Sóng thần Ấn Độ Dương (1): Tình trạng khẩn cấp

Phuket, 10 tháng sau trận sóng thần. Ảnh: Travip
Phuket, 10 tháng sau trận sóng thần. Ảnh: Travip

icon-hanhtrinhThái Lan, 26-12-2004

Tôi ngủ chết mê chết mệt trên chuyến xe buýt từ Pattaya về Bangkok. Từ thủ đô, tôi sẽ bắt tiếp xe buýt về lại Cha-am/Hua Hin, nơi tôi đang học. Tôi vật vờ chẳng biết gì vì đi chơi suốt đêm hôm trước. Tôi và mấy người bạn Việt Nam rủ nhau đi chơi Pattaya nhưng không thuê khách sạn. Dự định là đến thành phố này chơi qua đêm rồi sáng hôm sau bắt xe về cho tiết kiệm.

Kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới đang diễn ra. Trường tôi học vắng tanh. Sinh viên về nước hưởng kỳ nghỉ 1 tuần. Những người ở lại thì tranh thủ đi chơi. Nếu ở lại trường trong khoảng thời gian này chắc sẽ chết vì buồn. Tôi nằm trong số ở lại trường vì về Việt Nam lúc đó sẽ rất tốn kém. Những năm đó việc đi lại không dễ dàng như bây giờ. Cũng chẳng có hàng không giá rẻ để mà có thể đi đi lại lại thường xuyên. Có bao nhiêu tiền tôi đã dồn vào chuyện học, gia đình có hỗ trợ chút ít và chẳng dám xin thêm.

Về đến Cha-am/Hua Hin đã quá trưa. Tôi lăn ra ngủ một mạch đến tối và chẳng biết chuyện gì đang diễn ra. Đến khi bụng đói meo, tôi rủ đám bạn đi xuống Hua Hin ăn tối. Bạn tôi bảo rằng hình như dưới miền nam có bão hay lũ lụt gì đó, thấy ti vi chiếu cảnh sóng cao đánh vào bờ biển. Lúc tối tôi cũng xem ti vi, thấy thoáng qua cảnh đó nhưng vì khi ấy tôi không hiểu nhiều tiếng Thái nên cũng không quan tâm lắm. Tôi và đám bạn thản nhiên đứng đợi xe buýt. Tôi vẫn không biết rằng điều khủng khiếp nhất đang diễn ra ở miền nam Thái Lan.

Đúng lúc đó, bố mẹ tôi gọi điện từ Việt Nam sang, giọng vô cùng hốt hoảng và lo lắng: “Con đang ở đâu? Có bị làm sao không?”. Tôi ngớ người ra, chẳng hiểu chuyện gì và chưa kịp định thần vì sao bố mẹ tôi lo lắng đến thế. Lần đầu tiên tôi sống ở nước ngoài, liên lạc không thường xuyên như khi ở Việt Nam. Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Thì ra, bố mẹ tôi xem thời sự trên ti vi và thông báo với tôi vừa có sóng thần ập vào Phuket. Người chết rất nhiều. Tim tôi đập mạnh. Cái quái gì thế này? Sóng thần ư? Cái này tôi mới chỉ đọc trong sách lúc bé bố đưa cho tôi.

Tôi chưa kịp hỏi thêm gì thì bố mẹ hỏi tôi có cần về nước không vì lo lắng sẽ lại có sóng thần và tôi sẽ gặp nạn. Tôi trấn an bố mẹ rằng Phuket cách rất xa nơi tôi ở và nó nằm ở bờ biển phía tây của Thái Lan, còn nơi tôi ở nằm ở phía đông, trong Vịnh Thái Lan. Nếu có sóng thần, nơi tôi ở trên tầng 22 đủ cao để tôi sống sót. Tôi quyết không về và muốn ở lại. Bố tôi đành dặn rằng nếu có động đất và nước biển rút ra xa, hãy tìm đến chỗ cao hoặc chạy thật xa về hướng ngược với biển để thoát thân. Đó cũng là những kiến thức tôi đã học được từ khi tôi còn bé, khi bố tôi đưa những cuốn sách khoa học cho tôi đọc. Chỉ có điều khi đó tôi chưa tưởng tượng được sóng thần nó như thế nào.

Trận sóng thần năm đó xuất phát từ một trận động đất mạnh 9,1 độ richter ở Sumatra (Indonesia). Sóng thần ập đến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, Nam Á và phía đông châu Phi. Ban đầu nước biển rút ra xa sau động đất, rồi ập vào bờ rồi lại rút ra và ập lại lần nữa. Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, Madagascar, Seychelles, Kenya, v.v… đều bị thiệt hại về người và của. Ít nhất 230.000 người chết và mất tích. Qua tin tức, tôi thấy cảnh tượng kinh hoàng về hậu quả của sóng thần năm ấy quả thực gây ám ảnh. Trong cuộc đời tôi chưa nhìn thấy cảnh xác chết trôi dạt vào bờ như xác cá. Chưa bao giờ tôi thấy thiên nhiên hung tợn đến thế.

Những ngày sau đó là những ngày mà tôi hồi hộp theo dõi tin tức cả tiếng Anh và truyền hình Thái. Các bản tin về sóng thần cũng như cập nhật số thương vong được phát 24/24. Mọi thứ đều rất nghiêm trọng. Ngoài đường, những chuyến xe của quân đội, những chuyến xe chở hàng liên tục chạy từ Bangkok xuống Phuket và đi ngang qua chỗ tôi ở. Thái Lan đang ở trong tình trạng khẩn cấp. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một đất nước ban bố tình trạng khẩn cấp là như thế nào. Tại khu chợ chính ở Hua Hin, các chiến dịch quyên góp được thực hiện. Dân bản địa và du khách nước ngoài đóng góp rất nhiều. Trong trường thôi, các thùng tiền quyên góp xuất hiện. Sinh viên các nước bị ảnh hưởng, như Myanmar, cũng tích cực quyên góp cho nước mình.

Kỳ tiếp theo: Những ngày hối hả

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment