Đông Timor: Phận người Việt làm ăn xa xứ

Anh hỏi tôi làm gì lặn lội qua cái xứ xa xôi này mà du lịch. Tôi hỏi anh định mệnh nào đưa anh trôi dạt đến mảnh đất xa xứ này kiếm sống. Chúng tôi đang thắc mắc về sự xuất hiện của người kia tại đất nước Đông Timor tận cùng Đông Nam Á mà có khi chẳng ai hay biết.

Đó là một buổi chiều tháng 6-2016 ở thủ đô Dili, Đông Timor (Timor Leste). Trời xầm xì, mây đen kéo đến vần vũ. Lẽ ra vào thời điểm này, Timor đã phải đón ánh nắng chan hòa suốt cả ngày thay vì những cơn mưa bất chợt như thế. Tôi thì đang trên đường đi xuyên phía nam Đông Nam Á, khám phá những nơi ít người mò tới. Tôi đặt chân đến Đông Timor như một cái duyên, cũng có thể nặng nợ từ lời hứa với ông cựu tổng thống Đông Timor những năm về trước.

Hôm ấy là ngày cuối cùng tôi ở Đông Timor. Sáng hôm sau tôi sẽ phải bay về Bali rồi từ đó về Kuala Lumpur. Tôi chọn ngày cuối cùng để thăm tượng chúa Jesus trên một ngọn núi ở Dili, Cristo Rei of Dili. Từ khách sạn, tôi gọi một chiếc taxi xanh, loại taxi chất lượng và bạn có thể tin tưởng tuyệt đối ở Dili chứ không phải taxi chạy rong ngoài đường có thể chém bạn đứt cổ nếu bạn không biết trả giá.

Đường chạy ra Cristo Rei of Dili đi dọc bờ biển. Con đường dọc bờ biển này khiến tôi nhớ Nha Trang vào những năm 1980. Giống lắm. Những khoảng không gian nho nhỏ đầy cây xanh hướng ra biển, nơi những người dân hóng mát hoặc tập thể dục.

Đường bờ biển ở Dili.

Thế rồi, ở một đoạn bãi biển, tôi bất ngờ bảo tài xế taxi quay đầu xe lại. Cái gì thế này? Nhà hàng Việt Nam NEW SAIGON. Ở cái chốn nghèo nàn lạc hậu và người Việt còn chẳng mấy ai biết đến lại có một nhà hàng Việt Nam ư? Tính tò mò trỗi dậy. Tôi ghé vào quán và bảo người lái taxi đợi. Anh tài xế cực thoải mái và đồng ý.

Bước vào quán, tôi cứ ngỡ đang ở một quán nào đó ở Việt Nam nhiều năm về trước. Nó được bài trí sặc sỡ, vui nhộn nhưng cũng có nét tạm bợ, quê mùa. Từng bức tranh, từng chiếc quạt giấy có hình phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, chữ Saigon gắn đèn LED nhấp nháy. Tất cả toát lên nét Việt Nam trong đó.

Ông chủ chạy ra chào tôi bằng tiếng Anh. Tôi hỏi: “Anh là người Việt ạ? Em cũng người Việt đây”.

Rồi anh hỏi tôi làm sao mà biết đất nước xa xôi này để đi du lịch? Tôi thì hỏi anh sang đây từ khi nào, cuộc sống ổn định không. Anh là Trần Công Nghĩa, nhà ở TP. Hồ Chí Minh, mà ngay gần nhà tôi nữa chứ. Câu chuyện bắt đầu vào mạch.

Anh nghĩa sang Đông Timor cách đây 15 năm cùng 1 người dì, phụ giúp bà công việc. Năm 2002 cũng là năm đất nước non trẻ Đông Timor độc lập, chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử. Đó cũng là lúc anh Nghĩa phải trải qua và hứng chịu những giai đoạn bất ổn tại đất nước xa xôi này. Bươn chải bao năm thì hiện nhà hàng New Saigon cũng khá ổn định. Anh sống cùng vợ là chị Dung cùng các con. Thỉnh thoảng anh và gia đình có về thăm quê hương.

Anh kể, làm nhà hàng ở Dili đôi khi cũng cực vì thiếu người làm. Người Đông Timor thì lười, mình lại không thể la mắng hay ép họ làm việc nhiều được. Nếu mà mình ép họ hay la mắng họ là họ sẽ gọi chính quyền tới nhờ can thiệp. Anh nói luật bên này bảo vệ người lao động như vậy nên nhiều khi cũng khó cho quán. Họ cũng không gắn bó với công việc. Không thích làm nữa thì nghỉ. Cũng may, quán có người bà con quen sang phụ anh.

Kháhc hàng của quán ngoài người địa phương, người nước ngoài và 1 số người Việt đang làm việc tại Đông Timor thì thỉnh thoảng có những thuyền viên Việt Nam đi ngang, biết tiếng quán nên ghé vào.

Chụp ảnh cùng anh Nghĩa.

Ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Anh nói đáng lẽ tháng này phải hết mưa rồi. Trên TV vang lên những bài nhạc Việt buồn réo rắt. Tôi nhấp ngụm cà phê đen Việt Nam. Còn anh thì quay vào bếp lui cui làm đồ ăn. Hôm ấy tôi gọi cơm cá kho tộ, canh chua và bánh xèo. Ngang dọc Đông Nam Á cả tuần, tôi thực sự thèm đồ ăn Việt Nam. Dọc đường vô tình gặp hương vị quê hương thật quý giá. Món cá kho tộ đậm đà đến chết ngất. Món canh chua sao mà gần gũi đến thế. Món bánh xèo làm tôi nghĩ hay thôi không tiếp tục hành trình nữa mà bỏ hết quay về Việt Nam.

Anh Quang pha cà phê.

Rồi thì cũng đến lúc chia tay. Tôi hẹn anh 1 ngày gặp lại. Có thể là ở Sài Gòn, hoặc cũng có thể ở tại Dili này khi tôi có dịp quay lại. Biết đâu được.

Trên đường đời, có những người chúng ta vô tình gặp, để họ kể cho ta nghe những câu chuyện, để ta hiểu hơn về cuộc sống, về những mảnh ghép tạo nên thế giới đầy sắc màu này. Còn tôi, phần nào đó tôi có thể đồng cảm được với anh. Cũng làm việc ở nước ngoài nhiều năm, tôi có thể hiểu được cảnh làm việc xa xứ nhưng ít ra, anh còn có gia đình bên cạnh. Tuyệt vời lắm thay.

À, còn đây là trên đỉnh Cristo Rei of Dili nhìn xuống bãi biển hoang sơ.

Trên Cristo Rei of Dili nhìn xuống.

Video về chuyến đi Đông Timor:

Xem trọn bộ về Đông Timor tại đây.

Facebook Comments
Please follow and like us: