Bangkok ơi, hãy bình yên đi nhé!

thai110
Ảnh: TRAVIP

icon-hanhtrinhNăm 2012, tôi đến Ấn Độ lần đầu tiên. New Delhi làm tôi khá ngột ngạt khi đi đâu cũng bị kiểm tra an ninh gắt gao. Kể cả vào khách sạn 5 sao thì cũng phải qua các cổng từ và máy soi chiếu hành lý. Xe ra vào đều phải mở cốp để bảo vệ kiểm tra.

Một tuần sau khi rời Ấn Độ, một vụ đánh bom xảy ra ở New Delhi, cách không xa nơi tôi từng ở. Một ngày sau đó, một vụ nổ bom khác xảy ra ở Bangkok (Thái Lan). Đến giờ người ta vẫn nghi ngờ 2 vụ đánh bom ở 2 đất nước có liên quan đến nhau.

Năm 2013, tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) ở Ấn Độ để dẫn bố đi hành hương. Vài tháng sau, một vụ đánh bom xảy ra ở ngôi đền Đại Giác Ngộ Tự (Mahabodhi Temple) linh thiêng. Tôi và bố đều sốc. Chúng tôi không tưởng tượng được một di tích tôn giáo xưa nay vẫn thanh bình lại hứng chịu một nỗi đau như vậy.

Và tối qua, tôi bàng hoàng khi nghe tin một vụ đánh bom xảy ra gần đền Erawan ở Bangkok, một địa điểm tôn giáo linh thiêng và nổi tiếng không chỉ đối với người Thái mà còn cả với du khách nước ngoài.

Những nơi tôi từng đi qua, từng đặt tình cảm vào đó thì sao không bàng hoàng cho được khi nghe tin tồi tệ xảy ra tại đó.

Tôi yêu Bangkok và từng gắn bó 5 trong số 7 năm sống ở Thái Lan. Bangkok từng rất yên bình. Không biểu tình, không xung đột. Ra vào các nơi không bị kiểm tra an ninh gì cả. Thế mà một vụ đánh bom vào cuối năm 2006, vài tháng sau khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã khiến người ta e dè hơn với tất cả. Các biện pháp an ninh như đi qua cổng từ, kiểm tra hành lý, tư trang được áp dụng ở các khách sạn lớn, trung tâm mua sắm, hệ thống tàu điện MRT và BTS. Và tôi tin rằng, sau vụ đánh bom hôm qua 17-8, người ta sẽ phải càng dè chừng hơn.

Kiểm tra an ninh tại trạm tàu điện MRT ở Asoke, thời gian sau khi xảy ra vụ đánh bom năm 2006. Ảnh: TRAVIP
Kiểm tra an ninh tại trạm tàu điện MRT ở Asoke, thời gian sau khi xảy ra vụ đánh bom năm 2006. Ảnh: TRAVIP

Bangkok không còn vẻ yên bình như xưa. Mất lòng tin vào những điều xung quanh khiến người ta phải dè chừng và sợ hãi. Vụ đánh bom hôm 17-8 có số thương vong cao hơn rất rất nhiều so với loạt vụ đánh bom hồi năm 2006 (3 người chết và 38 người bị thương). Vụ lần này là một sự rúng động và gây hoang mang bởi số người thương vong quá cao, nhất là có nhiều người nước ngoài trong đó. Và rồi người ta càng có cớ để sợ hãi hơn và dè chừng hơn.

Thái Lan là đất nước đầu tiên tôi đặt chân đến ngoài Việt Nam. Đó cũng là nơi mà tôi gắn bó 7 năm trời. Lúc trước, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ở nước ngoài lâu đến như vậy. Bangkok chiếm 5 năm trong tổng thời gian tôi ở Thái Lan. Yêu mảnh đất này lắm, cũng đã coi đây là quê hương thứ 2 và không ít lần cảm thấy bị tổn thương vì những biến cố chính trị. Ngày tôi bắt đầu làm việc ở Thái Lan cũng là lúc xảy ra đảo chính năm 2006. Sau đó là một loạt cuộc biểu tình, đánh bom, bạo động, xung đột và lại đảo chính lần nữa. Một trong những điều tôi học được trong thời gian sống ở Thái Lan đó là xung đột luôn vô nghĩa. Dù phe nào thắng thì người dân vẫn là những kẻ thất bại.

Một người bạn của tôi ở Bangkok đã viết trên Facebook rằng: “Thật đáng hổ thẹn khi có những người mượn bạo lực để nêu quan điểm của họ. Điều quan trọng là chúng ta không được để sự sợ hãi xâm chiếm bởi khi đó, chủ nghĩa khủng bố sẽ chiến thắng”.

Từ hôm qua đến nay, nhiều người bạn vào hỏi tôi có nên đi Bangkok trong thời điểm này không hay nên hủy vé. Tôi lúng túng không biết trả lời sao. Tôi không trông mong Bangkok sẽ trở nên ngột ngạt như New Delhi. Tôi vẫn mong một ngày nào đó những cổng từ thiếu thân thiện sẽ biến mất khỏi những trung tâm mua sắm hay những trạm tàu điện.

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment