Nepal (5): Quảng trường Durbar hoài niệm

Quảng trường Durbar nằm trong thung lũng Kathmandu mang một vẻ trầm buồn giữa một không gian hoành tráng. Ngồi lặng ngắm những toà lâu đài, những ngọn tháp cổ có thể giúp người ta mường tượng ra được một thời kỳ lịch sử của Nepal cùng những tinh hoa của đất nước này.

Đó là một buổi chiều muộn khi hai chị em tôi rời ngôi chùa khỉ để tiếp tục tham quan các địa điểm khác ở Kathmandu. Quảng trường Durbar là một nơi không thể không đến. Nếu đến Kathmandu mà chưa đến đây thì bạn sẽ không thể tự hào khoe khoang với mọi người về chuyến đi được.

Ánh nắng của buổi chiều muộn đang tắt dần. Người lái xe chở chúng tôi đi xuyên qua những con đường nhỏ xíu vừa đủ 2 chiếc ô tô chạy ngược chiều nhau một cách chật chội. Con đường không có vỉa hè, bai bên đường là nhà cửa màu nâu đỏ san sát nhau, cửa thì nhỏ hẹp cộng với trời chiều sắp đổ mưa tạo nên một vẻ trầm buồn khó tả. Không hiểu tại sao tôi lại thích cái không khí u ám đó. Nó có cái vẻ gì đó cổ xưa mà tôi cứ ngỡ mình đang đi ngược dòng thời gian về hàng chục năm trước. Cuối cùng thì chiếc xe chở chúng tôi cũng len qua những đoạn đường chật hẹp để đến quảng trường Durbar đông đúc, nhộn nhịp.

Một trong những con đường dẫn đến quảng trường Durbar

Một góc quảng trường Durbar nhìn từ trên cao

Đó là một nơi thật sự đông đúc. Nơi mà du khách nước ngoài và dân bản địa hòa trộn vào nhau. Đó cung là nơi mà mọi hoạt động thương mại, buôn bán từ buôn thúng bán bưng cho đến các quán cafe hay khách sạn tầm trung. Nơi đây trông hơi nhếch nhác một chút. Có lẽ nơi này cần một sự quản lý tốt hơn.

Trước mặt tôi hiện ra những ngọn tháp khá đồ sộ với kiến trúc độc đáo của Nepal. Những ngọn tháp được đặt trên cao, nằm trên những bậc tam cấp đi lên dần như Kim Tự Tháp. Mỗi bậc khá cao, đến nỗi người ta có thể ngồi lên mỗi bậc và thả chân xuống thoải mái. Rất đông người bản địa ra đây ngồi. Từ ông già, đôi trẻ đang yêu cho đến những người đơn giản ra ngồi để hóng mát, đọc báo.

Nepal là một nước nghèo, điện thiếu thốn. Một ngày ở Kathmandu bị cắt điện 8 tiếng và có lịch cắt điện cho từng ngày một. Lịch này cũng được gián ở khách sạn để người ta tiện theo dõi. Vì thế, đối với nhiều người dân địa phương, ra quảng trường Durbar ngồi hóng mát cũng là một lựa chọn tốt.

Một góc Cung điện Hoàng gia cũ trong quảng trường Durbar

Quần thể ở quảng trường Durbar được UNESCO đưa vào danh sách những di sản văn hóa thế giới. Các tàng thư hay chứng cứ lịch sử không nói đến việc quảng trường Durbar được xây dựng từ năm nào nhưng người ta tin rằng nó được bắt đầu khởi công xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 11. Và từ đó đến nay, các quần thể kiến trúc trong quảng trường được xây dựng và được coi là cung điện hoàng gia của các đời vua Nepal. Vào khoảng thế kỷ thứ 19, cung điện được di dời đi nơi khác nhưng quảng trường Durbar vẫn là một địa điểm quan trọng đối với các đại lễ long trọng của hoàng gia. Bây giờ, khi chế độ quân chủ không còn ở Nepal nữa, quảng trường Durbar là một nơi tuyệt vời cho khách du lịch đến Kathmandu.

Nếu đã đến Durbar thì bạn nên tìm một quán cafe sân thượng (roof top cafe) để ngồi uống nước và ngắm quảng trường. Đó là một nơi tuyệt vời để nhìn toàn bộ quảng trường Durbar và thấy được mọi hoạt động của người dân bản địa từ trên cao. Quá mê mẩn với sự cổ kính và lãng mạn của Durbar, chị em tôi đã đến Durbar 2 lần trong 2 ngày lưu lại Kathmandu và toàn vào buổi chiều muộn (do buổi sáng chúng tôi có lịch trình đi những nơi khác). Và cũng rất hay ho nếu trong ngày bạn đã mệt nhoài với việc đi lại, di chuyển thì những quán cafe sân thượng ở Durbar là một nơi tuyệt vời để thư giãn và nghỉ ngơi, để tâm hồn trầm lắng sau những chuyến đi. Hai lần đến đây chị em tôi chọn 2 quán khác nhau để nhìn được các góc của Durbar.

Một góc quảng trường Durbar nhìn từ cửa của một quán cafe. Từ lối này sẽ dẫn lên sân thượng.

Hai chị em gọi một số món ngọt của Nepal, ngồi ngắm Durbar buổi chiều tà

Durbar nhìn từ trên cao. Bên dưới là những người bán hàng lưu niệm.

Teen Nepal

Để thấy rõ hơn người Nepal sống như thế nào, bạn có thể rảo bộ đi sâu vào các ngóc ngách của Durbar để quan sát. Đó cũng là một cái thú mà khi đi lang thang ở một nơi xa lạ tôi rất khoái. Lặng nhìn người ta sinh hoạt, buôn bán cũng là một cách hay để biết văn hoá bản địa.

Một sạp báo ở Durbar. Người đàn ông này đang đọc báo ké.

Không chỉ là nơi tham quan, Durbar còn là chỗ tập trung chợ búa

Một cửa hàng tạp hóa với đủ các loại poster diễn viên Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hàng hoa

Những người làm thuê vác hàng bằng đầu nặng trĩu.

Khi đã đến lúc rời Durbar, chị em tôi vẫn quyến luyến lắm, vẫn muốn lưu lại thêm chút nữa. Hai chị em chậm rãi bước đi trên một con đường nhỏ để ra nơi đỗ xe, nơi người lái xe đợi để đưa chúng tôi về khách sạn. Trên đường, chúng tôi tình cờ đi vào một cửa hàng lưu niệm, nơi bán rất nhiều các loại cờ, huy hiệu, đề can, miếng nam châm gắn tủ lạnh. Tôi quyết định ghé vào mua vài món làm kỷ niệm và tặng bạn bè. Cửa hiệu được treo đầy cờ quạt, phủ kín từ trên trần xuống dưới tường. Khác với những người Nepal khác mà tôi hỏi, người bán hàng ở tiệm này biết Việt Nam là ở đâu. Thường thì khi chúng tôi đi ngoài đường, người ta sẽ tưởng người Nhật, Trung Quốc hay đôi khi là Singapore, Philippines hay Thái Lan. Chả ai biết Việt Nam cả. Anh bán hàng này biết Việt Nam vì tiệm có bán cờ các nước. Tôi nhìn lên tường thì thấy có bán cả cờ Việt Nam nữa.

Cờ Việt Nam tại cửa hàng lưu niệm ở Durbar

Rời Durbar, cúng tôi có cảm giác nơi này đã trở nên thân thuộc. Ít nhất thì chúng tôi cũng đã tha thẩn ở đây 2 buổi chiều liên tiếp. Durbar, hẹn ngày gặp lại.

Phần 6: Rực rỡ Boudhanath

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment