Duyên nợ Nepal

nepalearthquake01

Gần 2 tuần ở Nepal sau động đất, bố tôi nói có lẽ kiếp trước tôi sinh ra ở Nepal. Có nhiều điều khiến tôi tự thuyết phục mình rằng tôi có nhiều duyên nợ với đất nước này.

Đặt chân xuống Kathmandu 3 ngày sau trận động đất kinh hoàng, tôi mệt mỏi và gần như kiệt sức sau 13 tiếng trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Nepal. Một ngày trước đó, chuyến bay đến Kathmandu bị hủy vì sân bay Tribhuvan quá đông các chuyến bay cứu trợ đổ dồn đến. Tình hình có vẻ căng thẳng. Cả trăm người Nepal và các nhóm cứu hộ bị kẹt lại, đợi chuyến bay sáng hôm sau.

Chuyến bay sáng hôm sau khởi hành đúng giờ nhưng cơ trưởng thông báo máy bay sẽ đáp ở Dhaka (Bangladesh) chờ Kathmandu cho lệnh hạ cánh mới có thể xuất phát. Kết quả là hành khách ngồi lỳ trong máy bay suốt 7 tiếng rưỡi để đợi. Cơ trưởng không thể cho hành khách vào nhà ga đợi vì máy bay có thể cất cánh bất cứ lúc nào nếu Kathmandu cho lệnh bay. Nhiều lần máy bay chực ra đường băng chuẩn bị cất cánh thì cơ trưởng lại cho máy bay quay vào vì không Kathmandu lại hủy lệnh đáp. Cứ như thế, sau 7 tiếng rưỡi chờ đợi ở Bangladesh, máy bay mới cất cánh đến Kathmandu. Thời gian bay đến Kathmandu chỉ 1 tiếng nhưng bay lòng vòng trên bầu trời Nepal để đợi sân đỗ có chỗ trống thì mất thêm 1 tiếng nữa.

Tôi không nghĩ mình sẽ đến Nepal lần thứ 3 và ở lại một đất nước lâu đến như vậy. Gần 2 tuần, không nhiều nhưng là dài so với các chuyến đi khác. Thời gian tôi ở nước ngoài lâu nhất tính ra chỉ là Thái Lan và Mỹ.

Chuyến đi lần này như được sắp đặt trước. Tôi nhận ra rằng bất cứ ai mà ta gặp trong cuộc đời này đều không thừa. Có thể gặp nhau một lần, tưởng chừng không bao giờ gặp lại. Người ta xuất hiện lần đầu vào đúng thời điểm và quay lại đúng lúc cần quay lại. Những năm học Webster rồi rời trường, chẳng bao giờ nghĩ sẽ gặp lại những người bạn Nepal. Vậy mà sau đó đi Nepal đến 2 lần, thêm lần vừa rồi là thứ 3, gặp lại những người bạn cũ. Không có họ, không biết công việc của tôi sẽ hoàn thành tới đâu. Đi tác nghiệp ở một đất nước xa xôi, có bạn bè, có mối quan hệ, chuyện gì cũng xong, cũng ổn.

Chuyến đi Nepal lần 2 năm 2013 cũng không phải là thừa. Ghé Saigon Phở, gặp chị Út (Võ Thị Kim Cương) và chính sau này nhà hàng của chị đã giúp mình rất nhiều. Gặp nhau đã là cái duyên, gặp lại lần nữa và giúp đỡ nhau dường như là cái số.

Chuyến đi bão táp vừa rồi hãi nhất là hành lý tới chậm 6 ngày, không có quần áo mặc. Cơ trưởng thông báo không biết máy bay sẽ bay vòng trên bầu trời Kathmandu bao lâu và ở sân bay Tribhuvan trong thời điểm ấy cũng không tiếp xăng nên cơ trưởng quyết định bỏ hết hành lý tại Dhaka và bơm thêm xăng. Đến khi lấy hành lý được rồi thì tôi được giao nhiệm vụ mới, ở lại Nepal thêm 3 ngày nữa. Số quần áo chưa dùng đến trong va li những ngày bị đến chậm may sao đủ dùng cho số ngày ở lại phát sinh. Thành ra, chuyện hành lý đến chậm cũng là do sắp đặt, để mình đủ quần áo sạch mặc cho những ngày kế tiếp.

nepalearthquake02

Hôm qua chợt nghe Nepal chịu thêm một trận động đất mạnh nữa. Thương người Nepal đã nghèo còn gặp nhiều khổ sở sau thảm họa. Tiếc cho những di tích cổ sụp đổ hoàn toàn trong cơn giận dữ của thiên nhiên. Đến các làng bên ngoài Kathmandu mới thấy tình cảnh người nông dân Nepal đã cơ cực giờ đây thêm sóng gió.

Năm năm trước, khi lần đầu tôi đến Nepal, tôi đã thốt lên rằng sao nước này nghèo quá. Những ngôi nhà cũ kỹ xây bằng gạch và bùn đất ở Kathmandu nhìn lụp xụp đến thảm thương. Bây giờ thì nhiều ngôi nhà như vậy đã sụp đổ. Nhưng người Nepal thì xem ra khá bình tĩnh. Sau động đất chưa hề có vụ hôi của nào. Ở các làng đôi khi xảy ra cảnh giành giật đồ cứu trợ nhưng ở các làng quanh Kathmandu và ngay chính trong thủ đô thì người ta vẫn từ tốn xếp hàng đợi phát đồ. Nhìn cảnh người dân Nepal không phân biệt già trẻ, nam nữ, chung tay dọn dẹp các đống đổ nát thật cảm động và ngưỡng mộ.

Nếu có dịp, tôi nhất định sẽ quay lại Nepal và khi ấy, tôi mong rằng Nepal sẽ hồi phục sau động đất. Gần 2 tuần ở Nepal làm tôi có cảm giác mình bị gắn chặt với nơi này. Nhớ Nepal, nhớ những người bạn Nepal và Việt Nam đang ở đó.

Xem thêm: Hành trình Nepal

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment