Chu du cùng khinh khí cầu (2): Thú chơi nhà giàu

Quả thật, chu du bằng khinh khí cầu có cái cảm giác thú vị khác lạ mà không một phương tiện giao thông nào có thể đem lại. Đó là cảm giác hòa mình vào không trung mà không bị vướng víu, không bị tiếng động cơ làm ồn ào.

(Bài đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 8.12.2009) – Bài này có bổ sung thêm hình ảnh và thông tin.

Năm giờ rưỡi sáng ngày 4.12 ở Ayutthaya, bầu trời còn chưa sáng hẳn, các đội bay lại bắt đầu chuẩn bị khí cầu cho chuyến bay vào buổi sáng sớm. Những người được đi khinh khí cầu buộc phải theo dõi hướng dẫn ngắn về quy tắc an toàn khi bay.

Quy tắc thứ nhất: tuyệt đối nghe lời phi công. Quy tắc thứ hai: không lề mề – phi công bảo nhảy vào giỏ khí cầu thì phải vào ngay, bảo nhảy ra (khi đáp đất) thì phải nhảy ra ngay. Quy tắc thứ ba: không được đụng vào bất cứ sợi dây hay thiết bị gì có màu đỏ, xanh, đen. Tôi được phân đi cùng 1 nhà báo khác và 2 phi công người Nhật Bản là ông bà Masahiko và Satoko Fujita. Ông Fujita bảo mọi người nhảy vào giỏ, rút dây neo trên mặt đất, kéo cần gas thổi khí nóng. Quả cầu dần bay lên. Tùy vào kích thước khí cầu, nó có thể chở được 4 đến 6 người.

Các đội bay đã chuẩn bị khi trời còn chưa sáng hẳn

Chuẩn bị bay

Ông bà Fujita bơm khí nóng vào khí cầu, chuẩn bị xuất phát. (Chụp xong bức này là mình phải nhảy phắt vào giỏ khí cầu ngay theo lệnh của phi công)

Một ngọn tháp cổ nhìn từ khinh khí cầu.

Từ trên cao, ngoài bầu trời và những cánh đồng rộng lớn ở Ayutthaya, người ta còn có thể nhìn thấy ánh bình minh chiếu qua nhiều khu vực di tích cổ và phế tích hùng vĩ nơi đây. Quả thật, chu du bằng khinh khí cầu có cái cảm giác thú vị khác lạ mà không một phương tiện giao thông nào có thể đem lại. Đó là cảm giác hòa mình vào không trung mà không bị vướng víu, không bị tiếng động cơ làm ồn ào.

Thiết bị GPS trên giỏ khí cầu

Thành phố Ayutthaya nhìn từ khí cầu xuống. Đẹp quá!

Mặt trời mới mọc, nhìn đẹp long lanh

Người dân đứng xem khí cầu bay

Khí cầu bay qua đồng ruộng

Khí cầu bay giữa bình mình, thật đẹp

Tiếp tục thổi khí nóng vào quả bóng khổng lồ

Ông Fujita

Những khinh khí cầu bay giữa một khoảng không gian rộng lớn của đồng lúa với mặt trời phản chiếu

Một quả khí cầu đáp bên đường

Đã đến lúc đáp đất. Ông Fujita dáo dác tìm mảnh đất khô ráo giữa đồng ruộng mênh mông. Theo ông, không phải cứ thích đáp chỗ nào là đáp ngay được. Phi công phải quan sát chỗ đáp trước đó chừng 100m hoặc xa hơn rồi hạ khí cầu từ từ.

Đội hỗ trợ liên lạc thường xuyên với phi công khí cầu để biết được chính xác địa điểm đáp để đến đón. Điều này cũng giống như phi thuyền Soyuz từ không gian trở về Trái Đất, sau khi rơi xuống thì phải vài tiếng sau đội cứu hộ mới đến đón họ được vì vị trí rơi khó xác định chính xác được. Với khinh khí cầu thì đội hỗ trợ đến nhanh hơn.

Khinh khí cầu đã đáp đất. Cả 4 người hì hục làm xẹp quả khí cầu đầy khí nóng, cuộn vải của quả bóng lại để cất vào túi. Ông Fujita cho hay trọng lượng của mỗi quả khí cầu (chưa bao gồm phi công và hành khách) là khoảng 100 kg. Do kích thước cồng kềnh và nặng, khí cầu được chở từ mọi nơi trên thế giới đến lễ hội này bằng tàu thủy.

Không hiểu sao quả này chọn đáp ở giữa đồng thế không biết

Dọn dẹp và thu xếp lại khí cầu sau khi đáp đất. (Mình cũng có tham gia dọn phụ nhé, chụp ảnh xíu thôi xong phải lao vào gấp. Vải khí cầu nặng dã man)

Khi dọn xong rồi thì ngựa 1 phát

Khi tôi thắc mắc về chi phí để một người bay một lần trên khinh khí cầu là bao nhiêu thì được trả lời: 100.000 baht (gần 60 triệu đồng) (Đấy là bên công ty tổ chức sự kiện nói thế). Ông Fujita, cũng là một doanh nhân bán khinh khí cầu ở Tokyo (Nhật Bản) cho hay 1 quả khí cầu có giá tới 3 triệu yen (khoảng 610 triệu đồng). Phi công Baxter thì nói ông mua quả khí cầu với giá 25.000 bảng Anh (gần 748 triệu đồng). Công ty Syllable, đơn vị quảng bá cho sự kiện, cho hay lễ hội này không dành cho hành khách là những người bình thường. Chỉ có báo giới và khách mời đặc biệt mới được đi khinh khí cầu. Dân thường thì chỉ được mua vé vào bãi… ngắm khí cầu bay.

Phi công Baxter nói ông đến với khinh khí cầu 12 năm trước sau một lần đi xem những cuộc trình diễn. Những người đến xem hay được bay cùng khinh khí cầu trong lễ hội lần này, ai sẽ theo đuổi thú vui và cũng là môn thể thao tốn kém này? Chỉ biết, cảm giác được bay bổng giữa không trung luôn có một sức hút kỳ diệu.

“Khuyến mãi” thêm đặc sản Ayutthaya nhé! Món bánh tráng ngọt ngày sẽ được quấn với mấy sợi đường trong bọc, hình cuối.

Phần sau: Video: Bay cùng khinh khí cầu (8 phút)

Facebook Comments
Please follow and like us:
2 Comments

Add a Comment