DU LỊCH ĐÀI LOAN: Đi chơi cuối năm & du xuân, ăn sập cả đảo

Trở lại Đài Loan lần thứ 3, tôi vẫn chưa hết chán hòn đảo này. Còn quá nhiều thứ để đi, để chơi, để ăn. Thật sự, Đài Loan có đi thêm vài lần nữa thì vẫn có nhiều thứ lạ lẫm. Làng mèo Houtong, Hoa Liên là những điểm đến mới đối với tôi trong chuyến đi lần này.

Nhập mã TRAVIP6 được giảm 6% (tối đa 100.000đ) khi mua tour, vé tham quan, dịch vụ trên Klook. Hạn sử dụng đến 1-1-2020.

***Có video 3 video cuối bài. Nếu lỡ lười đọc thì cuộn xuống cuối coi nha mấy bạn.

Đợt này đi chơi Đài Loan dễ thở hơn, một phần vì quen đi lại rồi, một phần xài Klook mua vé tham quan, vé xe và tour lẻ tẻ nên đỡ tiền mà lại chủ động thời gian. Thôi giờ mình kể tuần tự hành trình để mấy bạn theo dõi nha!

CHUYỆN BAY:

Hiện các bạn có thể chọn các chuyến bay của Vietnam Airlines, China Airlines, EVA Air, Vietjet Air và Jetstar Pacific để bay sang Đài Loan từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh nhé!

Máy bay của Vanilla Air.

Từ sân bay về khách sạn mình không đi xe buýt mà đi tàu điện. Vụ này mới. Hai lần trước mình đi thì tàu chưa hoàn thiện. Giờ có tàu đi thì cực tiện, lại rộng rãi thoáng mát. Giá vé tàu 160 Đài tệ (khoảng 120.000đ). Từ sảnh đến sân bay, cứ đi theo biển chỉ dẫn là xuống được ga tàu điện, mua vé bằng máy tự động là xong. Tàu dừng ở điểm cuối là Taipei Main Station. Từ ga này bạn bắt taxi hoặc tàu điện về khách sạn.

Tàu điện từ sân bay về, đẹp ghê!

RONG CHƠI ĐÀI BẮC:

Xe buýt 2 tầng: 9-21$

Đợt này mình mới phát hiện ra cách rong ruổi Đài Bắc cả ngày bằng xe buýt khá tiện. Đó là mua 1 cái vé Taipei Double Decker Bus (xe buýt 2 tầng). Xe buýt này chạy dọc các điểm tham quan ở Đài Bắc như tháp Taipei 101, Taipei Main Station, Khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Ximending, cố cung, bảo tàng. v.v… Xem đường đi của xe buýt 2 tầng tại: https://www.taipeisightseeing.com.tw/en/router. Tóm lại là dạng xe buýt hop on hop off. Đi kiểu này tiện vì đỡ lo dò đường, xe thì cứ chở tuần tự đến các điểm, có tầng 2 mui trần, có tai xe cắm vào ghế nghe thuyết minh.

Vé xe buýt 2 tầng mua trên Klook có giá 9$/4 tiếng hoặc 21$ nguyên ngày. Mua vé xong có mã vạch khỏi in ra. Lên xe đưa điện thoại có mã vạch cho cô tiếp viên quét qua máy thôi. Tiếp viên đẹp, lịch sự. Ưng! Xem chi tiết tại đây nha:

Tòa tháp Taipei 101: 17$

Đừng nghĩ đơn thuần đây chỉ là 1 tòa tháp cao bán vé cho bạn lên ngắm cảnh không thôi đâu nha. Như vậy thôi thì người ta không bán đâu. Mình mua vé trên Klook xong đi lên tầng 5 của Taipei 101 tới quầy đổi vé cứng. Nhân viên quét mã vạch xong đưa vé cứng và 1 nùi các loại voucher miễn phí giảm giá này nọ. Sau đó mình ung dung đi về phía tháng máy để lên tầng ngắm cảnh là tầng 89. Mà trời ơi các bạn biết sao không? Đó là cái thang máy nhanh nhất thế giới (mặc dù năm ngoái mới bị tòa nhà bên Thượng Hải truất ngôi đầu bảng). Từ tầng 5 lên tầng 89 có 37 giây. Áp suất trong thang được điều chỉnh nên không có bị ù tai. Nhanh dã man.

Từ tầng 89 ngắm cảnh thì đẹp khỏi nói nên thôi không miêu tả nữa. Thú vị cái là đi xuống tầng 88 sẽ được ngắm quả cầu điều hòa. nặng 660 tấn. Các bạn biết để làm gì hem? Nó như một con lắc giúp tòa nhà giảm rung lắc mỗi khi có gió to hoặc bão. Lần đầu tiên mình được nhìn thấy một quả cầu điều hòa bên trong một siêu cao ốc. Đây cũng là lần đầu tiên 1 quả cầu điều hòa được trưng bày công khai.

Cái này được Taipei 101 ghi tiếng Việt là: quả cầu điều hòa (có chỉ dẫn tiếng Việt luôn mới ghê).

Ngoài ra nếu muốn ngắm cảnh từ trên cao mà không vướng kính thì các bạn lên tầng 91 nhé!

Giá vé 17$, mua tại đây:

Thông tin thêm: Taipei 101 từng truất ngôi tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur để trở thành tòa nhà cao nhất thế giới từ 2004 đến 2010 cho đến khi bị Burj Khalifa ở Dubai truất ngôi.

HÀNH TRÌNH PHỐ CỔ (Cửu Phần, Thập Phần, làng mèo Houtong): 15$

Đây là lần thứ 3 đi Đài Loan và cũng là lần thứ 3 mình đến Cửu Phần các bạn ạ. Tại sao ư? Trời ơi cảnh đẹp và nhất là 1 rừng đồ ăn. Mình được cái ăn nhiều không mập. Chỉ có đi chơi không tập gym mới bị xuống ký thôi. Lần này đi nhẹ nhàng hơn vì mua vé xe buýt trên Klook có 15$ à. Đi từ sáng, xe dừng ở Thập Phần, sau đó hẹn giờ quay lại xe rồi lại đi Cửu Phần. Cụ thể:

9h kém 15 sáng, mình đón tàu điện đến nơi hẹn với xe của Klook để bắt đầu chuyến đi Cửu Phần và Thập Phần. Địa điểm hẹn là cổng ra số 4 của ga tàu điện Ximen. Khỏi đưa mã vạch, chỉ cần đưa số booking cho tài xế kiểm tra thấy trùng khớp là lên xe. (Đi xe buýt bên Mỹ cũng vậy á mấy bạn. Mua vé trên mạng rồi trình mã vạch hoặc số booking thôi).

Xe nhỏ, không quá đông khách và mỗi người được một chai nước trong suốt chuyến đi. Điểm đến đầu tiên của hành trình là Thập Phần. Tài xế chu đáo dặn dò khách giờ quay lại xe để đi tiếp.

Thập Phần

Phố cổ Thập phần là một nơi thu hút du khách từ khắp nơi với những con hẻm và lối đi nhỏ dọc ga tàu Thập Phần. Đường sắt chạy qua Thập Phần ban đầu được xây dựng để vận chuyển than từ thời Nhật cai trị (cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20). Ở Thập Phần, du khách không chỉ tham quan các cửa hàng, ăn uống mà còn thả những ngọn đèn trời. Trên những đèn trời này họ sẽ ghi những điều ước cho bản thân, gia đình, đất nước hay thậm chí cả thế giới rồi thả lên trời, hy vọng điều ước sẽ thành hiện thực. Và mỗi khi có tàu đi qua, tất cả lại dạt sang một bên tránh tàu, rồi sau đó mọi hoạt động lại diễn ra trên đường tàu.

Cửu Phần

Sau Thập Phần là Cửu Phần. Phố cổ Cửu Phần là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất ở Đài Loan. Ấn tượng đầu tiên của mình về Cửu Phần là cảnh quá đẹp. Từ trên cao chúng ta có thể nhìn xuống núi non và cảnh biển bên dưới. Đó là chưa kể những đám mây bồng bềnh trôi ngang qua khiến mọi thứ xung quanh trở nên lãng mạn và ảo diệu vô cùng.

Phố cổ Cửu Phần ra đời từ thời nhà Thanh. Phố cổ nhỏ bé này khá biệt lập với bên ngoài cho đến khi người ta phát hiện có vàng tại đây trong thời Nhật cai trị vào cuối thế kỷ 19. Cái tên Cửu Phẩn xuất phát từ việc tại đây có 9 hộ gia đình và mỗi khi người ta vận chuyển hàng hóa theo đặt hàng thì lúc nào cũng phải đem đủ 9 phần cho 9 gia đình. Ngày nay thì tại đây có khoảng 4.000 gia đình chứ không chỉ là 9 như ngày xưa. Nhiều nhà cửa ở Cửu Phần vẫn còn giữ nguyên kiến trúc từ ngày xưa, mang dấu ấn từ thời Nhật cai trị.

Đến thăm phố cổ Cửu Phần, bạn hãy thỏa sức ăn nhiều món đặc sản địa phương và mua sắm các món đồ lưu niệm, hay đơn giản chỉ là ngồi ở một quán cà phê ngắm cảnh một cách bình yên. Và đừng quên ghé Amei Tea House, một địa điểm sống ảo chất đến từng khung hình.

Tới Cửu Phần mình mê nhất món xúc xích nướng của Đài Loan ăn chung với tỏi. Lần thứ 1 ăn của một bác gái ở con đường cuối dãy phố đông đúc rẽ trái. Lần này mình ăn ở quán của một chị Việt Nam qua Đài được 7 năm không xa lối đi vào.

Chị Việt Nam.

Làng mèo Houtong (mình tự đi riêng không có trong hành trình xe buýt mua trên Klook)

Nằm cạnh một ga tàu và không cách xa Cửu Phần, làng mèo Houtong là một địa điểm cực kỳ thú vị và dễ thương, nhất là đối với những ai yêu mèo. Từ Cửu Phần bắt taxi qua Houtong chừng 10 phút. Từ ga tàu Houtong chỉ cần đi qua một cây cầu vượt dễ thương bắc qua đường sắt là đến được với làng mèo.

Nơi đây từng là một thị trấn khai thác than và được xây dựng từ thời Nhật cai trị. Ngôi làng với khoảng hơn 6.000 công nhân đã cung cấp một lượng than lớn cho Đài Loan. Tuy nhiên đến cuối thế kỷ 20, việc khai thác than ít đi, nhiều người rời bỏ ngôi làng.

Trời ơi tất cả như trong một cuốn truyện tranh Nhật Bản hiện ra.

Vào năm 2008, một người yêu mèo bắt đầu chiến dịch chăm sóc cho những chú mèo bị ruồng bỏ trong thị trấn. Cô đã đi tìm và tổ chức đội ngũ tình nguyện viên đăng hình những chú mèo lên mạng. Điều này đã giúp những người yêu mèo đến với ngôi làng và khiến nó trở thành một địa điểm du lịch lý thú.

Vậy là hết ngày. Mình quay lại Cửu Phần. Xe chở mình về lại Đài Bắc.

Xe đi Cửu Phần, Thập Phần xem tại đây:

Còn hai cái chợ đêm và khu vui chơi ăn ngập họng ở Đài Bắc mình sẽ viết blog riêng giới thiệu 8.000 món ăn Đài Loan sau nha :))

HOA LIÊN: CHẠM NGÕ TAROKO: 

Để đi Hoa Liên, bạn có thể ra ga trung tâm Taipei Main Station và mua vé đi ngay lập tức. Thường những ngày trong tuần thì vé không hết nhanh nên không cần mua trước. Vé cho một chiều là 400 Đài tệ (khoảng 330.000đ).

Tàu chạy nhanh và êm, khoảng hơn 2 tiếng là tới Hoa Liên. Ghế ngồi trên tàu rất thoải mái và êm, chỗ duỗi chân rộng. Trên tàu có bàn cả đồ ăn cho khách có nhu cầu. Thời gian đi tàu là lúc tuyệt vời để ngắm cảnh hai bên đường, kể cả bờ biển phía đông Đài Loan.

Cơm mưa trên tàu.

Ghế ngồi trên tàu nè. Sướng lắm!

Hoa Liên là một thành phố dễ thương và êm đềm nằm bên bờ biển phía Đông của Đài Loan. Thành phố này êm đềm đến nỗi nếu bạn đã quen với không khí nhộn nhịp thì bạn sẽ phát điên vì chán ở Hoa Liên. Nhưng không, Hoa Liên vẫn còn nhiều nơi để bạn thăm thú như chợ đêm với vô vàn các món đặc sản địa phương. Vào chợ đêm mà ăn thì cũng ngập mặt chứ chẳng đùa. Hôm đó mình đi chợ đêm Tungtamen, nhớ món bánh kẹp thịt vỏ kiểu bánh bao. Ôi chao nó ngon đến rạo rực.

Hành trình Taroko: 28$ bao gồm ăn trưa ngon banh

Sáng hôm sau, mình tranh thủ kết thúc bữa sáng nhanh gọn ở khách sạn để tiếp tục đi các nơi thắng cảnh tuyệt đẹp của Hoa Liên. Khách sạn ở đợt này ưng. Phòng ốc rộng rãi. Đặt phòng nhỏ mà hết phòng cái nâng hạng cho mình ở phòng bự.

Với hành trình này, mình tiếp tục đặt tour lẻ trên Klook. Đây là tour nửa ngày với giá chỉ 28$ bao gồm cả ăn trưa, đi tham quan nhiều điểm đẹp. Hành trình không hề gò bó như đi tour thông thương mà khá tự do, thoải mái. Cứ tới các điểm ngắm cảnh tham quan là lại thả mình xuống, hẹn giờ quay lại lên xe đi tiếp. Có gói nửa ngày 22$ nhưng không kèm ăn trưa (nên mua gói có ăn trưa vì cũng thêm không bao nhiêu, đồ ăn ngon, chỗ ngồi view đẹp). Gói cả ngày không ăn là 23$, có ăn là 20$.

Ăn trưa thôi mà “hành hạ” nhau dễ sợ. Cơm đã ngon rồi cảnh còn đẹp nữa ai chịu nổi?

Điểm đầu tiên là Pine Garden hay vườn thông. Được xây dựng vào năm 1942, các tòa nhà và khu vực xung quanh từng là nơi làm việc của Hải quân Nhật thời Nhật Bản cai trị. Pine Garden được coi là một địa điểm mang tính lịch sử đối với Đài Loan. Sống ảo chỗ này cũng đẹp.

Điểm đến tiếp theo là vách núi Thanh Thủy, một nơi thắng cảnh trên cả tuyệt vời với vách núi thẳng đứng bên bờ biển màu nước xanh ngọc. Phía trước là Thái Bình Dương bao la. Trời ơi ta nói nó đẹp banh xác. Thề là ở Bali cũng có mấy kiểu như vậy mà nước biển không đẹp lạ bằng Thanh Thủy. Vách núi Thanh Thủy cũng là một phần của công viên quốc gia Taroko.

Sau Thanh Thủy thì xe đi sâu vào trong Taroko. Với những vách núi thẳng đứng, những con suối nhỏ chảy qua những ngóc ngách và cả những con đường đi xuyên những hang núi, Taroko xứng đáng là nơi để bạn phải đến một lần trong đời. Thực sự những con đường đi xuyên vách núi ở Taroko rất đặc biệt. Không chui hẳn vào hầm mà đi mé bên ngoài, vẫn có những lỗ hổng lớn như cửa sổ để nhìn cảnh. Mình thề đây là con đường đèo núi đẹp nhất mình từng đi qua.

Một trong những trải nghiệm tuyệt vời khi đến Taroko là tản bộ dọc con đường hầm trong hang én như những con đường xe chạy qua mình vừa miêu tả ở trên. Đường hầm này không chỉ dành cho xe chạy mà còn là nơi để du khách đi bộ chậm rãi, ngắm nhìn thiên nhiên không chỉ hùng vĩ và còn hoàn mỹ đến sững sờ.

Trên đường tham quan Taroko, có những điểm dừng chân như Boluowan cũng đáng để tịnh tâm hòa mình vào đất trời thiên nhiên.

Trong rừng quốc gia Taroko còn có những cây cầu, những ngôi đền chùa nằm trên sườn núi hay trên những con suối chảy róc rách. Có lẽ hiếm có nơi nào đẹp đến vậy.

Điểm cuối cùng là nơi ngắm cảnh ở bãi biển Qixingtan như một lời chia tay nhẹ nhàng Hoa Liên.

VỀ LẠI ĐÀI BẮC:

Về đến khách sạn, mình lấy hành lý đã gửi ở quầy lễ tân (do check out từ sáng lúc đi Taroko), nhờ khách sạn gọi taxi chạy ra ga tàu mua vé về Đài Bắc. Tới Taipei Main Station, mình đi tàu điện ra sân bay, dừng ở trạm Airport Hotel và check-in vào khách sạn Novotel sân bay Đào Viên, nghỉ lại sáng hôm sau bay về Việt Nam sớm. Thấy con gấu trúc dễ thương không cả nhà?

Video về chuyến đi: (nhớ SUBSCRIBE kênh nha, 1 tuần 6 clip lận đó)

 

Facebook Comments
Please follow and like us: