Nơi tình yêu ngự trị

Tiếp tục câu chuyện về những chú voi ở Thái Lan. Sau khi tha thẩn bên những con voi cả buổi sáng, đến chiều tôi mới gặp được người cần gặp. Đó là bà Lek, người sáng lập ra công viên này. Bà quả là một con người cao cả, nhân hậu và vĩ đại (đối với tôi là vậy). Câu chuyện sau đây sẽ nói rõ hơn bà là ai.

*Cuối bài có thêm loạt hình ảnh về các hoạt động tại ENP.

Bài 2: Nơi tình yêu ngự trị

***Đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 12-10-2010.

Có người dành cả đời cho voi. Có người chỉ đến chơi 1 tuần. Dù là ai đi nữa thì tại Công viên Voi tự nhiên Thái Lan, tình yêu thương luôn hiện hữu.
Tại Công viên Voi tự nhiên (ENP) ở tỉnh Chiang Mai, lúc nào cũng có một nhóm du khách hiện diện mà các nhân viên ở đây gọi là những tình nguyện viên. Những du khách này phải đóng 12.000 baht (7,6 triệu đồng) mỗi người cho 1 tuần lưu lại đây. Giá này bao gồm chỗ ở, ăn uống và các dịch vụ khác. Số tiền thu được dùng để chi vào các khoản mua thức ăn nuôi voi, chữa trị cho chúng và cũng để mở rộng khu công viên. Tại ENP, du khách kiêm tình nguyện viên sẽ tham gia các hoạt động chăm sóc voi và chơi đùa với chúng. Họ cũng sẽ được giáo dục về tình yêu đối với thiên nhiên, với voi cũng như trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của miền bắc Thái Lan.


Chú voi con này hình như thích đùa với Zhu Li. Người ngồi bên phải là bà Lek

Chăm voi như chăm con

Ở ENP, du khách không thể chứng kiến voi vẽ tranh, làm xiếc hay cưỡi voi. Họ sẽ tham gia cắt gọt trái cây, chuẩn bị bữa ăn cho voi và tắm cho chúng. Sự gần gũi khiến du khách hiểu hơn về loài voi, biểu tượng của Thái Lan, cũng như xây đắp tình yêu đối với thiên nhiên. Bên cạnh những người chỉ ở lại 1 tuần vẫn có những tình nguyện viên thật sự. Những người nước ngoài nguyện ở lại lâu dài với những con voi từng bị chủ hành hạ, khai thác tàn nhẫn.

Bà Michelle Kobylka, người Úc, đã làm công việc chăm sóc voi tại ENP được 1 năm. Lựa chọn của bà xuất phát từ tình yêu dành cho voi, nhất là trong tình trạng số lượng voi ở Thái đang giảm sút mạnh mẽ. Mỗi ngày, bà thức dậy từ 6 giờ sáng để chuẩn bị các bữa ăn trong ngày cho voi. Trung bình mỗi con voi lớn được ăn 3 bữa trong ngày, mỗi bữa là một rọ thức ăn bao gồm chuối, bí đỏ, dưa hấu. Các loại quả được cắt thành miếng nhỏ để voi dễ nhai. Trên mỗi rọ còn ghi rõ tên từng con voi với những khẩu phần ăn phù hợp với thể trạng của chúng. Trái cây đem về ENP, trước khi cho voi ăn, sẽ được ngâm rửa trong 10 phút để làm sạch hóa chất. ENP cũng ký hợp đồng mua rau quả với nông dân với điều kiện họ phải cam kết không sử dụng hóa chất trong gieo trồng.

Jodie Thomas lại là một trường hợp khác. Người phụ nữ đến từ Mỹ này đã bắt đầu công việc tình nguyện tại ENP cách đây 7 năm. Khi ấy, bà có dịp đến ENP đúng lúc một chú voi con được sinh ra. Cảm kích trước tấm lòng của các nhân viên ở đây với những chú voi đáng thương, bà quyết định quay trở lại. “Tôi không bao giờ cảm thấy chán khi ở đây”, bà Thomas nói. Công việc hằng ngày của bà là chăm sóc voi, hướng dẫn du khách. Ngoài ra, bà cũng phụ trách các bản tin của voi như hôm nay con nào làm gì, con nào mang thai, đẻ con, rồi ngay cả chuyện “anh chàng” nào có bạn gái…


Zhu Li thích thú đứng bên cạnh 1 chú voi vừa được tắm suối xong


Ren Qian cũng vậy…

Cả đời vì voi

Đặc biệt hơn cả có lẽ là bà Sangduen Chailert, tên thường gọi là Lek. Năm nay 49 tuổi, bà là người sáng lập ENP cách đây 14 năm. Bà đem lòng yêu voi khi còn là một thiếu nữ. “Tôi rất đau lòng khi thấy những con voi bị hành hạ. Kể cũng lạ, voi là biểu tượng của đất nước nhưng không được bảo vệ”, bà Lek tâm sự, “Khi ấy, tôi đã hứa với lòng mình là sẽ làm việc vì những con voi”. Năm 16 tuổi, bà có ý tưởng lập một khu công viên tự nhiên dành cho voi và suốt từ đó về sau, bà tìm mọi cách để thực hiện giấc mơ. Năm 1992, bà cứu con voi đầu tiên. Năm 1996, trong tình trạng tài chính khó khăn, bà đã lập ra ENP với diện tích ban đầu chỉ 50 ha. Cho đến nay, sau nhiều lần mở rộng, ENP đã có diện tích 150 ha, đủ chỗ cho 35 con voi, 60 con chó và mèo thỏa sức nô đùa và bình yên sinh sống.

Nhìn cảnh bà Lek ngồi bên một con voi con, âu yếm và hát cho nó nghe mới thấy được tình yêu dành cho voi của người phụ nữ này nhiều đến nhường nào. Nhìn cơ ngơi của ENP, tôi phần nào cảm nhận được sự hy sinh của bà Lek vì một biểu tượng của Thái đang sụp đổ. Những người như bà Lek hay các nhân viên ở ENP cũng phải có thần kinh “thép” khi hằng ngày phải đối mặt với những con voi có vấn đề về tâm thần, sợ hãi và căm ghét con người. Làm quen, chăm sóc, xây dựng lòng tin cho lũ voi khi mới được cứu về trại là một công việc nguy hiểm, đòi hỏi sự nhẫn nại rất lớn. Bằng tình yêu thương xuất phát từ trái tim, bà Lek cùng những tình nguyện viên đã giúp những con voi bị tổn thương cảm thấy an toàn và tin tưởng. Thay vì xem voi vẽ tranh, cưỡi voi, đến chăm sóc voi và sống cùng chúng âu cũng là cách để yêu thiên nhiên hơn, giúp tình yêu thương nảy nở trong cuộc sống này.

Việt Phương
(Từ Chiang Mai, Thái Lan)

T.B.: Không biết có phải cực đoan quá không nhưng sau khi trở về từ ENP tôi đã thề sẽ không đến xem bất kỳ show trình diễn voi nào nữa và cũng sẽ kêu gọi bạn bè làm như vậy. Trang web của ENP: http://www.elephantnaturepark.org/

Thêm loạt hình ảnh về công viên voi này:

Một con voi ở ENP. Con nào 2 bên trán càng lõm thì càng già.

Khẩu phần ăn mỗi bữa cho từng con voi cụ thể được đặt vào những chiếc rọ có ghi tên của chúng

Cái kho nhỏ này để chuối. Trông nhiều vậy chứ voi ăn sạch ngay.

Bà Michelle chuẩn bị bữa ăn cho voi

Du khách nước ngoài đang tham gia một trong những hoạt động tình nguyện tại ENP. Khi tắm cho những chú voi như thế này bạn sẽ thấy gần gũi với chúng hơn.

Quan hệ giữa voi và người là bạn-bạn chứ không phải chủ-tớ

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment