Hướng dẫn cách tính toán chi phí cho chuyến đi

Tính toán chi phí cho chuyến đi là 1 công đoạn quan trọng trong việc lên kế hoạch đi chơo. Nhiều bạn vướng phải rào cản này đầu tiên. Các bạn sẽ thắc mắc đi 1 nơi nào đó với từng đó ngày hết bao nhiêu tiền hoặc mình có đủ tiền để đi không.

Đây cũng là vấn đề mà Travip nhận được nhiều câu hỏi nhất và thú thật, không phải lúc nào Travip cũng trả lời được vì nhiều bạn hỏi rất chung chung, kiểu như đi Thái thì hết bao nhiêu tiền. Với câu hỏi đó, mình không thể nào trả lời được vì không biết bạn đi bao nhiêu ngày, ở kiểu gì, đi những đâu. Thôi thì trong bài này mình hệ thống lại cách tính toán chuyến đi nhé. Nhưng dù làm gì thì mình cũng khuyên các bạn nên tự thân vận động, tự mình mày mò làm rồi sẽ quen.

Thực ra việc tính toán chi phí không quá phức tạp đâu. Có mấy loại chi phí chính sau đây:

1.Vé máy bay:

Đây là điều đầu tiên bạn nghĩ đến. Để đi chơi thì cần vé máy bay (trừ 1 số nơi đi xe hoặc đi tàu). Bạn cần biết được bay đến đó và bay về thì hết bao nhiêu tiền.

Dò vé hết bao nhiêu tiền? Dễ thôi. Xem xem có bao nhiêu hãng bay tới nơi đó. Vào trang web từng hãng một dò vé xem hãng nào rẻ nhất hoặc giá hợp lý nhất với nhu cầu của bạn thì mua. Bạn không biết trang web của hãng hàng không đó ư? Hỏi anh Google là ra. Trang web của một số hãng thông dụng:

  • Vietnam Airlines: www.vietnamairlines.com
  • Jetstar Pacific: www.jetstar.com
  • VietJet Air: vietjetair.com
  • AirAsia: www.airasia.com
  • Malaysia Airlines: malaysiaairlines.com
  • Thai Airways: www.thaiairways.com
  • Singapore Airlines: www.singaporeair.com

Mấy hãng khác các bạn tự tra Google nha. Dễ lắm.

Còn lười ư? Cứ việc vào mấy trang dò vé tổng hợp như SkyScanner.com, Traveloka.com này nọ để coi vé.

Trường hợp “xấu nhất” bạn không thể làm những bước này, hãy ra phòng vé hoặc 1 đại lý vé nào đó để họ tìm và bán vé cho bạn.

2.Khách sạn/chỗ ở:

Di chuyển xong rồi thì tới chỗ ở. Bạn dự kiến ở nơi đó bao nhiêu ngày? Xác định cụ thể nhé vì nó ảnh hưởng tới việc đặt phòng khách sạn đó. Để kiếm khách sạn rẻ hoặc giá hợp lý với nhu cầu thì dễ lắm. Đừng hỏi tìm khách sạn rẻ ở đâu hay tìm khách sạn nào tốt. Đừng hỏi! Thiệt. Vô luôn mấy trang như Agoda.com, Booking.com hay Traveloka rồi nhập vào điểm đến, thời gian ở. Mấy trang đó sẽ liệt kê ra vô vàn các khách sạn để bạn chọn. Mỗi khách sạn đều có nhận xét của khách đã ở nên không lo chọn trúng khách sạn tệ.

3.Các chi phí di chuyển khác: 

Khi đến một nơi nào đó để du lịch, bạn có dự định đi đâu tiếp không? Đi tàu lửa, tàu cao tốc, tàu điện, xe hay bay nội địa chẳng hạn? Lên mạng tìm hiểu thông tin, liệt kê các chi phí này ra nhé. Thường thì xe buýt hay tàu đều có thông tin về giá cả cho từng chặng đi trên mạng. Đầy rẫy các bạn ạ. Thông tin la liệt. Hãy bóc lột anh Google nhiều vào.

Nếu đi lại trong thành phố mà “chẳng may” ở đó có Uber nữa thì bạn có thể dò trước chi phí chuyến đi ở địa chỉ: https://www.uber.com/vi-VN/cities/

Vô đây xong chọn 1 thành phố mà bạn sắp đến. Sau đó click vào “Nhận ước tính cước phí” là ra hết.

4.Ăn uống:

Đi, ở xong rồi. Hai khoản bự nhất đấy! Giờ qua đồ ăn nha. Nói thật thì đi các nơi không khó để kiếm đồ ăn rẻ đâu các bạn ạ. Người bản địa ăn sao mình cứ ăn như vậy. Giá cả ăn uống thì mình không thể liệt kê ra cho các bạn rồi vì mình không biết các bạn ăn sang hay ăn tiết kiệm, và nhất là các bạn ăn ở đâu vì mỗi nơi giá cả mỗi khác.

Mặt khác, chuyện ăn uống chi tiêu mỗi ngày còn phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền và bạn dự kiến chia ra mỗi ngày tiêu bao nhiêu. Đem theo đồ ăn từ nhà đi cũng là 1 ý hay nhưng mình khuyên đã đi du lịch thì nên tận hưởng món ăn địa phương. Đồ ăn hè phố thì chẳng đắt đến nỗi bạn không mua nổi đâu.

Thậm chí, bạn muốn ăn ở 1 nơi nào đó được người ta nhắc nhiều? Hãy lên TripAdvisor hoặc các fanpage của họ trên Facebook xem review là rõ giá cả với chất lượng liền.

5.Khoản dự phòng:

Đi, ăn, ở xong rồi. Còn mấy chi phí lặt vặt khác như mua đồ lưu niệm, mua quà thì bạn tự định liệu nhé. Tuy nhiên, làm gì thì làm, luôn phải có 1 khoản dự phòng trong người để phòng khi có bất trắc, bất ổn, thiên tai, địch họa tại nơi đang đến thì còn có tiền mà “cuốn gói” về nước. Cái này quan trọng. Khoản dự phòng này cũng không cố định, tùy theo khả năng của bạn nhưng theo mình thì ít nhất cũng phải có 100$ dằn túi nhé. Đừng dự kiến tiêu bao nhiêu chỉ mang bấy nhiêu. Lỡ có chuyện bất trắc là “bế tắc” luôn đó.

Ngoài ra, các loại thẻ thanh toán quốc tế (cả ghi nợ-debit và tín dụng-credit) đều quan trọng và nên mang theo người.

___

Hướng dẫn này chỉ là cơ bản. Trong quá trình tính toán chi phi bạn sẽ phải cân đo đong đếm nhiều và cứ làm hoài thì sẽ thành kỹ năng, các bạn nhé! 🙂

***Còn nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí khi đi du lịch? Mời đọc bài này nha:

Các điểm du lịch hot khác:

Bay nhiều và tiết kiệm với thẻ ASEAN:

Facebook Comments
Please follow and like us: