Nepal (7): Đi máy bay ở Nepal

Nepal là một nước nghèo, phải nói là rất nghèo. Nhưng cũng chính ở đây, giao thông đường không diễn ra sôi động không kém bất cứ nước nào trên thế giới và có những đặc thù khá thú vị.

Bài viết đã được đăng trên Thanh Niên Tuần San năm 2010. Bài dưới đây có bổ sung và sửa đổi.

Sân bay của một nước nghèo

Sân bay quốc tế của một nước có thể phản ánh thực trạng của nước đó không? Có thể! Khi đáp xuống phi trường Tribhuvan ở thủ đô Kathamandu của Nepal, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được ngay đây là sân bay của một nước nghèo. Nhà ga được xây bằng gạch đỏ cũ kỹ như bao ngôi nhà ở đất nước này. Sân bay không có ống nối ra máy bay. Các tàu bay đậu gần sát nhà ga và hành khách đi bộ từ một chiếc máy bay to đùng, có thể là Boeing hay Airbus, để đi vào bên trong sảnh. Nội thất nhà ga cũ kỹ như lâu lắm rồi không được sửa sang gì. Các quầy làm thủ tục visa hay hải quan cũng vậy. Thậm chí, các thủ tục nhập cảnh, cấp visa cũng được thực hiện thông qua ghi chép sổ sách chứ chẳng phải các hệ thống máy tính hiện đại gì.

Nepal nghèo như vậy đấy. Ai đó có thể có cảm giác như đang đi ngược lại thời gian, trở lại những khoảnh khắc xa xưa khi thế giới còn chưa… hiện đại. Bước ra khỏi sân bay Tribhuvan, người xe tấp nập. Không khí ở sân bay này xem ra khá đông đúc. Hiện có khoảng 30 hãng hàng không cả nội địa và quốc tế hoạt động ở sân bay Tribhuvan. Các hãng hàng không quốc tế thì hầu hết đến từ Ấn Độ, Pakistan, các nước Trung Đông. Những hãng hàng không nổi tiếng khác như Thai Airways hay Korean Air cũng có các chuyến bay thường xuyên đến Kathmandu. Hãng hàng không Nepal có mạng lưới bay rộng khắp từ Đông Á, Đông Nam Á cho đến các nước láng giềng và khu vực Trung Đông.

Dù cũ kỹ và nghèo nàn nhưng sảnh quốc tế sân bay Tribhuvan vẫn có những thiết bị cần thiết như máy soi hành lý, băng chuyền, các biển báo. Khu vực trước sân bay hơi lộn xộn chút vì nhiều anh cò sẽ vây bám lấy du khách nước ngoài để xách hành lý hộ rồi xin tiền boa. Tuy nhiên, họ cũng chỉ xin 1, 2 đồng đô lẻ chứ không đến nỗi… chặt chém.

Vé máy bay của hãng hàng không Guna

Sôi động các chuyến bay nội địa

Các tuyến bay nội địa ở Nepal hoạt động khá sôi động. Ở nước này, có 2 loại chuyến bay nội địa. Một là bay đến các tỉnh khác trong nước. Hai là các chuyến bay tham quan dãy Himalaya hùng vĩ và đỉnh Everest được mệnh danh là nóc nhà thế giới. Có gần chục hãng hàng không nội địa ở Nepal và hãng nào cũng kinh doanh loại hình bay tham quan các dãy núi tuyết phủ quanh năm. Mỗi hãng phục vụ chừng 6 đến 7 chuyến tham quan núi một ngày, tất cả đều vào buổi sáng sớm vì khi đó trời lặng gió, việc bay lên các dãy núi sẽ ít nguy hiểm hơn, nhất là khi các máy bay sử dụng cho dịch vụ này đều là máy bay nhỏ cánh quạt. Các máy bay nhỏ, hầu hết là loại Beechcraft đời cũ, cũng được sử dụng cho các chuyến nội địa bay đến các tỉnh. Một hai hãng lớn thì có thể sử dụng ATR-72.

Máy bay ATR-72 của Buddhar Air

Guna Airlines dùng Beechcraft

Việc đi lại bằng đường không trong Nepal có phần sôi động là do ở Nepal đường xá rất tệ, cộng với đường đèo núi quanh co hiểm trở. Việc đi lại giữa các tỉnh rất khó khăn, mất nhiều thời gian, cộng thêm các loại xe buýt cũ kỹ không có máy lạnh. Người ta còn ngồi đầy lên cả nóc xe buýt trên những chuyến xe liên tỉnh. Vì vậy, ai có điều kiện một chút thì sẽ lựa chọn đi máy bay. Thời gian bay từ thủ đô Kathmandu đến các tỉnh thường chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Còn đi xe thì phải mất đến mười mấy tiếng, có thể còn lâu hơn nữa. Thế nên, các chuyến bay nội địa ở Nepal lúc nào cũng nườm nượp khách và kín chỗ. Nếu không lo mua vé sớm thì hết chỗ chứ chẳng chơi.

Một kinh nghiệm mua vé máy bay nội địa ở Nepal là thông qua các đại lý du lịch hoặc chính khách sạn đang ở. Giá vé sẽ thường rẻ hơn 10 USD là ít. Trung bình giá vé gốc 1 chiều cho 1 chuyến bay nội địa là 70 đến 80 USD. Giá vé bay tham quan đỉnh Everest thì cố định ở mức 160 USD một chuyến. Khách du lịch, hầu hết là khách Ấn Độ, Trung Quốc và khách phương Tây, cũng góp phần làm các chuyến bay nội địa trở nên sôi động.

Sân bay nội địa như bến xe

Khác với sảnh quốc tế, sảnh nội địa ở sân bay Tribhuvan trông tồi tàn hơn. Lối dẫn vào sảnh nội địa từ bãi đỗ xe là một dãy mái tôn với đường gạch trát xi măng bị lở. Vừa vào xong sảnh chính để làm thủ tục, bạn có thể bị một anh chàng nào đó đeo thẻ hẳn hoi, tiến lại gần ngỏ lời giúp bạn làm thủ tục. Vì anh ta đeo thẻ nên ai không biết có thể nghĩ đó là nhân viên sân bay và để anh ta giúp. Anh ta nhanh chóng giúp bạn đóng tiền lệ phí sân bay, đưa vé đến quầy làm thủ tục rồi quay lại xin tiền típ. Mấy anh cò này cũng chỉ hoạt động được trong sảnh nội địa. Trong sảnh quốc tế thì xem ra không có. Nhân viên sảnh quốc tế đôi khi còn giúp đỡ bạn tận tình và miễn phí nữa.

Và cũng là hình ảnh của một sân bay nghèo: hệ thống check-in và nhận hành lý ký gửi không thông qua máy tính. Tất cả chỉ là việc nhập liệu qua sổ sách. Thậm chí khi khách nước ngoài đưa hộ chiếu để làm thủ tục check-in, anh nhân viên còn khoát tay: “Thôi khỏi!”. Ngạc nhiên nhưng cũng buồn cười là cảm giác của tôi khi đó. Tất nhiên chuyện này chỉ xảy ra ở sảnh nội địa. Và cũng có thể anh nhân viên kia nhìn tôi là biết người vùng viễn đông đến đây.

Quầy làm thủ tục ở sảnh nội địa sân bay Tribhuvan

Đến đoạn kiểm tra an ninh trước khi vào sảnh đợi. Lối vào an ninh được chia làm 2 ngả: nam một bên, nữ một bên, có lẽ là để phù hợp với văn hóa của họ. Mỗi bên có một nhân viên an ninh yêu cầu hành khách mở hành lý xách tay ra và kiểm tra bằng mắt thường. Anh nhân viên an ninh xem hành lý qua loa rồi hỏi tôi: “Anh có đem theo súng đạn gì không?”. Tôi nói không và anh ta phẩy tay cho qua. (Chứ không lẽ nói có nếu có đi chăng nữa 😀 ). Sau đó, hành khách bước qua một lối đi nhỏ được quây lại bằng rèm may từ vải hoa, rộng chừng 1m2. Ở đây, nhân viên an ninh tiếp tục “sờ soạng” để xem hành khách có đem “hàng cấm, hàng nóng” lên máy bay không.

Sảnh nội địa khá rộng rãi, trông cũ kỹ như một bến xe buýt và có 2 cửa ra máy bay. Ở sảnh đợi này không có màn hình ghi số hiệu các chuyến bay cũng như giờ ra máy bay. Hành khách cứ ngồi đợi như vậy, tốt nhất là nên ngồi ở gần cửa ra ghi trên thẻ lên máy bay. Đến giờ ra máy bay, một cô nhân viên hàng không giọng dõng dạc sẽ hô lớn: “Guna Airlines GNA-214 đi Pokhara”. Hành khách nghe vậy sẽ tự biết phải ra máy bay. Khách nước ngoài thì đôi khi phải chú ý thật kỹ để nghe được đúng số hiệu chuyến bay và điểm đến vì tiếng Nepal nghe hơi nặng so với các ngôn ngữ khác.

Sảnh đợi ra máy bay ở sân bay nội địa. Cứ phải lắng nghe nhân viên sân bay đọc số hiệu chuyến bay, nếu không sẽ bị lỡ chuyến.

Phiêu lưu cùng máy bay nhỏ

Hành khách sẽ được chở ra máy bay bằng một xe buýt nhỏ và cũ kỹ. Xe chở hành lý cũng được móc luôn vào đuôi xe buýt để chở ra máy bay, coi như một công đôi việc. Trên xe cũng chỉ có chừng 19 hành khách, tương ứng với số ghế trên chiếc máy bay Beechcraft đời cũ mà các hãng hàng không nội địa Nepal ưa dùng.

Đưa hành lý ra máy bay

Cô tiếp viên mang vẻ đẹp tuyệt vời của Nepal chào đón khách lên máy bay. Mà công nhận, tiếp viên hàng không Nepal nhìn đẹp, sạch sẽ và ăn mặc chuẩn vô cùng. Nhình cái là yêu ngay không cần suy nghĩ. Chiếc máy bay đúng là nhỏ thật. Chỉ có 2 dãy ghế. Mỗi dãy 9 ghế. Riêng hàng ghế cuối cùng có 3 ghế. Chuyến bay bắt đầu cất cánh. Cô tiếp viên nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn, cũng chẳng có màn biểu diễn các thiết bị an toàn và xử lý các tình huống khẩn cấp như trên các máy bay lớn. Nếu cần khách tự xem bảng hướng dẫn trên túi ghế phía trước. Mà cũng phải, máy bay nhỏ và thấp quá, cô tiếp viên không thể đứng dậy hẳn để làm các động tác được. Chuyến bay ngắn tuy chỉ có 30 phút nhưng khách cũng được phục vụ ăn uống đầy đủ. Chiếc máy bay nhỏ chao liệng qua các dãy núi ở Nepal. Máy bay nhỏ quá mà lại chao liệng gấp quá đôi khi làm ai đó không quen cảm thấy hơi run.

Đi xe buýt ra máy bay

Chuyến bay ngắn cũng được phục vụ kẹo và nước uống thoải mái

Trong buồng lái. Các phi công dùng GPS gắn ngoài như của ô tô vậy!

Chuyện cuối cùng có lẽ là khu vực nhận hành lý ở sảnh nội địa sân bay Tribhuvan. Đúng là chưa đi chưa biết, khó có thể tưởng tượng được nơi nhận hành lý là một gian được lợp mái tôn không có tường xung quanh đặt bên ngoài sảnh chính. Không có băng chuyền. Chỉ có một giàn ống sắt, nơi mà các xe chở hành lý sẽ đổ đồ lên đó và khách đến nhận. Chỉ thế thôi. Kể cả sân bay ở Pokhara, một tỉnh phía tây Nepal cũng vậy, tuy sân bay này có vẻ mới và sạch sẽ hơn sân bay nội địa ở thủ đô.

Đây, nơi nhận hành lý đây

Dù đất nước Nepal có nghèo, sân bay có tồi tàn nhưng nó cũng không đến nỗi mất trật tự. Mọi người đều đối xử niềm nở, lịch sự với nhau. Chỉ cần những nụ cười, những động tác lịch sự thôi thì dù sân bay có nghèo, máy bay có nhỏ thì cũng làm bất cứ du khách nào đến Nepal mát lòng mát dạ. Trật tự, văn minh, đó là ấn tượng của tôi về sân bay ở Nepal.

Phần 8: Lên đỉnh Everest

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment