Người Thái hay cười

Trẻ em ở miền nam Thái Lan.
Trẻ em ở miền nam Thái Lan.

icon-hanhtrinhCó đến Thái Lan, ở Thái Lan và sống như một người Thái thì mới hiểu được tại sao đất nước này được gọi là “Land of Smile” – Miền đất của nụ cười. Tạm gạt qua những cuộc biểu tình có lúc biến thành bạo động và đẫm máu, người Thái đa số vẫn là những con người hiền hòa.

(Một bài viết năm 2008, đã đăng trên Báo Thanh Niên)

Khi vừa đặt chân đến Thái Lan lần đầu vào năm 2004, tôi được dặn: “Đừng bao giờ to tiếng với người Thái và cũng đừng bao giờ thúc giục họ làm nhanh một việc gì đó”. Lâu dần tôi hiểu ra lời căn dặn này. Không phải vì họ quá yếu đuối đến nỗi không nghe được những lời mắng chửi. Và cũng không phải vì mệt mỏi, lề mề mà họ không thích bị giục làm nhanh việc gì đó. Với phần đông dân số theo đạo Phật, người Thái tận hưởng một cuộc sống hiền hòa, ung dung, tự tại và không vội vã. Người Thái theo đạo Phật và thấm nhuần thật sự các tư tưởng của tôn giáo này. Họ mang những lời răn dạy tốt đẹp vào cuộc sống thực tế, chứ không theo đạo chỉ vì một sự trấn an tâm lý nhất thời hoặc là đi chùa chỉ vì mong chờ sự phù hộ của Đức Phật.

Nam giới Thái Lan cứ đến khoảng 20 tuổi trở đi thường có lệ xuất gia đi tu trong thời gian ngắn. Có thể là 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng hay thậm chí là 1 năm. Họ thường xuất gia ít nhất 1 lần trong đời để cầu phước và báo hiếu cho cha mẹ hoặc ông bà. Tuy mục đích xuất gia thời gian ngắn như thế này là đáp lại công ơn đấng sinh thành nhưng vô tình đây lại là thời gian để họ rèn luyện bản thân theo giáo lý nhà Phật. Sự hiền hòa, điềm tĩnh có lẽ vì thế mà âm thầm ngấm vào tính cách của họ. Thật vậy, đi qua mọi ngả đường, mọi vùng miền của nước Thái, người ta cũng hiếm thấy cảnh đánh chửi nhau, tranh giành miếng cơm manh áo nơi họp chợ. Chuyện này làm nhiều khách du lịch, trong đó có cả người Việt Nam, cảm thấy lạ lẫm lắm. Cũng không có chuyện tài xế xe ôm hay taxi giành khách của nhau gây ra cãi vã, đánh nhau u đầu mẻ trán. Họ cũng không chen nhau lên tàu điện mà xếp hàng tuần tự.

Câu chuyện “nụ cười” không chỉ dừng lại ở những người dân bình thường. Khi giải quyết các vấn đề về giấy tờ ở Thái Lan, không chỉ tôi mà nhiều người Việt khác khá bất ngờ về cách cư xử của các công chức cũng như quan chức ở đây. Họ nhã nhặn, nhiệt tình và tuyệt nhiên không bao giờ có thái độ hạch sách hay hành dân. Bất cứ người dân nào cần sự giúp đỡ, họ đều tận tình, không phân biệt kẻ giàu hay người nghèo, người Thái hay người nước ngoài. Càng không có chuyện quát tháo, đập bàn hay thể hiện quyền hành với dân. Tất cả đều công bằng và thể hiện một lối cư xử lịch sự, hiện đại và văn minh. Công chức là vậy, cảnh sát cũng không khác.

Trẻ em Thái trong lễ hội Loy Krathong.
Trẻ em Thái trong lễ hội Loy Krathong.
Trẻ em Thái Lan tại miền cực nam, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống.
Trẻ em Thái Lan tại miền cực nam, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống.
Trẻ em ở miền nam Thái Lan.
Trẻ em ở miền nam Thái Lan.

Ngoài đường phố, nếu lỡ vi phạm luật giao thông, cảnh sát cũng sẽ nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự với người vi phạm, viết giấy phạt và hướng dẫn họ cách nộp phạt. Hoàn toàn không có chuyện cảnh sát… tát dân hay có biểu hiện hách dịch. Trong lúc các cuộc tuần hành phản đối đảo chính đang rầm rộ ở Bangkok mới thấy được sự điềm tĩnh và nhã nhặn của cảnh sát nước này. Khi đoàn biểu tình định vượt quá giới hạn để vào khu vực được bảo vệ cẩn mật, một vị tư lệnh cảnh sát đang phụ trách an ninh tại khu vực này gặp lãnh đạo biểu tình giải thích và khuyên họ nên dừng lại ở đây. Những người biểu tình cũng năn nỉ cảnh sát cho vượt qua hàng rào. Sau một hồi “xin xỏ” không được, những người biểu tình cũng dừng lại ở khu vực cảnh sát cho phép. Việc “đàm phán” đã diễn ra trong hòa bình.

Thế còn bác sĩ? Các lương y Thái Lan không chỉ như từ mẫu, mà theo sự ví von của một phụ nữ Việt Nam sinh con ở Thái thì họ đúng là những nàng tiên. Không biết nói vậy có quá không nhưng nếu đã có chữ “tiên” ở đây thì chắc là tuyệt vời lắm. Họ nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc và tạo tâm lý thoải mái nhất cho bệnh nhân. Bệnh viện tư cũng như bệnh viện công, bệnh viện xịn cũng như bệnh viện bình dân, từ Chiang Mai cho đến Bangkok, tất cả đều thể hiện một chữ “tiên”.

Tất cả những đức tính kể trên của người Thái đều thể hiện trên khuôn mặt họ. Đó là vẻ rạng rỡ và hiền lành hiển hiện trên khuôn mặt của họ. Trong một lần nói chuyện tại công viên Lumpini ở thủ đô Bangkok, thiền sư Thích Nhất Hạnh có giảng giải về giá trị của nụ cười: “Khi cười, các cơ mặt của chúng ta giãn ra làm khuôn mặt trông rạng rỡ. Ngược lại, khi chúng ta bực tức hay muộn phiền, các cơ mặt bị co lại. Khi đó trông chúng ta sẽ xấu xí biết nhường nào”. Đa số người dân Thái theo đạo Phật và có lẽ họ đã thấm nhuần luật nhân quả. Nếu đối xử tốt với người khác thì bản thân cũng sẽ nhận lại được cái tốt đẹp từ người khác. Cả xã hội đối xử với nhau như vậy và đương nhiên, tất cả đều nhận được những điều hạnh phúc từ cuộc sống. Họ luôn cười và tinh thần luôn thoải mái. Ngoài một phần tác dụng của “dao kéo”, có lẽ nụ cười cũng là một nhân tố giúp người dân xứ này, nhất là phụ nữ, trông thật tươi và rạng rỡ.

Lời nói hay nụ cười, thiết nghĩ chẳng mất tiền mua. Nó là vốn tự có. Người Thái thật khôn ngoan khi biết tận dụng và phát huy nó. Ai bảo người Thái không thông minh? Cười không khó. Cười không chỉ để vui mà còn để đẹp. Đẹp mình, vui người. Và người Thái luôn cười.

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment