Du lịch miễn phí (P4): Bay thả ga với AirAsia ASEAN Pass

dulichmienphiseries

***Đây là một series bài viết dài dòng, nhiều chữ nhưng giải thích cặn kẽ về các vấn đề liên quan, cần sự kiên nhẫn của người đọc qua nhiều phần. Hãy cân nhắc trước khi tiếp tục!


Canh vé 0 đồng của AirAsia đôi khi rất cực. Canh vé 7 đồng nhiều khi cũng không bay được ngày mong muốn. Canh vé rẻ của AirAsia đôi khi bị cái bất tiện là phải đợi rất lâu mới tới ngày bay.

Có một cách khác bay hơi mắc hơn xíu (nhưng thật ra cũng là rẻ lắm rồi) và cũng chỉ cần đặt vé trước 14 ngày thôi, đảm bảo còn ghế. Và với tấm thẻ được gọi là ASEAN Pass của AirAsia này, các bạn tha hồ bay khắp nơi trong 10 nước ASEAN trong vòng 30 hoặc 60 ngày với chi phí không cao.

Ảnh: AirAsia

Nào bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu xem…

AIRASIA ASEAN PASS LÀ GÌ?

AirAsia ASEAN Pass (AAP) là một sản phẩm của hãng hàng không giá rẻ AirAsia cho phép bạn quy đổi số điểm có trong thẻ để lấy các chuyến bay đi đến các điểm đến của AirAsia trong khu vực ASEAN.

***Nói là thẻ vậy thôi chứ đó là thẻ ảo, thực chất là 1 mã số có trong tài khoản AirAsia của bạn.

AAP có 2 loại:

-THẺ 10 ĐIỂM giá 160 USD, bay trong 30 ngày:

Giải thích rõ hơn một chút: Thẻ này có thời hạn sử dụng 1 năm kể từ ngày mua thẻ. Trong vòng 1 năm kể từ ngày mua thẻ, bạn phải kích hoạt việc quy đổi chuyến bay đầu tiên. Sau thời gian này, nếu không quy đổi điểm, thẻ sẽ hết hiệu lực.

Sau khi đã kích hoạt chuyến bay đầu tiên với THẺ 10 ĐIỂM, bạn phải quy đổi điểm và bay các chuyến bay này trong vòng 30 ngày. Dù muốn hay không thì bạn không thể quy đổi các chuyến bay quá 30 ngày kể từ ngày kích hoạt chuyến bay đầu tiên vì hệ thống cũng tự khóa. 

-THẺ 20 ĐIỂM giá 290 USD, bay trong 60 ngày:

Tương tự, thẻ này có thời hạn sử dụng 1 năm kể từ ngày mua thẻ.

Sau khi đã kích hoạt chuyến bay đầu tiên với THẺ 20 ĐIỂM, bạn phải quy đổi điểm và bay các chuyến bay này trong vòng 60 ngày. 

***Mẹo nhỏ khi mua AAP: Trong những năm qua, đồng MYR (Malaysia ringgit) bị yếu đi nhiều nên việc mua thẻ AAP bằng đơn vị tiền tệ MYR rẻ hơn nhiều so với mua bằng đồng USD. Ở trang mua AAP có công cụ chọn loại tiền tệ khi mua. Ví dụ thẻ 10 điểm có giá 160 USD nhưng đối với đồng ringgit chỉ mất 499 MYR (tương đương 123,3 USD, tính theo thời điểm đầu tháng 8-2016). Lời mấy chục USD heng! Thẻ 20 điểm cũng có giá 888 MYR, tương đương 219 USD. Tính ra lời hơn 70 USD. Thấy ngon lành không các bạn. Tính ra đi nhiều, đi dài thì thẻ 20 điểm lợi ha!

Ảnh chụp Màn hình 2016-08-04 lúc 11.48.07 CH


MỘT CHUYẾN BAY CẦN BAO NHIÊU ĐIỂM AAP?

AirAsia quy định như sau đối với việc quy đổi điểm từ AAP:

-Đối với chuyến bay dưới 2 tiếng: 1 điểm AAP

-Đối với chuyến bay trên 2 tiếng: 3 điểm AAP

-Đối với các chuyến bay nội địa Indonesia, vì bị kiểm soát giá sàn theo quy định của chính phủ nên các chặng bay dưới 2 tiếng cần 3 điểm, các chặng bay trên 2 tiếng cần 5 điểm. Nói chung là các bạn đừng nên dùng điểm AAP đổi các chặng bay nội địa của Indonesia mà hãy mua vé của các hãng hàng không thay thế. Bay nội địa Indonesia thì có rất nhiều hãng, từ Garuda Indonesia cho tới Citilink, Lion Air, Batik Air, Sriwijaya Air, Nam Air, v.v…

Một số ví dụ về các chặng bay:

-Chặng bay dưới 2 tiếng (1 điểm AAP): TP. Hồ Chí Minh – Kuala Lumpur, TP. Hồ Chí Minh – Bangkok, TP. Hồ Chí Minh – Johor Bahru, Hà Nội – Bangkok, Kuala Lumpur – Singapore.

Chặng bay trên 2 tiếng (3 điểm AAP): Hà Nội – Kuala Lumpur, Đà Nẵng – Kuala Lumpur, Kuala Lumpur – Denpasar (Bali), Kuala Lumpur – Kota Kinabalu.

***Để biết các chặng bay trong mạng bay của AirAsia cần bao nhiêu điểm, hãy click vào đây.


QUY ĐỊNH QUAN TRỌNG KHI ĐỔI CHUYẾN BAY BẰNG AAP:

-AirAsia quy định trong phạm vi 1 thẻ AAP, bạn không thể bay 2 lần cho 1 chặng bay. Ví dụ:

Bạn đã quy đổi chuyến bay TP. Hồ Chí Minh đi Kuala Lumpur rồi thì bạn sẽ không được bay cùng đường bay này lần thứ 2 trong phạm vi 1 thẻ 10 điểm hoặc 20 điểm. Tuy nhiên, bạn lại có thể bay chặng ngược lại Kuala Lumpur đi TP. Hồ Chí Minh. Nếu muốn bay lại cùng 1 chặng thì bạn phải mua vé riêng hoặc… mua thẻ AAP khác.

Ví dụ: TP. Hồ Chí Minh –> Kuala Lumpur –> TP. Hồ Chí Minh: hợp lệ.

TP Hồ Chí Minh –> Kuala Lumpur –> Bangkok –> TP. Hồ Chí Minh –> Kuala Lumpur: không hợp lệ vì chặng TP. Hồ Chí Minh – Kuala Lumpur bay 2 lần.

-Sau khi đã kích hoạt và quy đổi chuyến bay đầu tiên, bạn không thể quy đổi chuyến bay khác sớm hơn chuyến bay đầu tiên đó. Ví dụ, sau khi quy đổi chuyến bay Kuala Lumpur – Jakarta ngày 1-9-2016, AAP sẽ tự hiểu đây là mốc đầu tiên cho hành trình. Bạn không thể quy đổi chuyến bay TP. Hồ Chí Minh – Kuala Lumpur vào ngày 31-8-2016. Vì thế, hãy nghiên cứu thật kỹ hành trình và lịch trình trước khi quy đổi để tránh rắc rối (như mình đã từng bị). Kinh nghiệm của mình là cứ lên lịch trình cho kỹ, ngày nào bay đi đâu rồi cứ đặt từng chặng một theo thứ tự. Tránh việc đặt chuyến này xong rồi muốn quay lại đặt chuyến cho ngày trước đó lại không được. 

-Cái này quan trọng: bạn phải đổi điểm trong AAP lấy chuyến bay trước ngày bay chuyến đó ít nhất 14 ngày. Mình khuyên các bạn nên lên kế hoạch trước và đổi vé từ 3 tuần đến 1 tháng trước chuyến bay để đảm bảo còn vé. Kinh nghiệm của mình cho thấy đặt sát tới giới hạn 14 ngày trước khi bay thì một số chặng hết sạch vé, ảnh hưởng đến chuyến đi rất nhiều.

-Việc quy đổi điểm AAP ra vé máy bay chưa bao gồm thuế và phí sân bay. Bạn sẽ phải thanh toán thêm khoản thuế và phí này. Các khoản thuế và phí ở sân bay Việt Nam, Singapore thì đắt, cỡ 25-33 USD chứ các sân bay ở Malaysia hay Indonesia thì rẻ lắm, khoảng vài USD à. Có lần mình bay nội địa Malaysia với AAP mà thuế 2 chiều có 4, 5USD gì đó. Tính ra cả cái vé và thuế chừng 300.000-350.000 đồng Việt Nam à.

Cho nên mình nói bay thả ga là vậy.


CÁC MẸO THÚ VỊ KHI BAY VỚI AAP:

-Khi nào nên đổi điểm trong AAP?

Đối với thẻ 10 điểm có giá 160 USD, tính ra mỗi điểm có giá 16 USD.

Đối với thẻ 20 điểm có giá 290 USD, tính ra mỗi điểm có giá 14,5 USD.

Vì vậy, khi đổi điểm một chuyến bay nào đó, đồng thời bạn hãy lên web của AirAsia để xem giá vé chuyến đó, ngày đó đắt hay rẻ. Nếu base fare (giá chưa bao gồm thuế và phí) của chuyến bay đó thấp hơn 16 USD (hoặc 14,5 USD đối với thẻ 20 điểm), thì bạn cứ vé bình thường, tiết kiệm điểm trong AAP.

Ví dụ: bạn muốn bay chặng TP. Hồ Chí Minh – Kuala Lumpur vào ngày 1-9-2016 với thẻ AAP (mất 1 điểm cho chặng này). 1 điểm tương đương 16 USD. Bạn kiểm tra giá vé trên web AirAsia thì thấy vé chỉ có 7 USD (chưa bao gồm thuế và phí). Trong trường hợp này, bạn hãy mua vé theo cách thông thường, tiết kiệm được 1 điểm kia, để dành cho việc đổi các chuyến bay khác.

Đối với chuyến bay cần 3 điểm, hãy xem phần base fare có thấp hơn mức 16 USD x 3 = 48 USD không nhé! Thấp hơn thì mua vé thường. Tương tự với thẻ 20 điểm, so sánh phần base fare với mức 14,5 USD x 3.

Nếu bạn mua AAP bằng MYR (theo mức giá mình nói phần trên), thì so sánh với mốc 1 điểm = 49,9 MYR (cho thẻ 10 điểm) hoặc 1 điểm = 44,4 MYR (cho thẻ 20 điểm) nhé!

-Tiết kiệm điểm trong AAP: Bay nhảy cóc

Đôi khi phải bay 1 chuyến bay trên 2 tiếng, bạn sẽ mất 3 điểm. Hơi phí nhỉ? Tuy nhiên, nếu đường bay và thời gian cho phép, bạn có thể xé lẻ chặng bay ra để bay nhảy cóc. Tức là bay 2 chặng dưới 2 tiếng để chỉ mất 2 điểm thay vì mất 3 điểm.

Ví dụ:

Hồi tháng 6 mình bay từ Kuala Lumpur đi Kota Kinabalu (chuyến bay trên 2 tiếng). Nếu bay thẳng, mình sẽ mất 3 điểm AAP. Vì thế mình đã chia nhỏ ra làm 2 chặng.

Chặng thứ 1 là Kuala Lumpur – Kuching (dưới 2 tiếng), mình mất 1 điểm.

Chặng thứ 2 Kuching – Kota Kinabalu (dưới 2 tiếng), mình mất thêm 1 điểm nữa.

Vị chi là 2 điểm. Như vậy, mình tiết kiệm được 1 điểm. Tất nhiên, mình đã tận dụng cơ hội này để lưu lại Kuching 1 ngày, khám phá luôn thành phố này, biết được bao thứ hay ho.

-Các chuyến bay được quy đổi từ điểm AAP cũng được cộng điểm vào tài khoản khách hàng thường xuyên BIG của bạn. Tìm hiểu BIG là gì? Xem tại đây. Ngoài ra, các khoản mua thêm như suất ăn, hành lý, chọn ghế ngồi cũng được cộng điểm vào BIG luôn.

-Mẹo quan trọng: Hành lý

Nếu dùng thẻ AAP, chuyến đi của bạn sẽ rất dài. 1 tháng, thậm chí là 2 tháng. Vì vậy hành lý bạn mang theo chắc chắn vượt quá 7kg. Khi đó bạn sẽ phải mua thêm hành lý. Chi phí này cũng không nhỏ. Nếu bạn xoay sở được hành lý xách tay ở mức 7kg thì… đi thôi.

Còn không, nếu phải mua thêm hành lý cho từng chặng, khi đó hãy cân nhắc và so sánh giá vé với các hãng khác cho gửi hành lý ký gửi miễn phí.

Riêng mình, hồi tháng 6 chuyến đi bằng thẻ AAP của mình dài nhất là 2 tuần nên mình xoay sở 7kg hành lý xách tay được. AirAsia còn cho xách thêm 1 túi hoặc ba lô đựng máy tính.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về AAP? Mời vào web của hãng tại: http://www.airasia.com/vn/vi/book-with-us/asean-pass/overview.page

Rồi đó, bay thả ga đi các bạn. Giờ tính toán chuyện khách sạn, chỗ ở, ăn uống, tham quan này kia thôi. 😀

Còn nếu bạn hỏi mình là AAP có ưu và nhược điểm gì? Trải nghiệm của mình là nó không có nhược điểm. Chỉ có điều là bạn sử dụng nó như thế nào cho kế hoạch bản thân thôi chứ AirAsia đưa ra quy định về AAP cực kỳ chặt chẽ!


HƯỚNG DẪN SƠ BỘ CÁCH MUA VÀ SỬ DỤNG: (còn lại các bạn tự mò nha vì dễ lắm luôn ý):

MUA:

-Truy cập vào trang web chính xác này: https://member.airasia.com/login.aspx?location=myAP

-Đăng nhập vào tài khoản BIG. Nếu chưa có BIG, hãy đăng ký miễn phí. BIG là gì và đăng ký như thế nào, xem tại đây.

-Bấm tiếp vô cái nút màu xanh to đùng “Mua thẻ AirAsia Asean Pass”.

-Ở trang kế tiếp, chỗ bước số 1, hãy chọn đơn vị tiền tệ. Mình khuyên chọn MYR cho rẻ nha (ít nhất kaf vào thời điểm này). Sau đó chọn loại thẻ 10 hay 20 điểm tùy nhu cầu.

-Ở bước số 2, chọn số lượng thẻ mà bạn muốn mua. Bạn có thể mua tối đa 5 thẻ 1 lần. Những thẻ này bạn có thể dùng hoặc chuyển nhượng cho người khác.

-Rồi, ở cuối trang đánh dấu check vào ô chấp nhận điều kiện, điều khoản rồi bấm nút mua. Xong ha!

DÙNG:

-Truy cập vào trang web này: https://member.airasia.com/login.aspx?culture=vi-VN

-Đăng nhập vào tài khoản BIG.

-Một trang mới mở ra, chính là giao diện tài khoản BIG của bạn. Nhìn xuống góc dưới bên phải, có cái ô ASEAN Pass đó. Bấm vào nút Mua/Quản lý ngay bây giờ.

-Khúc này quan trọng nè. Thẻ AAP bạn mới mua nên chưa được gán tên cho ai hết, kể cả bạn. Cho nên bạn phải gán tên. Sau khi bấm vào nút Mua/Quản lý ngay bây giờ thì kéo xuống bên dưới sẽ có cái thẻ bạn mua. Ở đó sẽ ghi: Status: New. Click here to edit. (hoặc tiếng Việt có nghĩa tương tự). Click vào đó để điền tên của bạn cũng như mã định danh (ID) BIG của bạn vào.

-Sau khi gán tên cho thẻ xong, bên dưới số 10 hay 20 to đùng sẽ có chữ “Redeem”. Nhấn vô đó để bắt đầu quy đổi chuyến bay.

-Trang web sẽ cho bạn biết chuyến bay bạn muốn đi hết bao nhiêu điểm, còn chuyến bay nào, giờ nào và số tiền thuế + phí bạn phải thanh toán là bao nhiêu. Bạn có thể mua thêm hành lý, suất ăn, bảo hiểm, chọn chỗ ngồi nếu muốn. Thanh toán xong thì vé sẽ được chuyển về e-mail của bạn.


Theo dõi Facebook của Travip tại fb.com/travel.w.travip để nhận được bài viết mới nhất.

bookpromo-cntd01

Facebook Comments
Please follow and like us: