Lần đầu tiên mình được biết đến cách mà người ta khai thác muối ở trong núi như thế nào mà từ đâu mà trữ lượng muối lại có trong núi như vậy. Đây là một trong những nơi cực kỳ độc đáo mà mình thấy rất đáng để trải nghiệm nếu đến Đức. Đợt đi Đức vừa rồi mình có cơ hội đến mỏ muối Berchtesgaden, mỏ muối có tuổi đời hơn 500 năm và là mỏ muối lâu đời nhất còn hoạt động tại Đức.
Video về hành trình đến mỏ muối Berchtesgaden ở cuối bài.
***Việc ghi hình bên trong mỏ bị cấm để đảm bảo an toàn do du khách. Để thực hiện vlog về chuyến đi thì mình đã được cấp phép để quay chụp bên trong.
Vietnam Airlines có đường bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi Munich và từ đây đến mỏ muối khá gần.
Đoàn tàu vào mỏ
Trước khi vào mỏ, mọi người được yêu cầu mặc quần áo bảo hộ để giữ ấm vì nhiệt độ dưới mỏ xuống tới 12 độ C. Đoàn tàu nhỏ bắt đầu đưa mình đi vào sâu trong mỏ. Đây là phương tiện thú vị, thuận tiện và an toàn để đưa du khách tham quan bên trong. Có vẻ như những khu vực mình đi từ hôm qua tới giờ như Salzburg, Hallstatt và giờ là Berchtesgaden đều có trữ lượng muối lớn. Những nơi này cũng khá gần nhau. Từ hàng ngàn năm qua, muối đóng một vai trò quan trọng đối với lịch sử loài người. Tìm hiểu và khám phá mỏ muối Berchtesgaden giúp mình mở mang thêm về một trong những cách thức mà người ta khai thác và sản xuất muối.
Và đây là sơ đồ mình tham quan hôm nay đi qua các đường hầm bên trong mỏ. Ở một số vị trí sẽ có các máng trượt để du khách di chuyển nhanh chóng đến điểm tiếp theo, vừa thú vị, vừa tiết kiệm thời gian. Điểm đến sâu nhất trong mỏ là một hồ nước phản chiếu như gương rất đẹp.
Ảnh: salzbergwerk.de
Đây là mỏ muối lâu đời nhất còn hoạt động ở Đức. So với mỏ muối ở Hallstatt lâu đời nhất thế giới thì Berchtesgaden không lâu đời bằng nhưng mỗi nơi sẽ có một câu chuyện riêng. Muối đã được khai thác ở mỏ này hơn 500 năm trước, cụ thể là vào năm 1517. Khoảng 1 triệu m3 nước muối được chiết xuất mỗi năm tại đây. Đoàn tàu sẽ đưa du khách vào sâu 650m bên trong mỏ muối.
Lịch sử khai thác muối
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ 12, một trữ lượng muối lớn được phát hiện ở dãy Alps của vùng Bavaria. Vào thời điểm đó, muối là một mặt hàng cực kỳ quan trọng, không chỉ để bảo quản thực phẩm mà còn để trao đổi hàng hoá. Vào khoảng năm 1193, muối bắt đầu được chiết xuất ở Tuval gần Schellenberg. Một thời gian ngắn sau đó thì mỏ muối cũng xuất hiện ở Gollenbach tại Berchtesgaden.
Năm 1517 ở thế kỷ 16, Gregor Rainer, người cai trị Berchtesgaden cho lập mỏ muối Berchtesgaden. Vào thế kỷ 16 thì việc khai thác muối ở đây là một công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm nhưng lại rất đáng giá. Thời đó, muối được coi là vô giá, có khi được gọi là vàng trắng.
Nguồn gốc muối
Vậy thì muối ở đây có từ đâu? Ở căn phòng này các bạn sẽ được xem một bộ phim tài liệu về cách mà trữ lượng muối lớn hình thành tại vùng này. Tương tự như câu chuyện ở Hallstatt, hàng triệu năm trước thì ở đây là biển. Với sự biến đổi về địa chất thì đáy biển nâng lên, ngăn cách các vùng nước và các hồ nước mặn được hình thành. Qua thời gian thì nước ở đây bốc hơi và để lại các lớp muối kết tinh dày và rộng lớn. Sự thay đổi về địa chất một lần nữa chôn vùi những lớp muối này. Như ở đoạn đường hầm này, các bạn có thể nhìn thấy các lớp muối rõ rệt trên đá.
Khai thác ướt
Và vào bên trong căn phòng này, các bạn tiếp tục được tìm hiểu về cách khai thác muối. Khác với cách khai thác muối từ nước biển mà chúng ta vẫn thấy ở Việt Nam, cách khai thác muối ở đây được gọi là “khai thác ướt”. Đây cũng là cách thú vị để chiết xuất được muối từ trong đá. Nói một cách khái quát và dễ hiểu thì người ta sẽ khoan đục những khoảng rỗng lớn bên trong mỏ để chiết xuất muối. Nước sạch sẽ được bơm vào đây và có tác dụng là hoà tan muối từ các khối đá trên trần và vách. Những thành phần không hoà tan của đá sẽ lắng xuống dưới đáy. Kết quả người ta thu được là nước muối với hàm lượng muối 26,5%. Muối sẽ được chiết xuất từ đây.
Trải qua nhiều thế kỷ thì công nghệ khai thác muối được phát triển tân tiến hơn và hiệu quả hơn. Như ở góc trưng bày này chúng ta có thể thấy ngày xưa khi đào bằng tay thì người ta chỉ đào được 6cm một ngày. Việc đào như thế này vẫn tồn tại đến đầu thế kỷ 20. Đến đầu thế kỷ 21 thì các công nhân có công cụ hỗ trợ bằng máy móc nên có thể đào được 2m mỗi ngày. Với cỗ máy lớn hơn như hiện nay thì người ta có thể đào 6m mỗi ngày.
Hồ gương
Tiếp tục hành trình thì mọi người trượt tiếp xuống một khu vực sâu hơn để đến điểm sâu nhất của mỏ. Ở đây có một hồ nước được gọi là Spiegelsee hay hồ gương. Thoạt nhìn ai cũng tưởng hồ nước trong đến nỗi nhìn thấy đáy nhưng không. Mặt hồ đang phản chiếu hình ảnh trần của hang đá bên trên.
Hồ này tất nhiên là nước mặn, là một phần trong quy trình khai thác ướt mà mình nói lúc nãy. Hồ dài 100m, rộng 40m, sâu đến 2m. So với bề mặt bên trên lối vào mỏ thì hồ này nằm ở độ sâu 130m. Hàm lượng muối ở đây cao ngang với nước ở Biển Chết. Du khách đến đây sẽ được lên một cái bè lớn và đi dọc chiều dài của hồ để tham quan. Không gian được kết hợp với âm nhạc và ánh sáng trông thật ảo diệu.
Hồ Gương cũng là điểm cuối trong chuyến tham quan mỏ muối. Mình đi vào bên trong một thang máy nghiêng để đi thẳng lên mặt đất. Được biết du lịch ở mỏ muối này bắt đầu hoạt động từ năm 1816 cho một số người được lựa chọn. Đến năm 1880 thì mỏ muối mở cửa cho công chúng tham quan và duy trì đến ngày nay.
Quay trở lại đoàn tàu, mình lại đi một quãng đường ngắn để ra lại cửa, kết thúc một chuyến tham quan, khám mỏ muối quá thú vị, quá bổ ích, giúp mình hiểu thêm về một mảnh ghép khác của thế giới đầy màu sắc này.
Video về hành trình đến Áo và Đức: