Hướng dẫn chi tiết du lịch Ấn Độ tự túc siêu dễ

Travip đi Ấn Độ lần này là lần thứ 5. Công nhận có duyên với đất nước này ghê. Cứ muốn đi hoài luôn. Lần đầu đi là năm 2012. Tính đến nay trung bình mỗi năm đi Ấn Độ 1 lần. Riêng năm 2015 đi 2 lần.

Gần đây đi Ấn Độ thì chính sách visa cởi mở hơn trước mặc dù trước đây thì cũng dễ lắm rồi. Phí visa giảm, lại được vào 2 lần (trước đây 1 lần). Sau đây là các bước chuẩn bị cho chuyến đi Ấn Độ mà các bạn cần lưu ý nhé:

1. Visa:

Xin visa Ấn Độ cực dễ dàng cho các bạn xin lần đầu. Xin lần thứ 2 mới phải khai báo nhiêu khê (vì phải khai lần đầu đi đâu, ở đâu) chứ lần đầu siêu đơn giản. Các bạn làm theo bước tuần tự sau đây:

-Vào trang web https://indianvisaonline.gov.in/evisa/tvoa.html để xin visa điện tử. Vào tiếp nút e-Visa Application.

-Làm theo các hướng dẫn trên trang web để điền các thông tin cần khai báo. Trong quá trình khai báo trang web sẽ yêu cầu bạn upload mặt thông tin hộ chiếu và ảnh chân dung.

-Sau khi khai báo xong thì các bạn sẽ được đưa đến trang thanh toán phí visa. Có 2 lựa chọn thanh toán là SBI và Axis. Mình khuyên các bạn chọn Axis dễ thanh toán hơn. Trang của SBI (Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ) hơi khó thanh toán.

-Phí visa là 50USD + 2,5% phí thanh toán thẻ. Mức giá này rẻ hơn trước đây là 60USD + phí.

-Khung thời hạn của e-visa là 120 ngày và bạn có thể nhập cảnh Ấn Độ 2 lần. Tuy nhiên, mỗi lần nhập cảnh vào Ấn Độ theo cách này bạn chỉ có thể lưu lại 60 ngày/lần tính từ ngày nhập cảnh.

ĐẶC BIỆT LƯU Ý: e-Visa chỉ cho phép bạn nhập cảnh vào Ấn Độ bằng đường hàng không qua 24 sân bay được chỉ định bao gồm: Ahmedabad, Amritsar, Bagdogra, Bengaluru, Calicut, Chennai, Chandigarh,Cochin, Coimbatore, Delhi, Gaya, Goa, Guwahati, Hyderabad, Jaipur, Kolkata, Lucknow, Mangalore, Mumbai, Nagpur, Pune, Tiruchirapalli, Trivandrum & Varanasi;

và bằng đường thuỷ qua 3 cảng biển: Cochin, Goa, Mangalore.

Tuy nhiên các bạn có thể xuất cảnh khỏi Ấn Độ từ bất cứ cửa khẩu nào, kể cả trên bộ.

Nếu muốn nhập cảnh vào Ấn Độ qua đường bộ, hãy liên hệ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội hoặc Lãnh sự quán Ấn Độ ở TP. Hồ Chí Minh.

-Sau khi nộp đơn xin e-Visa trên web xong, chừng 24 tiếng sau là bạn sẽ có e-mail xác nhận bạn có được cấp visa hay không. Nếu được cấp thì e-mail sẽ ghi chứ GRANTED (được cấp). Sau đó bạn in e-mail có visa này ra đem ra sân bay làm thủ tục lên máy bay.

-Tại sân bay ở Ấn Độ, trình e-mail này ra cùng hộ chiếu để được làm thủ tục nhập cảnh.

-Bạn có thể xin e-Visa ít nhất 4 ngày trước ngày khởi hành.

LƯU Ý THÊM: Hộ chiếu của bạn phải còn hạn ít nhất tháng khi nhập ảnh vào Ấn Độ.

Đền Taj Mahal.

2. Vé máy bay:

Cái này thú vị nè. Đa số nếu muốn giờ bay đẹp, quá cảnh ngắn, vé giá tốt thì các bạn nên quá cảnh ở các nước Đông Nam Á. Cụ thể:

-Bay với Thai Airways: mức giá trung bình, quá cảnh Bangkok, thời gian nối chuyến thì tuỳ điểm đến. Bay đi Delhi thì quá cảnh có vẻ ít hơn. Các nơi khác ở Ấn Độ phải quá cảnh qua đêm hơi mệt. Web: thaiairways.com

-Bay với Malaysia Airlines, Malindo Air: giá khá ổn nếu mua sớm và biết canh ngày, giờ bay đẹp, quá cảnh ngắn. Quá cảnh ở Kuala Lumpur. Nếu canh hay là vé hạng thương gia từ Kuala Lumpur đi Delhi khứ hồi chỉ từ 335-600$ thôi á. Malindo Air thỉnh thoảng cũng có vé hạng thương gia rẻ ngang vé hạng phổ thông, thậm chí rẻ hơn xíu. Web Malindo Air: malindoair.com Web Malaysia Airlines: malaysiaairlines.com/vn/vi.html

-AirAsia quá cảnh ở Kuala Lumpur: Mình không ưng lắm vì chẳng mấy khi vé rẻ tới mức như kỳ vọng của mình. Thậm chí ở chặng đi Ấn Độ mình thấy nếu cộng lại các lợi ích lại thì mua vé Malindo Air hay Malaysia Airlines ngon lành hơn. Riêng chặng này thôi nhé chứ mấy chặng khác vé AirAsia khá ổn. Web của hãng: airasia.com

-Bay với Singapore Airlines, quá cảnh Singapore: vé đắt mặc dù giờ bay cũng khá ổn. Mà Singapore Airlines hãng xịn rồi nên tiền nào của nấy thôi. Bay Singapore Airlines công nhận là sướng thật. Web của hãng: singaporeair.com

-Cathay Pacific: quá cảnh Hong Kong, giá đôi khi cũng ổn, ngang giá Thai Airways hoặc Singapore Airlines nhưng thời gian quá cảnh dài, mệt mỏi. Web của hãng: cathaypacific.com

-Bay Jet Airways liên danh (code share) với Vietnam Airlines: Đây là lựa chọn mình rất ưng cho chuyến đi Ấn lần thứ 5 này. Các chuyến bay liên danh giữa hai hãng này sẽ bay từ TP. Hồ Chí Minh/Hà Nội đi Ấn Độ với 1 điểm quá cảnh ở Hong Kong, Bangkok hoặc Singapore. Giá vé vừa rồi mình mua khá rẻ, chỉ 435USD trong khi các hãng toàn 500-700USD. Các bạn có thể vào web Jet Airways để mua: jetairways.com

3. Bảo hiểm du lịch:

Cái này quan trọng mà nhiều bạn hay quên nè. Lần nào đi đâu mình cũng mua bảo hiểm hết. Kể cả mua vé máy bay mà có mục mua thêm bảo hiểm mình cũng bỏ tiền ra mua. Không có bao nhiêu mà tự nhiên có người “bảo kê” đứng sau.

Thông thường mình mua luôn 1 gói bảo hiểm du lịch cho toàn bộ chuyến đi luôn. Gói mình mua lần này là bảo hiểm du lịch Liberty TravelCare. Nói ra thì nhiều bạn sợ tốn kém chứ chi phí từ 1USD/ngày, chưa bằng một ly trà sữa. Đối với dân đi máy bay thường xuyên như mình thì bảo hiểm du lịch có lợi. Cụ thể:

Bảo hiểm sẽ đền bù nếu chuyến bay ở nước ngoài bị delay, bị lỡ nối chuyến quá cảnh, chuyến bay bị overbook và bạn bị hãng đá ra khỏi chuyến bay (cái này mình xém bị ở Sri Lanka rồi huhu, may mà đấu tranh được chứ có người bị đá ra khỏi chuyến bay vì hãng bán vé quá tay, quá số lượng ghế trên tàu bay), hành lý đến chậm hoặc thất lạc, đồ đạc, chứng từ bị mất, v.v… Rồi chuyến bay bị không tặc nè, khách sạn phải đóng cửa vì bạo động, đình công này kia nè là được hỗ trợ hết nha! Ôi vụ này làm mình nhớ hồi Bangkok biểu tình bạo động bao nhiêu du khách bị ảnh hưởng luôn.

Ngoài ra lỡ mà gặp bất trắc, tai nạn này kia thì cũng có bảo hiểm lo chi phí nằm viện. Chứ xui xui mà nằm viện ở nước ngoài là chết tiền luôn đó.

Tất tần tật thông tin về bảo hiểm du lịch ở đây: https://goo.gl/hsH3nT 

Mình mua nhiều lần rồi nên lên website làm cái rẹt là xong, với đang có khuyến mãi giảm 15% cho thẻ Visa nữa. Đặc biệt hơn, duy nhất trong tháng 12, Liberty dành tặng cho bạn đam mê du lịch chương trình đặc biệt trúng ngay iPhone X khi mua bảo hiểm du lịch trực tuyến. Nếu ai mua lần đầu thì mình khuyên là nên gọi tổng đài của họ để tìm hiểu thông tin chi tiết, đủ thông tin rồi thì lại lên web mua giống mình cho được giảm giá.

Có gói cho gia đình và nhóm.

4. Khách sạn:

Khách sạn thì mình khuyên các bạn lên Agoda tìm là nhanh gọn nhẹ nhất. Lên đó kiếm thành phố sắp đến. Cần thì mở bản đồ của Agoda xem chỗ nào gần khu bạn muốn đến như điểm tham quan, sân bay thì chọn thôi.

Kinh nghiệm đặt khách sạn ở Ấn Độ là đừng kỳ vọng chất lượng tương đương như mấy nơi khác với cùng mức giá. Ví dụ khách sạn 3 sao ở Ấn Độ thì thường chỉ ngang khách sạn 2 sao mấy nước khác thôi. 5 sao thì có khi chỉ được 4 sao. Tất nhiên sẽ có những khách sạn tốt, xịn thật sự. Lời khuyên là bạn nên đọc nhận xét của khách và xem số điểm khách đánh giá cho khách sạn đó trước khi quyết định móc hầu bao.

Hầu hết các khách sạn lớn ở Ấn Độ đều có máy soi chiếu hành lý và cổng từ để kiểm tra an ninh. Điều này là bình thường để đảm bảo an toàn cho chính bạn nên đừng khó chịu. Thực tế đã từng xảy ra mấy vụ đánh bom lẻ tẻ rồi. Tuy nhiên Ấn Độ vẫn khá an toàn nên đừng quá lo.

5. Đi lại ở Ấn Độ:

Mấy lần trước thông thường mình di chuyển giữa các thành phố bằng máy bay vì khá tiện và giá cũng không đến nỗi quá đắt. Đường bộ ở Ấn Độ thì các bạn ấy chạy xe hơi ghê nên lúc nào cần quá thì đi thôi (như từ Delhi đi Agra để thăm đền Taj Mahal). Còn lại đi xe lửa cũng được. Có xe lửa 5 sao xịn luôn đó.

Đi máy bay ở Ấn Độ thì các bạn lưu ý tới sân bay sớm nha. Vì sân bay kiểm tra an ninh gắt gao lắm nên cực mất thời gian.

6. Ăn uống:

Về khoản ăn uống thì đồ Ấn chủ yếu mang vị cà ri nên sẽ hơi khó ăn. Bạn cũng cần lưu ý khi ăn uống ngoài đường phố ở Ấn Độ vì tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các hàng quán, hàng rong ở ngoài hè phố Ấn Độ khá tệ.

7. Các lưu ý khác:

Người Ấn Độ hay xin tiền tip và đôi khi xin xỏ thẳng thừng luôn, có khi đòi hỏi thêm. Bạn cũng nên chuẩn bị tiền lẻ để tip. Một số nơi cũng xảy ra tình trạng chặt chém, nhất là các thành phố lớn. Đi taxi thì nên hỏi giá và thoả thuận, mặc cả giá trước.

Facebook Comments
Please follow and like us: