Chủ quán nhất định không đi theo thị hiếu hay ý của khách mà thay đổi hay biến tấu món bánh căn. Cũng vì thế mà quán bánh căn có từ năm 1991 này vẫn giữ nguyên hương vị. Đó là quán bánh căn Thy, 22 Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt.
Cách đây 15 năm, vào tháng 8-2005, Travip cùng nhóm bạn du học bên Thái Lan về đi Đà Lạt và đó cũng là lần đầu tiên mình được bạn bè giới thiệu món bánh căn Đà Lạt này. Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng khó phai. Điều Travip thích ở quán này chính là cái lò đúc bánh vuông vức, ấn tượng.
Quán bánh căn Thy tháng 8-2005
Về món ăn thì điều làm nên hương vị quán đó là nước chấm rất đậm đà và đặc trưng cùng cục xíu mại hấp dẫn. Và cũng là 1 điểm khó quên ở quán này mà Travip nhớ mãi đó là chị chủ quán luôn dặn thực khách: tương ớt cay lắm, bỏ từ từ thôi nghen. Vậy đó, lần nào tới ăn cũng được nghe.
Mấy năm về sau, cứ có dịp lên Đà Lạt là lại ghé quán chị Thy 22 Tăng Bạt Hổ để ăn. Đến giờ vẫn vậy. Cái quý ở quán này Travip phát hiện ra là sau bao năm, hương vị bánh căn không thay đổi, không thêm thắt, không biến tấu. Hương vị cứ như vậy mà lưu giữ.
Chỉ là bánh căn đơn giản chấm với nước mắm pha cùng xíu mại. Tôi thích như vậy. Không cầu kỳ cho thêm tôm thịt gì cả. Chị chủ tâm sự chị cũng đấu tranh tư tưởng nhiều lắm. Nên theo thị hiếu hay quyết giữ nguyên bản món ăn chị bán từ đầu. Giữ nguyên vậy mà quán chị vẫn đông nghịt khách, đổ bánh không ngơi tay. Mừng cho chị.
Và trong lần quay lại này, Travip bắt chuyện làm quen và mới biết quán có từ năm 1991 do mẹ chị Thy là bà Phạm Thị Lộc. Năm 1991, bà Lộc vốn là một kiến trúc sư nhưng nghỉ hưu non, về nhà mở quán. Lúc đầu, bánh căn được đúc bằng lò than. Về sau thấy cực quá, bà Lộc chế ra lò ga đúc bánh như hiện nay.
Tư liệu về quán bánh căn Thy do gia đình cung cấp. Khi ấy mẹ chị còn đúc bánh bằng lò than.
Cứ miệt mài như vậy gần 30 năm, hiện nay chị Thy cùng chồng là anh Toàn tiếp tục mở quán, hàng ngày đúc bánh và luôn đông thực khách. Hương vị thì vẫn đậm đà khó quên.
Chị làm tôi nhớ Madam Lý, bà chủ nhà hàng Le Dalat ở Bangkok mà tôi trân trọng viết một phần dài trong cuốn sách đầu tay “Chạm ngõ thiên đường”. Madam Lý một lần về Việt Nam được người ta dẫn đi ăn bún riêu cua một chỗ được nói là ngon nổi tiếng. Bà duyên dáng bảo đây đâu phải bún riêu cua. Bún riêu cua chỉ có bún, cua thôi, làm gì có chả, có huyết. Tôi gọi Madam Lý là người đàn bà lưu giữ hương vị Việt. Đó là bởi những món ăn từ thời bà sinh sống (những năm 1920) thì đến giờ bà vẫn giữ vậy trong nhà hàng của bà.
Ăn vài hàng ở Đà Lạt rồi nhưng ở đây vẫn hợp khẩu vị nhất. Không phải vì giờ đã quen ông bà chủ mà nịnh đâu. Nếu không ngon thì gần 15 năm qua đã không ghé mỗi lần lên Đà Lạt.