Kinh nghiệm du lịch Hà Tiên: Quen mà lạ, bình dị mà nên thơ

Có một vùng đất phong cảnh tuyệt đẹp, thiên nhiên trù phú. Tương truyền, vì quá say mê cảnh đẹp vùng đất này, nhiều tiên nữ đã giáng trần xuất hiện trên sông. Từ đó nơi đây có tên Hà Tiên, hay những cô tiên trên sông.

Sau hơn 300 năm kể từ khi Khai trấn Quốc công Mạc Cửu mở mang đất Hà Tiên, thương cảng sầm uất xưa kia đã thành một thành phố với bao cảnh sắc nên thơ, thiên nhiên hài hoà, con người hiền hậu và vô vàn những món ăn độc đáo. Hãy cùng Travip đến với thành phố Hà Tiên, điểm đến hấp dẫn với muôn vàn sự thú vị bất ngờ đang chờ đón bất cứ ai đam mê khám phá. Nếu bạn vẫn nghĩ Hà Tiên chẳng có gì chơi, hãy nghĩ lại. Travip cũng từng nghĩ như thế!

Nói về du lịch, ăn chơi, khám phá Hà Tiên thì Travip phải công nhận một điều rằng nơi đây rất đa dạng, thậm chí đa dạng hơn rất nhiều nơi khác trong nước cũng như trong khu vực.

ĐI HÀ TIÊN NHƯ THẾ NÀO?

Có nhiều cách để đi Hà Tiên:

-Đi xe khách. Cách này đi lâu và cũng hơi mệt.

-Đi máy bay xuống Rạch Giá rồi từ đây đi xe tới Hà Tiên. Nhược điểm: bay ATR72 nhiều bạn sẽ không quen, bay sáng sớm (nghĩa là ra sân bay rất sớm), vé máy bay chặng này khá mắc (rẻ nhất chừng 3 triệu đồng), đường đi từ Rạch Giá đến Hà Tiên tuy 90km thôi nhưng đường hơi xấu. Đi thì chừng 2-3 tiếng là tới Hà Tiên.

-Đi máy bay tới Phú Quốc (nhiều giờ bay để lựa chọn) rồi sau đó ra cảng Bãi Vòng để đi tàu cao tốc qua Hà Tiên. Cách này mình nghĩ là hay, nhiều trải nghiệm, thoải mái, giá không quá mắc.

Từ cảng Bãi Vòng đi Hà Tiên với tàu cao tốc mất chừng 1 tiếng đồng hồ. Hai loại tàu cao tốc mình đã trải nghiệm là Phú Quốc Express (vé thường 250.000đ, vé VIP 350.000đ) và tàu Superdong (230.000đ). Tàu Phú Quốc Express thì “hịn” hơn và thích hơn vì có boong phía sau rất rộng (rộng hơn Superdong) ngồi ngắm cảnh đẹp vãi đạn. Quãng đường đi ngắm cảnh biển bao la bao phê.

Tàu Phú Quốc Express đang đi vào Hà Tiên

Vé VIP tàu Phú Quốc Express có ghế ngồi như ghế hạng thương gia trên máy bay, có màn hình giải trí riêng, được phát tai nghe, phục vụ khăn ướt, 2 chai nước (1 suối 1 ngọt), nằm ngủ bao phê.

Cách đi máy bay xuống Phú Quốc rồi đi tàu cao tốc vào Hà Tiên xem ra hợp lý và thuận tiện hơn, nhất là đối với các bạn ở vùng miền khác. Chứ từ TP. Hồ Chí Minh hay mấy nơi lân cận đi thì dễ rồi.

Tàu Phú Quốc Express đây nè:

Tàu Superdong đây nhé:

CHỌN NƠI ĂN Ở

Hiện Hà Tiên chưa có nhiều khách sạn. Tuy nhiên, không khó để kiếm chỗ ở, dù đó là khách sạn hay nhà nghỉ. Xịn nhất là River Hotel bên bờ sông Giang Thạnh nhìn ra núi Tô Châu, đi bộ ra chợ gần.

Khách sạn River nhìn từ sông.

Xịn nhì là khách sạn Pháo Đài. Khách sạn này tuy xịn nhì nhưng Travip đánh giá là có view đỉnh nhất ở Hà Tiên khi ở trên đồi, nhìn ra cửa biển, có thể ngắm cả bình minh và hoàng hôn. Khách sạn có nhà hàng/quán cà phê nhìn ra cửa biển và cầu Tô Châu. Từ đây có cầu thang leo xuống đồi ra chợ cũng gần.

Cầu thang “sống ảo” của khách sạn Pháo Đài

Cầu Tô Châu nhìn từ khách sạn Pháo Đài.

Ngắm hoàng hôn biển Tây từ khách sạn Pháo Đài

Khách sạn Ngọc Hà thì Travip cũng ở rồi và thấy tạm ổn. Khách sạn không có ăn sáng nhưng bên kia đường hàng quán nhiều như cơm Tấm, phở, cơm Hiền.

Ngoài ra các bạn cũng có thể tìm các khách sạn khác trên Agoda.com nhé!

ĐI LẠI

Ở Hà Tiên không nhiều taxi. Gọi taxi siêu khó. Đôi lúc không có đủ taxi mà đi. Sáng sớm cần ra bến tàu hay đi đâu thì khó gọi taxi nên các bạn nhớ chủ động.

Các phương tiện công cộng cũng hạn chế. Grab, Go Viet, Fast Go càng không. Phương tiện các bạn có thể thử là xe lôi (xe vua) hoặc thuê xe máy chạy. Còn không đi loanh quanh thì đi bộ cũng không phải quá xa (nếu bạn có sức đi bộ nha hihi).

ĂN UỐNG:

(Phần này sẽ được cập nhật dần nhé cả nhà)

Đến Hà Tiên có nhiều món ngon của lạ như bún cá, bún nhâm, bún kèn, cá lóc quay, gà đốt Cambodge (Campuchia), cá kho mỡ ớt, canh chua sả nghệ, gỏi cá trích, bánh thốt nốt, nước thốt nốt, bánh bao chỉ, v.v…

Gợi ý một số quán ăn, nhà hàng, nơi ăn uống ở địa phương:

-Ăn sáng các bạn có thể ra khu vực chợ cá, chợ trái cây/ăn uống có rất nhiều hàng quán đường phố với các món ăn dân dã, giá rẻ lại rất ngon như bún cá, bún nhâm, bún kèn, bún riêu.

Quán cá lóc quay (41 Mạc Cửu, Bình San, TP. Hà Tiên): nhiều món ngon lạ như cá lóc quay, gà đốt Cambodge, sườn bò nướng, lẩu hải sản, v.v… Hai món nhất định phải ăn là cá lóc quay và gà nướng Cambodge.

Quán Cây Bàng (Ngã ba Cây Bàng, QL80, ấp Rạch Núi, xã Thuận Yên, Hà Tiên)

Nhà hàng ở khách sạn Pháo Đài.

Quán cơm Hiền (phường Pháo Đài)

Các điểm ăn uống và chi tiết từng món ăn sẽ được cập nhật sau nhé cả nhà.

CÁC ĐIỂM THAM QUAN:

1. Đảo Hải Tặc

Đưa chúng tôi ra quần đảo Hải Tặc là một con tàu mới toanh. Con tàu trị giá 25 tỷ đồng này mang tên Hà Tiên – Tiên Hải, có vỏ làm bằng hợp kim nhôm, có thể chở 80 khách, trong đó có 12 ghế VIP và 8 thuyền viên. Con tàu có vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 20 hải lý, chịu được sóng gió cấp 5, cấp 6. Ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ công tác ứng cứu và cứu nạn trên biển, tàu cũng thực hiện thêm dịch vụ nhận chuyên chở hành khách từ Hà Tiên ra quần đảo Hải Tặc để có thêm nguồn kinh phí sửa chữa khi tàu bị hư hỏng.

Trên đường ra quần đảo Hải Tặc, thật tuyệt vời khi đứng trước mũi tàu, để những làn gió biển tấp vào người, tận hưởng không khí trong lành và cảnh biển đảo tuyệt đẹp của Hà Tiên. Quần đảo Hải Tặc hay Quần đảo Hà Tiên cấu thành xã Tiên Hải thuộc thành phố Hà Tiên. Xã đảo Tiên Hải có 16 hòn đảo lớn nhỏ và 02 đảo chìm. Sau hơn 30 phút, tàu cập vào khu vực đảo Hòn Đốc (hay Hòn Tre Lớn). Hành trình khám phá đảo bắt đầu.

Đi lên đảo mình có gặp chú Mạc Ngọc Thạch, 59 tuổi. Chú kể rằng từ thời ông Mạc Cửu, khoảng thế kỷ 18 đã có những toán cướp biển hoạt động tại khu vực này. Chúng cướp các thuyền buôn của các nước trong khu vực, thậm chí phương Tây đi ngang qua đây. Đến đầu thế kỷ 20 thậm chí có xuất hiện băng cướp biển Cánh Buồn Đen tuy về sau cũng rã. Từ đó quần đảo này có tên là Quần đảo Hải Tặc.

Bây giờ thì không còn hải tặc nữa, chỉ còn những cư dân hiền lành chất phác sống trên đảo. Đến quần đảo Hải Tặc, điều thích thú nhất vẫn là thiên nhiên. Một cảm giác yên bình thật sự. Trên Hòn Đốc, không có bãi biển lớn. Các bãi biển cứ nho nhỏ, lặng lẽ êm đềm bên những hàng dừa, những khóm cây mát rượi che nắng. Gió thì cứ thổi rì rào. Còn gì tuyệt vời hơn là ngâm mình vào làn nước mát hay đơn giản chỉ là nằm võng bên bãi biển để tận hưởng hết những gì tuyệt vời nhất của hòn đảo. Trên đảo tuyệt nhiên không có khách sạn nên cũng chẳng đông đúc du khách. Đổi lại, bạn có thể hoà mình vào thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương trên đảo.

Đến quần đảo Hải Tặc, cũng đừng quên ghé cột mốc chủ quyền quốc gia tại khu vực Bãi Bắc đảo Hòn Đốc – ấp Hòn Tre lớn được dựng từ năm 1958, là bằng chứng có giá trị pháp lý về chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo Việt Nam.

2. Thạch Động

Tiếp tục khám phá thiên nhiên độc đáo ở Hà Tiên, hai điểm đến tiếp theo cho thấy một sự thú vị và đa dạng của thành phố này.

Nằm cách thành phố Hà Tiên chỉ chừng 4km đi về phía cửa khẩu Xà Xía, Thạch Động thuộc phường Mỹ Đức là một khối núi đá vôi với nhiều hình thù kỳ lạ. Thạch Động còn được biết đến với cái tên Thạch Động Thôn Vân hay động đá nuốt mây. Thạch Động Thôn Vân cũng là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ trong Hà Tiên thập vịnh và Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, miêu tả cảnh đẹp Thạch Động là một trong mười thắng cảnh của Hà Tiên khi xưa. Hang động tại đây cũng gắn liền với truyền thuyết Thạch Sanh chém chằn tinh cứu công chúa.

Có một miệng giếng ở trong Thạch Động mà tương truyền sau khi cứu công chúa, Thạch Sanh bị Lý Thông hãm hại, lấp cửa hang. Trong hang còn 1 người nữa là con trai vua Thuỷ Tề. Thạch Sanh và con trai vua Thuỷ Tề đã thoát ra ngoài qua miệng giếng này. Có người đã từng thử thả 1 trái dừa có khắc ký hiệu đánh dấu xuống miệng giếng/hang này và thấy về sau nó trôi ra biển.

Bên trong hang vô cùng thoáng mát do có 2 cửa hang ở trên cao, một phía Đông và một phía Tây. Riêng cửa hang phía đông được người xưa gọi là đường lên trời bởi khi có ánh nắng chiếu xuống trông rất huyền ảo. Bên trong Thạch Động còn có một sự độc đáo nữa đó là sự hiện diện của chùa Tiên Sơn được khởi lập từ năm 1790. Người xưa kể lại rằng trước khi có chùa, đây được cho là am của đạo sĩ Huỳnh Phong Chơn Nhơn dưới thời Mạc Cửu. Sau ông tu theo đạo Phật nên đổi hiệu thành Huỳnh Phong Hoà Thượng.

3. Núi Đá Dựng

Rời Thạch Động, đi xa hơn một chút là Núi Đá Dựng, lại một thắng cảnh nữa kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên độc đáo xen lẫn chút phiêu lưu, khám phá. Núi Đá Dựng có những vách núi thẳng đứng toạ lạc giữa một không gian cánh đồng bao la xanh mướt. Nhìn không quá lớn, nhưng Núi Đá Dựng tựa như một hòn non bộ tuyệt đẹp giữa đất trời Hà Tiên.

Quần thể hang ở núi Đá Dựng đa dạng và độc đáo. Có tất cả 14 hang. Các hang động tại đây tuy không lớn và kỳ vĩ như ở những nơi khác ở Việt Nam nhưng lại mang một dáng vẻ độc đáo riêng. Leo bộ qua các con dốc khúc khuỷu giữa cây cối um tùm, dọc đường người ta có thể bất chợt ghé tại một hang nào đó để trèo xuống khám phá cũng như ngắm nhìn cận cảnh thạch nhũ hình thành bên trong. Có những hang độc đáo như hang Khổ Qua, nơi có thạch nhũ qua thời gian thành hình độc đáo như trái khổ qua. Ghé qua hang số 2 là tượng Phật Bà cao sừng sững linh thiêng giữa núi đá và cây cối. Gần đó là hang Dơi với khối đá có hình tựa như bầu rượu.

Nếu leo trèo thấm mệt thì hang Cổng Trời là điểm dừng chân hợp lý với gió mát thổi lồng lộng qua vách đá. Núi Đá Dựng có 2 lối lên. Các bạn có thể chọn lên 1 lối để xuống lối còn lại. Ở khu vực này, nếu phóng tầm mắt ra xa thì bạn cũng có thể nhìn thấy nước bạn Campuchia bên kia đường biên. Phong cảnh hữu tình, thiên nhiên tuyệt sắc. Thật không uổng phí một ngày khám phá Hà Tiên. Thế nhưng Hà Tiên đâu chỉ có chừng đó cảnh đẹp?

4. Đầm Đông Hồ

Ngoài biển đảo, hang động thì đầm Đông Hồ lại là một cảnh sắc khác lạ ẩn chứa nhiều vẻ đẹp đến kinh ngạc và bất ngờ. Nếu biết được rằng Đông Hồ xưa kia đã làm mê đắm bao thi sĩ thì cũng không có gì lạ. Đông Hồ là một đầm nước mặn rộng gần 1.400 ha ở phía đông thành phố Hà Tiên, một bên là núi Ngũ Hổ, một bên là núi Tô Châu. Đông Hồ cũng là nơi giao thoa giữa sông Giang Thạnh, kênh Rạch Giá – Hà Tiên và chảy ra Vịnh Thái Lan.

Cách đây gần 300 năm, vào ngày rằm tháng Giếng năm Bính Thìn, tức năm 1736, Mạc Thiên Tích mở hội hoa đăng, thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, giới thiệu sách Hà Tiên Thập Vịnh Cảnh, trong đó có bài Đông Hồ Ấn Nguyệt, hay trăng in xuống hồ đông.

Từ bến thuyền đi sâu vào đầm Đông Hồ lúc bóng chiều dần buông là lúc tuyệt vời để ngắm thiên nhiên thanh bình nơi đây. Đi sâu vào những khóm dừa nước cũng là trải nghiệm thú vị, không chỉ ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt sắc của Hà Tiên ở một góc khác mà còn chứng kiến một phần cuộc sống thường nhật của người dân vùng sông nước.

Bên trong Đông Hồ cũng có những khu du lịch sinh thái và ao vườn để du khác đến trải nghiệm nhiều hơn cuộc sống và nét văn hoá địa phương.

5. Vườn cò Đông Hồ

Thế nhưng, đến Hà Tiến, ghé Đông Hồ mà không nhắc đến vườn cò tại đây thì quả là một thiếu sót. Lạc vào thế giới chim muông ở vườn cò có lẽ là một trong những trải nghiệm độc đáo và xứng đáng nhất khi đến Hà Tiên. Trong cuộc sống, có lẽ không có nhiều khoảnh khắc bạn cảm giác như đang hoà mình thực sự vào thiên nhiên. Nếu như coi Hà Tiên là vùng đất nơi có những cô tiên trên sông thì bước chân vào vườn cò tự nhiên này, bạn mới cảm nhận được hết vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Những cánh chim chao liệng, đậu trên những ngọn cây ở vườn cò, nhất là trong ánh hoàng hôn vàng vọt thì chẳng khác nào thiên đường hạ giới.

6. Chùa Tam Bảo

Hà Tiên có nhiều chùa. Nghe đâu có 12 ngôi chùa lớn có cảnh đẹp. Travip chưa đi hết nhưng đi được 2 nơi khá đẹp.

Chùa Tam Bảo là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở Hà Tiên. Sau khi đến mở mang đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, ông Mạc Cửu đưa thân mẫu ông là Thái Thái Phu Nhân đến đây. Để có nơi chốn cho mẹ mình tu hành trong những năm tháng cuối đời, vào năm 1730, ông đã cho xây dựng chùa Tam Bảo. Khi mẹ ông qua đời, Mạc Cửu cho đúc kim thân của mẹ để thờ. Đời trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là Hòa thượng Ấn Hạ. Ông cũng là vị Hòa thượng khai nguyên cho Phật giáo xứ Hà Tiên.

Đến nay, chùa Tam Bảo đã trải qua 19 đời trụ trì. Không chỉ mang tầm quan trọng về Phật giáo và lịch sử, chùa Tam Bảo cũng là nơi có cảnh sắc đẹp nhẹ nhàng. Khi đến đây, ngoài lễ Phật, người ta cũng có thể đi dạo xung quanh khuôn viên chùa để tận hưởng sự an yên giữa cảnh sắc tuyệt đẹp.

7. Chùa Phật Đà (chùa Lò Gạch)

Hà Tiên có nhiều ngôi chùa đẹp. Một trong những ngôi chùa đó là chùa Phật Đà, nổi bật với cây bồ đề trăm tuổi to lớn xoã bóng mát cho tượng Phật bên dưới. Chùa Phật Đà còn có tên là chùa Lò Gạch, nằm dưới chân núi Bình San và ngay bên cạnh Lăng Mạc Cửu. Khi xưa, nơi đây có một lò gạch bỏ hoang.

Chùa Phật Đà về đêm.

Năm 1945, Hoà thượng Thích Chí Hoà dừng chân tại đây, lập một ngôi chùa nhỏ mang tên Tịnh Xá Chí Hoà. Lò gạch bị bỏ hoang ấy được sử dụng làm chánh điện. Do vậy, người dân địa phương gọi là chùa Lò Gạch.

Giờ đây, chùa Lò Gạch không chỉ có lò gạch cũ. Khuôn viên chùa được sửa sang tráng lệ, sáng sủa và cũng không kém phần uy nghi, linh thiêng. Nhiều góc trong chùa mang dáng vẻ Nhật Bản.

8. Đền thờ họ Mạc

Đến Hà Tiên, sẽ là thiếu sót nếu không thăm viếng Lăng Mạc Cửu, người đã có công mở mang đất Hà Tiên. Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc. Khi nhà Minh suy tàn, nhà Thanh lên trị vì, ông không chịu để tóc và theo các tập tục của nhà Thanh nên đã chạy xuống phương nam. Năm 1680, ông đến Hà Tiên, khi ấy còn là đất cũ của Chân Lạp, tục gọi là Mường Khảm. Sau những lần giao tranh với Xiêm La, Chân Lạp suy yếu, chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang trở nên thịnh vượng. Năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục, dâng đất cho chúa Nguyễn và nhận làm thần dân của Đại Việt xứ Đàng Trong. Ông được chúa Nguyễn Phúc Chu chấp nhận và phong làm Tổng trấn hà Tiên. Chúa Nguyễn cho Mạc Cửu quyền tự chủ ở vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối qua 7 đời. Vào thời ấy, họ Mạc đã biến Hà Tiên thành một thương cảng sầm uất có tiếng.

Đến thăm đền thờ họ Mạc, du khách cũng thường hay ghé thăm mộ Bà Cô Năm hay Mạc Mi Cô. Bà là con gái thứ 5 của Mạc Thiên Tích và là cháu nội của ông Mạc Cửu. Mạc Mi Cô mất sớm, khi tuổi đời còn quá trẻ. Tuy vậy, bà được người dân ca ngợi bởi sự nhân từ, bác ái, luôn giúp người dân ở những vùng gặp thiên tai, địch hoạ.

9. Hải đăng núi Nai

Khi chiều buông, đây cũng là lúc tuyệt vời để ngắm Hà Tiên từ một góc khác. Đó là hải đăng núi Nai.

Hải đăng Núi Nai được người Pháp xây dựng lần đầu tiên vào năm 1896. Đến năm 2000 được TCT Bảo đảm an toàn hàng hải Việt nam xây dựng lại trên ngọn núi Mũi Nai thuộc phường Pháo đài, thành phố Hà Tiên.

Đường lên hải đăng núi Nai.

10. Hòn Phụ Tử ở Kiên Lương

Ngoài Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang cũng có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Gần Hà Tiên là Hòn Phụ Tử ở huyện Kiên Lương với cảnh đẹp như tranh vẽ. Đến Hòn Phụ Tử, các bạn có thể tham quan Chùa Hang.

Chùa Hang ở đây là Hải Sơn Tự, được xây trong một hang núi. Từ chùa Hang, du khách có thể đi xuyên ra bãi biển phía sau để ngắm cảnh Hòn Phụ Tử cùng một góc bãi biển cảnh sắc đẹp như tranh vẽ.

Hà Tiên có lẽ vẫn chưa hết những điều kỳ thú. Vùng đất ấy cũ mà mới, thân quen mà đầy lạ lẫm. Hà Tiên còn nhiều điều bất ngờ chờ đợi bạn.

CÁC VIDEO VỀ HÀNH TRÌNH ĐẾN HÀ TIÊN:

Facebook Comments
Please follow and like us: