Thiên đường của voi

Trong 7 năm ở Thái Lan, tôi đã có dịp đi nhiều tỉnh, vùng miền của vương quốc này. Vui có, buồn có, xúc động có. Thế nhưng có một điều mà mãi đến khi gần về nước tôi mới nhận ra. Đó là câu chuyện về những chú voi, biểu tượng của nước Thái. Những cậu chuyện đằng sau những con voi bị đem ra làm xiếc mua vui cho các đoàn khách du lịch hay bị ép đi chở gỗ cho con người. Tôi đã có dịp đến Công viên Voi Tự nhiên ở Chiang Mai, phía bắc Thái Lan cùng những đồng nghiệp. Tại đây, trong lúc tìm hiểu về công viên này, tôi đã cảm thấy đau đớn trước những thân phận voi và khẳng định thêm một điều: con người chúng ta ác quá.

Bài 1: Thiên đường của voi

***Đã đăng trên Báo Thanh Niên ngày 10-10-2010.

61492_10150269202140315_894020314_14878634_2511662_n

Bị con người hành hạ, lợi dụng rồi lại bị bỏ mặc không thương tiếc, những con voi ở Thái Lan cuối cùng cũng có một chốn bình yên.

Tọa lạc trong một thung lũng cách thành phố Chiang Mai 60 km, Công viên Voi tự nhiên (ENP) rộng 150 ha, được bao bọc bởi những khu rừng, núi đồi và sông suối. Tại thung lũng tuyệt đẹp này, những chú voi thoải mái dạo chơi một cách tự do trên một khu vực rộng lớn. Khách tham quan được cảnh báo không tự tiện đi lại trong thung lũng và nhất là không lại gần voi nếu không có quản tượng hay nhân viên công viên đi kèm. Và nhất là không được dùng đèn flash khi chụp ảnh để tránh làm tổn thương, hay thậm chí là làm mù mắt voi.

“Mái ấm” cho voi

Người thành thị và du khách vốn thường thấy những chú voi đi trên đường phố ở Bangkok để xin tiền hay voi làm xiếc, vẽ tranh, làm trò vui ở những khu du lịch chứ ít khi thấy voi bình yên đi lại trong tự nhiên như thế này. Cảm giác đi cạnh đàn voi khổng lồ trong một không gian tự nhiên rộng lớn khiến bản thân tôi như đang lạc vào Công viên kỷ Jura trong bộ phim về những con khủng long cùng tên của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg và chợt cảm thấy con người mới thật nhỏ bé làm sao.

Thế nhưng ENP không phải là một khu du lịch và những người quản lý ở đây không bao giờ muốn những chú voi phải đi làm trò mua vui cho con người. Đơn giản vì voi được xem là biểu tượng của Thái Lan. ENP là nơi sinh sống tự nhiên và là nơi cứu nạn của những con voi bị con người ngược đãi. Công viên đang chăm sóc 35 con voi, trong đó có 2 voi con. Chúng được ENP bỏ tiền ra mua lại. Đôi lúc do người chủ cảm thấy voi hết dùng được nên bán. Nhưng nếu chủ voi đòi giá quá cao thì ENP cương quyết không mua bởi chủ voi sẽ lại dùng tiền đó đi mua voi khác, đồng nghĩa với việc thêm một con voi bị bắt và lạm dụng.

61245_10150269183685315_894020314_14878268_5996644_n
Vui đùa cùng 1 chú chó ở công viên voi tự nhiên. Tại đây, ngoài voi, công viên còn là mái nhà cho nhiều loài thú bị ngược đãi khác như chó, mèo, kể cả trâu bò.

Những câu chuyện thương tâm

Bangkok cấm voi xin ăn trên đường

Tòa thị chính Bangkok vừa ra quy định: quản tượng nào bị bắt gặp dẫn voi đi xin ăn, xin tiền sẽ bị phạt tù 6 tháng hoặc phạt tiền 10.000 baht (khoảng 6,4 triệu đồng. Người nào cung cấp chỗ trú cho voi và quản tượng, người nào giúp mua trái cây cho voi ăn cũng bị phạt 10.000 baht. Người dân nào cho voi ăn trên đường phố cũng bị phạt.

Hầu hết voi vào ENP đều bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần vì nhiều lý do khác nhau và phải trải qua một thời gian điều trị để trở lại cuộc sống bình thường. Anh hướng dẫn viên trẻ Suchet Yutthonglang cho hay, chúng bị hành hạ, đánh đập trong lúc huấn luyện để ép làm trò tại những khu du lịch. Có con bị trói lại để ép giao phối. Có con thì giẫm trúng mìn ở khu vực biên giới với Myanmar. “Tại đây, mỗi con voi là một câu chuyện”, Suchet nói.

Bà Sangduen Chailert, tên thường gọi là Lek, người sáng lập ENP chiếu cho khách xem những đoạn phim tư liệu về việc voi bị con người đánh đập trong khi huấn luyện. Những con voi tội nghiệp bị dồn vào một cái cũi nhỏ vừa khít cơ thể chúng. Người ta trói chân, tròng dây qua cổ và dùng những cây gậy sắt có đầu nhọn hình lưỡi câu đánh vào trán chúng. Những con voi đau đớn giãy giụa kêu gào thảm thiết. Sau những lần tra tấn, có con bị gãy chân, chấn thương hông hay cổ, trán vì giãy giụa quá mạnh. Nhiều voi con thiệt mạng vì không chịu nổi những đòn dã man.

Bualoi là một con voi cái bị tật ở chân và ở hông sau khi bị chủ cưỡng ép giao phối tới 40 lần. Mỗi lần như vậy, người ta trói cả 4 chân của Bualoi rồi cho voi đực đến giao phối. Con voi chống cự, giãy giụa trong đau đớn. Kết quả là chân sau và hông phải của nó bị chấn thương vĩnh viễn. Giờ đây Bualoi phải đi cà nhắc một cách khó khăn.

Bà Lek giải thích thêm rằng voi đực thường bị bắt đi chở gỗ lậu. Voi cái thì đi xin ăn trên đường phố, vẽ tranh, làm trò. Vì vậy voi đực và voi cái không có cơ hội tiếp xúc và giao phối. Đó cũng là lý do số lượng voi giảm đi nhanh chóng. Đến khi thấy không còn nhiều voi, người ta bắt đầu nghĩ cách ép voi giao phối và đẻ. “Những con voi cũng có tình cảm. Chúng không thể bị ép giao phối ngoài ý muốn được”, bà Lek nói. Những con voi cái bị “ép hôn” thường mang chấn thương tâm lý nặng nề. Có con dường như quá uất hận nên khi vừa sinh xong ngay lập tức quật chết khúc ruột vừa dứt ra.

60903_10150269197785315_894020314_14878583_717971_n
Tôi và Namita đi ủng để chuẩn bị bước vào thế giới của loài voi

62959_10150269196255315_894020314_14878541_5174046_n
Lắng nghe anh tình nguyện viên Suchet ở công viên dặn dò trước khi tiếp cận với những con voi to lớn

Lilly lại là một con voi bị tâm thần. Lúc trước, con voi cái này ban ngày phải chở du khách, ban đêm chở gỗ lậu. Nó không có thời gian nghỉ ngơi hay ngủ và để khai thác tối đa khả năng của Lilly, người ta đã cho nó dùng thuốc kích thích để không biết mệt là gì. Hậu quả là thần kinh của Lilly bị tổn thương nghiêm trọng. Sau khi được ENP cứu về, nó được điều trị tâm lý một thời gian dài để không bị hoảng loạn.

Bà Lek kể có voi bị ám ảnh về người đến nỗi khi được cứu về ENP, các nhân viên đến gần để cắt xích chân thì con voi run cầm cập, thậm chí tè cả ra. Nhờ sự chăm sóc chu đáo và tấm lòng yêu thương của những người ở đây mà những con voi bất hạnh đã dần vượt qua được những chấn thương, có thể quay lại cuộc sống bình thường giữa không gian thiên nhiên.

Cách đây khoảng 100 năm, số lượng voi ở Thái Lan vào khoảng 100.000 con. “Giờ thì chỉ còn 2.000 cá thể voi hoang dã và 3.000 con voi nuôi”, Suchet cho hay. Và đó là lý do EPN ra đời, để cứu những con voi và bảo vệ biểu tượng của nước Thái.

thai98

Những con chó bất hạnh cũng tìm được nơi trú ẩn tại ENP

thai42

Những chú voi tự do đi lại trong khuôn viên ENP. Cảm giác hòa mình thật sự vào thiên nhiên là đây.

thai97

Voi con bú sữa mẹ

Việt Phương
 (từ Chiang Mai, Thái Lan)

Xem tiếp phần 2: Nơi tình yêu ngự trị

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment