Video: Giò chả Việt ở Thái Lan

Trên vùng đất Isaan giàu văn hóa truyền thống ở đông bắc Thái Lan, giò chả của người Việt đã không còn là món ăn xa lạ.

Chuyện người Việt làm giàu từ giò chả ở Isaan không phải là lạ. Gia đình của ông Vũ Mạnh Hùng là một điển hình. Ông Hùng – 61 tuổi, một Việt kiều sinh ra và lớn lên trên đất Thái – bắt đầu làm giò chả cách đây khoảng 30 năm và nay được coi là một “ông trùm” giò chả.

Sau dịp Tết Songkran, tôi gặp ông Hùng tại nhà ông ở tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái Lan. Khu vực này còn gọi là Isaan, nơi có nhiều Việt kiều sinh sống. Tôi may mắn có một buổi trò chuyện với ông Hùng hôm đó vì hôm sau là ngày lễ Phật, gia đình ông tạm ngừng việc làm giò chả vì không muốn sát sinh. Càng may mắn hơn khi gặp được ông ban ngày bởi thường thì ông làm ban đêm, ban ngày ngủ. Xưởng làm giò chả nhà ông bắt đầu hoạt động từ 12 giờ đêm mỗi ngày khi thịt heo tươi sống từ các lò mổ được đưa đến. Ông Hùng giải thích rằng phải làm ngay lúc ấy vì thịt còn tươi, chất lượng giò chả sau đó sẽ ngon hơn. Mọi việc thường kết thúc vào lúc 9 đến 10 giờ sáng hôm sau.

Ông Hùng khởi nghiệp với xưởng sản xuất thủ công quy mô nhỏ, sau nhờ quan hệ tốt với các nhà hàng trong vùng, công việc làm ăn trở nên thuận lợi hơn. Những năm về sau việc sản xuất được mở rộng, xưởng giò chả của gia đình ông Hùng đã được trang bị thêm máy móc. Công nhân trong xưởng (10 người) đều là dân Thái. Họ được trả lương cao và được gia đình ông bao ăn ở.

Vừa giải thích cách làm giò chả sao cho ngon, ông Hùng vừa dẫn tôi đi xem xưởng sản xuất. Khu vực xưởng không rộng lắm, nhưng thoáng mát và hợp vệ sinh. Trong xưởng có cả các tủ trữ giò chả để đợi lúc giao hàng. “Có lúc cao điểm, nhà tôi làm đến một tấn giò một ngày”, ông Hùng kể. Dịp Tết Songkran cổ truyền của người Thái vừa qua, gia đình ông cũng khá vất vả vì nhu cầu tiêu thụ giò chả khá lớn. Cách đây vài năm, gia đình ông từng cung cấp một lượng lớn giò chả cho Tập đoàn CP để phân phối trong các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Thái Lan. Hiện ngoài Bangkok, giò chả do gia đình ông sản xuất còn có mặt tại nhiều địa phương trên đất Thái, trong đó có cả Phuket. Giò chả Việt được người Thái gọi là “mủ giò” (“mủ” là heo) và từ lâu đã trở nên phổ biến, nhất là tại khu vực Isaan. Theo ông Hùng, giò chả được dùng làm nguyên liệu trong nhiều món ăn phổ biến của người Thái như các món trộn (yum), mì, hủ tiếu.

“Bây giờ việc làm giò chả của gia đình tôi đã thu hẹp lại một chút vì càng ngày càng có nhiều hộ ở đây tham gia sản xuất giò chả hơn”, ông Hùng kể. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thục, năm nay 59 tuổi, cũng là một người Thái gốc Việt, nói thêm: “Nhà tôi chắc làm giò chả thêm khoảng 5 năm nữa rồi thôi. Xem anh chị em, con cháu trong nhà ai làm tiếp được thì làm”. Đối với vợ chồng ông Hùng, cuộc sống của họ đến nay đã khá vẹn toàn. Hai người con của họ, một trai (30 tuổi), một gái (32 tuổi), nay đã thành đạt và đang làm việc tại thủ đô Bangkok.

Cho dù gia đình ông Hùng có tiếp tục làm giò chả trong thời gian tới hay không, ông cũng là người có công trong việc lưu giữ nét văn hóa quê hương và phần nào giúp quảng bá nó trên xứ người. Thú vị hơn khi được biết ông Hùng còn là thành viên Ban quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nong On, cũng thuộc Udon Thani. Khu di tích này đang được trùng tu để mở cửa trở lại đúng dịp sinh nhật Bác năm nay. Trong nhà ông Hùng có tượng Bác Hồ được đặt ở một vị trí trang trọng.

TRAVIP

(Bài viết đã được đăng trên Báo Thanh Niên – http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200817/236316.aspx)

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment