chỉ biết vậy và thật sự không quan tâm lắm. Đối với tôi ai cũng như ai, cũng đều là người. Wangchuck là một sinh viên thân thiện và vui vẻ, luôn tham gia các hoạt động của trường và dường như không có khoảng cách giữa cậu với những sinh viên khác. Văn phòng của công chúa mẹ cậu đã giúp tôi xin visa. Mọi thứ suôn sẻ không thể tưởng. Mendy là cháu họ của Wangchuck, cũng là con của một công chúa khác. Tôi không biết điều này cho đến tận gần ngày đi.

Mendy thì vui vẻ và thân thiện đến mức, Wangchuck nói với tôi rằng: “Cậu cứ gặp Mendy đi. Lúc gặp cậu cô ấy sẽ hét lên: Frankieeee rồi chạy lại với cậu”. Mendy có một công ty du lịch và chính cô giúp tôi sắp xếp mọi thứ cho chuyến đi. Không phải vì Bhutan quá xa lạ đến nỗi tôi không tự xoay sở đi lại được mà là vì Bhutan không phải là nơi có thể đi du lịch bụi hay tự túc được. “Này, Bhutan không phải như ở Bangkok mà cậu có thể ra khỏi sân bay rồi vẫy taxi đâu nhé” – Wangchuck dặn tôi như vậy. Quả thực, du khách đến Bhutan phải dựa vào các công ty du lịch hết, không thể tự đi đâu được vì cũng chẳng có dịch vụ lẻ để thuê.

Đón tôi tại sân bay là Ugyen, một anh chàng đầu trọc trông rất dữ, nếu như không nói là mang chút gì đó hơi giang hồ. Ugyen mặc một bộ gho truyền thống màu xanh đậm rất ấn tượng. Trái với ấn tượng ban đầu, Ugyen là một người rất thân thiện và hiền lành. Ugyen giữ bí mật về bản thân và tiết lộ dần trong suốt chuyến đi làm tôi cứ phải ngạc nhiên suốt.

Ugyen và người lái xe chở tôi về khách sạn sau đó. Quãng đường đi cũng rất tuyệt. Khung cảnh đồng quê Bhutan thanh bình và vắng lặng với những ngôi nhà được xây trên sườn núi. Tôi nhận ra Paro Dzong, một pháo đài cổ ở Paro mà tôi đã nhìn thấy trên ảnh. Đó là một giấc mơ có thật. Hình ảnh tôi từng ao ước được nhìn hiện ra trước mắt. Vương quốc nhỏ bé này từng là nỗi ám ảnh của tôi, từng là giấc mơ của tôi trong nhiều năm.

bhutan48

Qua những đoạn đường đất và vài vòng qua những con đường quanh co lên núi, tôi đã đến được khách sạn. Nên gọi đó là một khách sạn hay một lâu đài nhỉ? Lâu đài Gangtey này được xây dựng cách đây hơn 100 năm và giờ đây người ta biến nó thành một khách sạn để có cơ hội chăm sóc, bảo tồn nó tốt hơn.

Khuôn viên của Gangtey rất đẹp, có vườn cây và quang cảnh nhìn ra thung lũng Paro tuyệt diệu. Từ đây có thể nhìn thấy cả Paro Dzong. Nói chung, ở một nơi như vậy thì không còn gì để phàn nàn cả. Tôi hồi hộp bước vào lâu đài cổ này và thử tưởng tượng xem khi xưa cuộc sống hoàng cung như thế nào. Mọi thứ đều cổ kính và đậm chất Bhutan, từ những cầu thang được giữ nguyên cho đến những đồ nội thất cũ kỹ, bức tường được vẽ những họa tiết trang trí truyền thống, bộ ghế sofa và chiếc giường vương giả. Tôi quan sát từng góc cạnh của lâu đài. Mọi thứ đều cổ xưa và không có nét gì của cuộc sống hiện đại lọt vào. Hành trình khám phá Vương quốc Rồng Sấm bắt đầu.

bhutan29 bhutan23 bhutan31

bhutan49 bhutan50 bhutan51

TRAVIP
Paro, 1 tháng 6 năm 2013

(còn tiếp)

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment