Sóng thần Ấn Độ Dương (2): Những ngày hối hả

icon-hanhtrinhNhững ngày sau trận sóng thần kinh hoàng là cảnh hối hả cứu hộ và quyên góp cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng nặng nề. Bài viết dưới đây đã đăng trên báo Thanh Niên đầu tháng 1-2005 với một bản ngắn gọn hơn. Đọc lại những ghi chép này bản thân tôi đã nhớ lại phần nào không khí hối hả vào thời điểm đó.

_____________________________

Sinh viên trường Suan Dusit Rajabhat quyên góp cho các nạn nhân của sóng thần. Ảnh: Travip
Sinh viên trường Suan Dusit Rajabhat quyên góp cho các nạn nhân của sóng thần. Ảnh: Travip

Hua Hin, Prachuab Khiri Khan, Thailand

31/12/04

5 ngày sau trận sóng thần, cả nước Thái Lan vẫn chưa hết bàng hoàng. Quốc vương Thái Lan cũng thấm thía nỗi đau chung của đất nước khi mất đi đứa cháu trai mới 21 tuổi của mình. Các kênh truyền hình đua nhau đưa tin về tình hình người chết và các hoạt động tìm kiếm cứu trợ. Hình ảnh những người mất tích liên tục được đăng tải. Họ thuộc đủ quốc tịch, lứa tuổi. Có thể thấy cả những sinh viên rất trẻ đến học tập tại Thái Lan. Hình ảnh của họ được trường đại học nơi họ học tập hoặc người thân của họ gửi đến các đài truyền hình để đăng tin tìm kiếm. Từng đoàn xe cứu trợ được dẫn đầu bởi một xe cảnh sát hú còi inh ỏi đang hối hả chạy về hướng Phuket. Trang web www.disaster.go.th của Cục Phòng chống và Giảm nhẹ Thiên tai của Thái Lan đông nghẹt người truy cập. Một trang web khác cũng vừa được lập hôm nay để tìm kiếm và thông tin về những người còn mất tích: www.missingpersons.or.th. Ngay cả những ngôi sao điện ảnh và ca nhạc cũng sắn tay vào công việc cứu trợ vùng bị nạn. Cả đất nước Thái Lan đang hướng về các nạn nhân của sóng thần.

Công việc tìm kiếm vẫn tiếp tục, bất kể ngày đêm

Có lẽ chưa bao giờ, các kênh truyền hình của Thái Lan lại bận rộn như lúc này. Và cũng chưa bao giờ họ lại có dịp để phát huy và áp dụng những kỹ năng nghề nghiệp của mình như vậy. Đêm qua, kênh truyền hình iTV của Thái Lan, kênh phát tin tức về thảm họa sóng thần nhiều nhất, tiếp tục phát đi hình ảnh của những người mất tích kèm theo lời thông báo: “Nếu ai thấy hoặc biết thông tin về những người này, xin vui lòng liên hệ với… qua số điện thoại…”. Phát thanh viên nói cả 3 thứ tiếng Thái, Anh và Nhật khi thông báo về những người mất tích này. iTV còn tạo điều kiện cho người thân của những người mất tích lên truyền hình để thông báo và kêu gọi sự giúp đỡ nếu có ai đó thấy hoặc biết thông tin về người thân của họ. Những khuôn mặt tuyệt vọng, những ánh mắt đẫm lệ vẫn hàng ngày xuất hiện trên truyền hình. Ngoài những điều phát thanh viên đang thông báo, các dòng chữ chạy bên dưới màn hình cập nhật liên tục về tình hình người chết và các hoạt động tìm kiếm. Cầu truyền hình được nối liên tục giữa Phuket, Phang-Nga và Krabi là ba nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của đợt song thần, với Bangkok. Đặc biệt hơn, khoảng nửa đêm hôm qua, kênh iTV còn truyền hình trực tiếp cảnh tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát ở khu nghỉ mát Bamboo Orchid tại Phang-Nga.

Trên màn hình là một nhóm cứu hộ nước ngoài đang thả chó ở đống đổ nát. Đống đổ nát là một căn nhà trong khu nghỉ mát. Cần cẩu, đèn chiếu cực mạnh, tất cả các phương tiện phục vụ cho việc tìm kiếm đã có đủ. Chú chó đến gần, đánh hơi vài tiếng rồi sủa. Người ta bắt đầu gõ gõ vài tiếng vào chỗ có chó sủa để xem có động tĩnh gì không rồi dùng cưa máy cưa nhẹ nhàng từng khúc sắt và bê tông trong đống đổ nát. Người xem vẫn chưa hiểu chuyện gì. Phóng viên tại hiện trường phỏng vấn một thành viên trong đội tìm kiếm người nước ngoài. Ông này nói, con chó sủa bởi vì nó nhận thấy hơi ấm của người phát ra từ đống đổ nát. Ông hy vọng có thể cứu được ai đó còn sống. Anh phóng viên hỏi tiếp rằng, theo kinh nghiệm thì ông có chắc rằng một người có thể sống dưới đống đổ nát mà không có thức ăn hay nước uống và trong tình trạng bị thương trong vòng 4 ngày không. Ông này trả lời là có thể. Phóng viên lại tiếp tục phỏng vấn một người dân đang chứng kiến cảnh tìm kiếm. Người đàn ông trung niên này nói rằng con gái ông ta đang bị mất tích và ông ta tin rằng con gái ông đang ở dưới đống đổ nát kia. Ông tin như vậy vì con gái ông làm việc tại khu nghỉ mát này và đến giờ vẫn bặt vô âm tín.

Một lúc sau, hình như người ta vẫn nghi ngờ về việc có người còn sống trong đống đổ nát. Các thành viên trong đội tìm kiếm yêu cầu mọi người tránh xa đống đổ nát để chó có thể đánh hơi chính xác hơn. Hai chú chó lại được thả ra. Kết quả là hai chú chó đánh hơi… nhầm. Người ta bắt đầu mạnh tay hơn trong việc đào bới đống đổ nát. Dưới màn hình, dòng chữ chạy thông báo số người chết đã trên 80.000 người.

Hoạt động quyên góp của sinh viên:

Tại thị trấn du lịch Hua Hin thuộc tỉnh Prachuab Khiri Khan, nơi cách Phutket 900km, người ta vẫn tắm biển và lướt sóng. Khách du lịch vẫn đông đúc như mọi ngày. Khu chợ đêm nổi tiếng của thị trấn vẫn không ngớt khách. Và tại đây, ngay cửa chợ, một cái quầy nhỏ, hay nói đúng hơn là một cái ki-ốt di dộng được sinh viên trường đại học Suan Dusit Rajabhat, chi nhánh Hua Hin dựng lên để tiếp nhận đồ cứu trợ và tiền quyên góp từ khách du lịch và người dân. Các băng-rôn và biểu ngữ được chăng lên bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh, kêu gọi mọi người ủng hộ các nạn nhân trong đợt sóng thần vừa qua. Họ mặc đồng phục trông rất nghiêm chỉnh và thanh lịch. Một sinh viên nam đứng ngay trước quầy và hát để gây sự chú ý của mọi người. Các sinh viên trong quầy thì tiếp nhận đồ cứu trợ và ghi lại tên người đóng góp. Những sinh viên khác thì chất đồ lên xe ngay bên cạnh đó để chuẩn bị đưa đến vùng bị nạn. Một nhóm sinh viên khác thì cầm hộp quyên góp đi vòng quanh thị trấn Hua Hin để quyên góp. Hoạt động này là ý tưởng của hiệu trưởng của chi nhánh trường tại Hua Hin, tiến sĩ Surapol Sirisat.

Tiến sĩ Sirisat cho biết, đây là ý tưởng của ông. Trường luôn có những hoạt động từ thiện như thế này. Ông nói: “Chúng tôi có sinh viên, chúng tôi có xe buýt, chúng tôi có xe tải và chúng tôi có ý tưởng. Và ở đâu cần sự giúp đỡ, ở đó có chúng tôi.” Trường cũng đã bố trí hai xe chở đồ cứu trợ đến Phuket và Krabi và hai xe khác đến Phang-Nga.

Một số sinh viên của trường có nhà tại vùng bị nạn hiện đang mất tích. Chưa có tin gì về việc họ còn sống hay đã chết. Những sinh viên khác thì có gia đình hoặc người thân bị chết hoặc bị thương. Tiến sĩ Sirasat cũng cho hay, trường sẽ có chính sách giúp đỡ và hỗ trợ những sinh viên này.

Sinh viên trường Suan Dusit Rajabhat quyên góp cho các nạn nhân của sóng thần. Từ trái qua: Marupong Kitkasikhon, Weerapong Noi-pukdee và Kannika Krabeetong. Ảnh: Travip
Sinh viên trường Suan Dusit Rajabhat quyên góp cho các nạn nhân của sóng thần. Từ trái qua: Marupong Kitkasikhon, Weerapong Noi-pukdee và Kannika Krabeetong. Ảnh: Travip

Marupong Kitkasikhon, một nam sinh viên của trường có nhà tại Phang-Nga, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sóng thần cho biết, nhà anh ở cách biển 50m. Gia đình anh vẫn an toàn nhưng nhà cửa thì bị phá hủy hết. Bố mẹ anh may mắn chạy thoát khi sóng thần tấn công. Một sinh viên khác cũng có nhà ở Phang-Nga là Weerapong Noi-pukdee. Khi nghe tin sóng thần tấn công Phang-Nga, anh đã ngất xỉu. Nhà anh nằm ngay trước mặt biển và đã bị cuốn trôi. Gia đình anh may mắn thoát chết vì khi đó mọi người đã đi làm hết. Kannika Krabeetong thì có nhà ở Phuket. Nhà cô ở phía bên kia bờ biển của đảo Phuket nên may mắn không bị sóng thần tấn công. Cả ba sinh viên trên đều lên đường về quê mình là Phang-Nga và Phutket ngày mai trên chuyến xe chở đồ cứu trợ của trường. Họ đều có chung một suy nghĩ là nỗi đau này không phải của riêng ai, mặc dù gia đình họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khi hoạn nạn, mọi người phải cùng đứng ra tương trợ lẫn nhau.

Trường Suan Dusit Rajabhat đã có một hoạt động PR (Public relations – Quan hệ công chúng) nhanh chóng và hiệu quả. Cũng chẳng có gì lạ vì đó là một trường dạy về du lịch. Nhưng không cớ gì một trường về du lịch mới có thể tạo ra được những hoạt động như vậy. Ở Thái Lan, còn có nhiều trường đại học như thế. Cần nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên trường Suan Dusit Rajabhat tổ chức các hoạt động từ thiện một cách phô trương như thế này. Có những lần, sinh viên của trường mặc đồng phục chỉnh tề, tập trung thành một nhóm hát đồng ca trước chợ cuối tuần ở Hua Hin để quyên góp cho trẻ em tật nguyền.

Số tiền mà trường Suan Dusit Rajabhat thu được tính đến ngày hôm nay là khoảng 700.000 Baht (tương đương 280 triệu đồng). Mọi người hy vọng rằng đến hết ngày mai, ngày cuối cùng của đợt quyên góp, số tiền thu được sẽ là 1.000.000 Baht (tương đương 400 triệu đồng). Và cũng trong ngày mai, các chuyến xe của trường chở đồ cứu trợ sẽ lên đường về phía Nam.

Hiệu trưởng, tiến sĩ Surapol Sirisat cầm micro kêu gọi quyên góp. Ảnh: Travip
Hiệu trưởng, tiến sĩ Surapol Sirisat cầm micro kêu gọi quyên góp. Ảnh: Travip

Cuộc sống vẫn tiếp diễn:

Người ta đã bắt đầu dọn dẹp đống hoang tàn sau vụ sóng thần. Ở Phuket, khách du lịch đã bắt đầu đi lại trong thành phố. Họ nhận xét rằng, Phuket đã rất nhanh chóng trong việc dọn dẹp đống đổ nát để bắt đầu công việc tái thiết. Họ cũng tin tưởng rằng, Phuket sẽ lấy lại được vẻ đẹp của nó và lại thu hút khách du lịch trên khắp thế giới.

Trần Việt Phương
(Webster University Thailand)

Kỳ sau: Phuket sau thảm họa

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment