Chu du cùng khinh khí cầu (1): Ước mơ bay bổng

(Bài đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 8.12.2009) – Bài này có bổ sung thêm hình ảnh và thông tin.

Lần đầu tiên, tôi được yên tĩnh đứng trên mây, đắm chìm vào không gian đất trời bao la hùng vĩ, quả thật là một cảm giác mới lạ và khó tả.

Cách đây hơn 20 năm, thiếu nhi Việt Nam từng biết đến câu chuyện Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn. Trong câu chuyện do nhà văn người Nga Nikolai Nikolaevich Nosov viết năm 1954 này, Mít Đặc cùng 15 người bạn của cậu đã chu du trên một quả khinh khí cầu tự tạo. Quả bóng lớn bay lên trời cao bằng khí nóng bơm bên trong nó. Đó là kiến thức cơ bản nhất về quy chế vận hành của một quả khinh khí cầu.

Đúng là ước mơ được bay bổng của con người không bao giờ dừng lại, nhất là những ai có máu khám phá và mạo hiểm. Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Thái Lan lần thứ 3 diễn ra từ ngày 3 – 6.12.2009 ở Ayutthaya là nơi quy tụ những con người như vậy. Lễ hội cũng được tổ chức hàng năm tại Thái Lan.

Một phi công khí cầu đang kiểm tra thiết bị định vị vệ tinh (GPS) trên giỏ khí cầu

Hai mươi đội bay khinh khí cầu đến từ Thái Lan, Úc, Nhật Bản, Phần Lan, Hà Lan và Anh đã có những cuộc trình diễn ngoạn mục, bay qua nhiều phế tích cổ, di tích văn hóa nổi tiếng ở vùng đất Ayutthaya của Thái Lan. Và đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới có một lễ hội khinh khí cầu được tổ chức ở một di tích lịch sử.

Khoảng 4 giờ chiều ngày 3.12.2009, lễ hội khai mạc. Các đội bay bắt đầu trải những tấm vải lớn của quả khí cầu ra đất trong khuôn viên của di tích cổ Wat Chang và Wat Maheyong. Keith Baxter, một phi công khí cầu đến từ Anh, vừa thử động cơ đốt khí nóng vừa giải thích: “Trước tiên, chúng tôi dùng một chiếc quạt công suất lớn để thổi vào bên trong tấm vải, giúp bóng khí cầu phồng lên”.

Các đội bay bắt đầu trải vỏ quả khí cầu ra đất

Rồi dùng quạt thổi vào trong để quả khí cầu phồng lên

Quả khí cầu dần phồng lên nhưng chưa bay được vì bên trong không phải không khí nóng

Ông Baxter dẫn phóng viên Thanh Niên vào bên trong quả khí cầu đã được làm phồng nói tiếp: “Khí nóng sẽ được thổi vào trong này. Trên đỉnh quả bóng có một chiếc dù nhỏ, được nối với người điều khiển bên dưới. Trong trường hợp muốn đáp xuống đất, phi công sẽ kéo dây dù, khiến khí nóng thoát ra ngoài để khí cầu hạ xuống”. Ông Baxter đã có 12 năm bay khinh khí cầu. Ông cũng phải trải qua 2 năm huấn luyện cùng những phi công có kinh nghiệm, rồi sau đó là thi lấy bằng rồi mới được bay khí cầu một mình.

Phi công Keith Baxter bên trong quả khí cầu

Có lẽ phải chụp thế này mới thấy được thể tích bên trong quả khí cầu lớn đến dường nào

Bức ảnh này không chấp nhận được… Tác nghiệp nhưng không quên làm dáng… hihi

Chuyến bay khinh khí cầu có người lái đầu tiên được ghi nhận là vào thế kỷ 16 ở Paris (Pháp). Nhưng nhiều tài liệu cho rằng các nền văn minh cổ xưa đã có những phương tiện bay tương tự. Khinh khí cầu ngày nay hiện đại hơn nhiều, được đốt bằng khí đốt và có nhiều thiết bị kỹ thuật hỗ trợ đi kèm.

“Trên mỗi khinh khí cầu có 3 bình gas, mỗi bình đốt được 1 tiếng đồng hồ”, ông Baxter nói. Bay khí cầu vào sáng sớm hoặc chiều muộn là tốt nhất vì trời lặng gió. Phi công khinh khí cầu người Nhật Bản Masahiko Fujita giải thích thêm: “Điều nguy hiểm nhất khi bay là gió”. Vả lại, bay khinh khí cầu vào sáng sớm hoặc chiều muộn cũng giúp người ta thấy được cảnh bình minh hoặc hoàng hôn rực rỡ.

Khí cầu bắt đầu được bơm khí nóng để bay lên

Các tàu lượn nhỏ cũng bay vòng vèo góp thêm phần thú vị cho lễ hội khí cầu

Một quả khí cầu đang bay lên

Một bãi toàn khinh khí cầu… Những quả bóng khổng lồ đầy màu sắc

Khí cầu bên di tích cổ

Một đội bay khác bơm khí nóng vào trong khí cầu

Một quả khí cầu rực sáng lúc chạng vạng

Tranh thủ khạc lửa với khí cầu hihi

Tranh thủ với cả phi công khinh khí cầu

Đêm đến, những quả khí cầu không bay lên mà bập bùng ánh lửa theo điệu nhạc du dương của lễ hội, tạo nên một cảnh tưởng vô cùng đẹp, êm đềm và lãng mạn.

Những quả khí cầu không bay này được nối dây với một chiếc xe pick-up để đảm bảo nó không bị bay đi. Tuy nhiên, năm trước đó, có trường hợp khinh khí cầu được bơm khí nóng quá tay kèm theo gió đã nhấc bổng cả chiếc ô tô.

Phần 2: Thú vui tốn kém

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment