Dòng đời trên những chuyến bay

10275525_10154256449620315_7187247342868087240_o

icon-hangkhongChuyến bay MH177 của Malaysia Airlines trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đi Malé (Maldives) đi vào vùng nhiễu động, rung lắc nhẹ vài giây. Tôi quay sang nhìn người nhà. Mọi người im lặng và ngồi ngay ngắn với dây an toàn vẫn đang được cài. Tôi cố giữ ly nước trên khay ăn để nó không đổ. Tôi đi trên máy bay của Malaysia Airlines 3 tháng sau khi xảy ra vụ MH370 mất tích. Tôi không sợ gì cả khi đi một hãng hàng không vừa có chuyện. Tôi tin rằng ai cũng có số phận. Đến lúc mình gặp chuyện thì nó ắt phải xảy ra thôi.

Còn nhớ, hồi năm 2007, sau khi chuyến bay 269 của One-Two-Go của Thái Lan gặp tai nạn khi hạ cánh xuống sân bay Phuket làm 88 người thiệt mạng, tôi đã đáp ngay chuyến bay ngày hôm sau của chính hãng này đến hiện trường để đưa tin. Khi đó tôi làm phóng viên thường trú cho Báo Thanh Niên ở Bangkok. Chiếc máy bay mà tôi và các đồng nghiệp bay đến Phuket là một chiếc Boeing 747 già nua. Cô tiếp viên đi ra chỗ chúng tôi ngồi, giải thích cặn kẽ các quy định an toàn và cách mở cửa thoát hiểm khi có tai nạn. Chẳng hiểu sao hãng lại sắp cho 3 phóng viên ngồi ngay cửa thoát hiểm. Chúng tôi chăm chú lắng nghe và cũng không mảy may sợ hãi gì, thậm chí còn đùa nhau nếu có tai nạn thì phân công người này chụp ảnh bên trong hay bên ngoài.

Đến Phuket, không khí nặng nề bao trùm. Sân bay thì đông nghẹt không thể tả. Sân bay này bị đóng cửa một ngày trước đó vì vụ tai nạn và giờ các hành khách mắc kẹt mới được bay khỏi hòn đảo này. Tôi cùng 2 đồng nghiệp sau khi ghi nhận tình hình ở đây xong vội chạy đến ngay cuộc họp báo của Thủ tướng lâm thời Surayuth Chulanont (lúc đó là thủ tướng tạm quyền của Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2006). Thủ tướng có vẻ mệt mỏi và căng thẳng. Ông công bố một vài thông tin rồi quay ra lại máy bay về Bangkok. Tôi chạy theo, cố gắng phỏng vấn vài câu. Ông chưa kịp nói câu nào thì bảo vệ đẩy tôi ra để ông lên máy bay. Trông ông rất mệt mỏi.

Ngày hôm sau xong việc, tôi quay về lại Bangkok cũng với One-Two-Go và cũng chính là loại máy bay hôm trước bị tai nạn. Bố mẹ tôi biết tôi bay xuống Phuket gọi điện càm ràm cho một trận nhưng biết sao giờ. Đó là công việc.

air38

Tôi vẫn không sợ đi máy bay hay tai nạn gì cả. Vẫn tỉnh rụi. Thỉnh thoảng trên những chuyến bay gặp nhiễu động, tôi cũng hơi hồi hộp. Mặc dù không sợ nhưng tôi luôn quan sát các hướng dẫn an toàn khi lên máy bay, như một cách để nhớ các thủ tục. Tôi coi mỗi lần như vậy là mỗi lần học để ghi nhớ. Nhất định không chủ quan.

Có lần đi máy bay từ Chiang Mai về Bangkok với Thai Airways, đoạn đi qua miền đông bắc Thái Lan, thời tiết xấu làm máy bay rơi tự do 3 lần, mỗi lần vài giây. Cũng may lúc đó hành khách ăn xong hết rồi. Một vài người còn để ly nước trên bàn ăn thì bị nước hất vào người. Ly cốc rơi xuống sàn. Cú rơi tự do không quá nặng và cũng không ai bị hất tung lên sàn nhưng một tấm trần trong khoang máy bay bị bung ra. Mấy đồng nghiệp nữ người Trung Quốc đi cùng chuyến bay sợ tím tái mặt mày, chắp tay cầu nguyện. Tôi vẫn tự nhủ: “Không sao đâu. Ổn rồi”.

Công việc đưa tin của tôi khiến tôi nhiều lúc phải đối diện với các vụ tai nạn, trong đó có tai nạn hàng không. Sau vụ One-Two-Go năm 2007 thì có vụ của Bangkok Airways năm 2009. Đó là chuyến bay 266 và loại máy bay là ATR-72. Chiếc này gặp nạn trong thời tiết mưa bão khi hạ cánh xuống sân bay Samui.

Cũng là ATR-72, năm ngoái tôi lên chiếc máy bay cánh quạt này của Vietnam Airlines để bay từ Đà Nẵng đi Buôn Mê Thuột. Hành khách đã lên máy bay hết. Tuy nhiên, điện trong máy bay có vấn đề, lúc bật, lúc tắt. Cơ trưởng thông báo bằng tiếng Anh rằng máy bay bị trục trặc và hành khách phải quay lại nhà ga. Chuyến bay có thể trễ ít nhất 1 tiếng. Hầu như không ai hiểu cơ trưởng nói gì. Trên máy bay đa số là hành khách trung niên, bay nối chuyến từ Vinh. Tiếp viên trưởng lập tức lên buồng lái và quay lại, thông báo bằng tiếng Việt rằng hành khách phải quay lại nhà ga.

Nửa tiếng sau, máy bay sửa xong. Hành khách được gọi quay trở lại máy bay nhưng vài người quyết định bỏ chuyến không bay nữa. Vài người cười khẩy: “Giày dép còn có số. Lo gì”. Khác với lần lên máy bay đầu tiên, lần này chẳng ai chen chúc nữa. Ai cũng vui vẻ nhường cho người khác lên trước. Dường như họ đang nấn ná ở lại mặt đất càng lâu càng tốt để suy nghĩ xem có nên quyết định lại không? Tôi không biết, chỉ đoán vậy. Chuyến bay hôm đó không êm lắm. Nhiều đoạn máy bay lắc mạnh, tôi nghĩ do thời tiết. Cả khoang máy bay im lặng. Tôi và người đi cùng nhìn nhau cười gượng gạo, những hành khách khác nhìn sau với vẻ dò xét.

Máy bay đáp xuống sân bay Buôn Mê Thuột. Phố núi lộng gió. Khi máy bay dừng lại hẳn, nhiều hành khách thở phào, buột miệng nói: “Hú hồn, nãy giờ ngồi trên máy bay không dám nói gì”.

Mấy ngày sau đó, một chiếc ATR-72 của Lao Airlines gặp nạn. Tôi và người nhà tỏ ra lo lắng vì tháng sau đó chúng tôi dự định đi Lào, cũng sẽ phải bay bằng ATR-72. Sự lo lắng được bồi thêm bằng vụ máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines rơi bánh ở càng trước. Chúng tôi quyết định dời chuyến bay sang năm 2014.

10422948_888302597852518_280705650479127152_n

Sang năm 2014, nhiều tin tức không vui về hàng không xảy ra. Cú sốc to lớn đầu tiên là MH370. Đó là lúc gia đình tôi đang lên kế hoạch đi Maldives vào mùa hè và sẽ bay tới Malaysia Airlines vì giá vé rẻ. Chúng tôi đã đắn đo, nhưng tôi tặc lưỡi “Chắc không sao”. Thậm chí trước khi bay, tôi còn đùa trên Facebook là “Chuyến bay MH177 thẳng tiến Ấn Độ Dương”.

Tôi vẫn tin cuộc sống của mỗi người đã có sự sắp đặt. Lúc tôi còn nhỏ và ở Nha Trang, cú sốc về tai nạn máy bay đầu tiên mà tôi trải qua là vụ tai nạn máy bay Yak-40 của Vietnam Airlines. Chiếc này trên đường bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang thì bị nạn ở thung lũng Ô Kha. Chỉ có một người sống sót. Sốc ở chỗ, trên chuyến bay có một người quen của gia đình thường qua nhà tôi chơi. Hôm đó, đáng lẽ chú ấy sẽ đi tàu về Nha Trang nhưng không hiểu sao lại đổi ý, quyết định đi máy bay.

Ngay cả khi nghe tin chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi, tôi đã rất sốc nhưng không vì thế mà tôi sợ đi máy bay. Xưa nay tôi vẫn cảm thấy máy bay là phương tiện di chuyển an toàn nhất và có tỉ lệ tai nạn ít nhất.

Nhưng trên hết, những vụ tai nạn máy bay đem lại cho tôi bài học rằng: “Khi chúng ta bước lên một chiếc máy bay, chúng ta chỉ khác nhau về chỗ ngồi, hạng ghế và tiêu chuẩn được phục vụ. Còn lại, chúng ta bình đẳng với nhau về vấn đề an toàn. Cuộc sống cũng vậy, chúng ta có thể sinh ra trong các hoàn cảnh khác nhau, giàu nghèo khác nhau, may mắn hay bất hạnh nhưng cuối cùng thì ai cũng trở về với cát bụi mà thôi. Vậy tại sao lúc sống không cư xử tốt với nhau? Cầu chúc những điều kỳ diệu nhất cho những con người đang mất tích. Cầu chúc cho thế giới tốt đẹp hơn”.

1655511_828196293863149_850294688_o

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment