Hua Hin (2): Những năm tháng rực rỡ

3ladies

icon-hanhtrinhĐến ở một nước khác với nền văn hóa khác biệt đã là một khó khăn ban đầu, hòa nhập vào một môi trường quốc tế đa chủng tộc, đa văn hóa lại là một khó khăn kiểu khác. Ở Webster University Thailand (WUT) tôi học được nhiều từ “sự đa dạng văn hóa”.

WUT là một ngôi trường khác lạ. Mặc dù khi tôi học (2004-2006), sinh viên Việt Nam đông nhất trường, đông thứ 2 là Myanmar nhưng thật sự môi trường ở đây thú vị hơn tôi tưởng. Tôi có nhiều bạn bè đến từ Thái Lan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, cả những nước như Maldives, Croatia hay Cameroon. Nhiều chuyện cả vui cả buồn đã xảy ra nhưng trên hết, tôi cảm thấy mình may mắn vì hiểu được văn hóa của nhiều nơi trên thế giới.

Nước Thái thân thương

Nước Thái khá gần Việt Nam, chỉ cách một giờ bay. Văn hóa có thể nói là tương đồng nhưng có nhiều điểm cực kỳ khác biệt. Cái khác đầu tiên mà ai cũng phải để ý là cách chào hỏi của người Thái. Người Thái chào nhau bằng cách chắp tay. Họ chắp tay càng cao thì người họ đnag chào càng được cung kính. Người Thái khi đi ngang qua ảnh vua, đền chùa Phật giáo đều chắp tay chào.

Có lần, cô bạn tôi đi xe từ Hua Hin lên Bangkok chơi cuối tuần. Thỉnh thoảng, người ngồi cạnh cô cứ quay sang phía cô chắp tay chào. Cô ái ngại cũng chắp tay chào lại cho lịch sự mà chẳng hiểu nổi người phụ nữ kia bị làm sao mà cứ chào cô mãi. Hóa ra, suốt quãng đường, cứ đi qua đền chùa, người phụ nữ lại hướng về phía chùa hoặc tượng Phật chắp tay lạy.

Nước Thái cũng là một nước quân chủ lập hiến, tức vẫn còn nhà vua và hoàng gia. Nhà vua được người dân vô cùng tôn kính. Thái Lan cũng có luật phạm thượng để bảo vệ nhà vua và hoàng gia. Tội phạm thượng bị coi là một tội rất nặng ở Thái Lan với mức án từ 5 đến 15 năm tù cho mỗi tội phạm phải.

Có lần, chúng tôi đang ăn quán hủ tíu bên đường ở Hua Hin, một viên cảnh sát giao thông chạy lại bảo chúng tôi phải đứng dậy. Chúng tôi hỏi tại sao, anh ta đáp rằng nhà vua sắp đi qua. Mọi người phải đứng dậy để thể hiện sự kính trọng. Chúng tôi có người khá khó chịu nhưng vẫn phải đứng dậy. Bát hủ tíu để lâu không ăn trương phình lên. Về sau tôi nhận ra được bài học rằng: nhập gia tùy tục. Về sau, khi đi xem phim hay ca nhạc mà nhạc hoàng gia mở đầu buổi diễn được bật lên, tôi cũng đứng dậy như mọi người trong rạp. Gặp người hoàng gia tôi cũng cúi đầu chào. Đi làm việc mà ở đó có công chúa hay hoàng tử xuất hiện, tôi cũng buộc phải mặc quần áo chỉnh tề, đúng quy cách. Tôi không thấy khó chịu về điều đó. Trải nghiệm 1 phần văn hóa Thái Lan đem lại một cảm giác thú vị và cũng để hiểu người Thái, xã hội Thái hơn.

Sống ở Hua Hin 2 năm khiến tôi hiểu nhiều thứ về văn hóa Thái Lan hơn, những thứ mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ chẳng học được nếu ở chốn Bangkok hiện đại. Mùa tết cổ truyền Songkran đến, cả trường xem ra rất nhộn nhịp. Mọi người đều tham gia vào trò tạt nước nhau và chẳng ai tỏ ra giận dữ nếu bị ướt sũng cả. Những cô lao công người Thái thường nấp xong những cây cột ở hành lang, đợi sinh viên nước ngoài đi ngang qua để tạt nước. Đang đi trong khuôn viên trường mùa Songkran mà nghe cô sinh viên nào la toáng lên là biết cô đó vừa bị tạt nước xong. Ở nơi ở, đám sinh viên nghịch ngợm lấy súng nước bắn nhau tung tóe trong phòng và hành lanh gây ồn ào. Bảo vệ mấy lần phải lên nhắc nhở.

Một giáo viên người Anh trong trường càm ràm rằng khi xưa người Thái chỉ rẩy nước nhẹ lên người nhau để lấy hên thì bây giờ người ta thậm chí dùng vòi rồng để xịt nhau. Anh thầy giáo lắc đầu ngao ngán.

Sinh viên Việt Nam diễn vở kịch Sự tích Trầu Cau bằng tiếng Anh. Trong hình là tôi, lúc đó tham gia vở diễn.
Sinh viên Việt Nam diễn vở kịch Sự tích Trầu Cau bằng tiếng Anh. Trong hình là tôi, lúc đó tham gia vở diễn.
Sinh viên Việt Nam diễn vở kịch Sự tích Trầu Cau bằng tiếng Anh.
Sinh viên Việt Nam diễn vở kịch Sự tích Trầu Cau bằng tiếng Anh.

Những mảnh ghép văn hóa

Vì WUT có đông sinh viên của tất cả các nước nên nhiều chuyện vui buồn cũng xảy ra. Có lúc sinh viên Nepal cãi cọ với sinh viên Ấn Độ. Đã có vụ đốt cờ Ấn Độ dán trước cửa phòng gây xôn xao. Rồi vài vụ xích mích nhau vì khác biệt văn hóa.

Có lần, sinh viên Việt Nam dùng e-mail của trường để thông báo cho nhau về việc tổ chức Tết nguyên đán. Vì không nhớ hết được e-mail của tất cả mọi người, chúng tôi đã dùng địa chỉ gửi thư tự động đến toàn bộ địa chỉ e-mail trong trường nhưng có ghi chú rõ là e-mail dành cho sinh viên Việt Nam mà thôi. Bức thư được ghi bằng tiếng Việt.

Cô hiệu trưởng sau đó nhắc nhở rằng chúng tôi không được dùng tiếng Việt trong hệ thống e-mail của trường mà nên dùng tiếng Anh. Sinh viên Việt Nam chưa kịp lên tiếng thì sinh viên các nước, kể cả sinh viên Mỹ đã nhao nhao lên phản đối. Sự phản đối có sự tham gia của một số giáo viên. Mọi người cho rằng đây là ngôi trường tôn vinh sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ cũng là văn hóa nên sinh viên Việt Nam có quyền dùng tiếng Việt trong hệ thống e-mail nhà trường. Thế là nhà trường phải có một buổi họp sinh viên lại. Mọi chuyện đâu cũng vào đấy.

Sinh viện Việt Nam mặc áo dài đến trường trong ngày mùng 1 Tết.
Sinh viện Việt Nam mặc áo dài đến trường trong ngày mùng 1 Tết.
Sinh viên Việt Nam tại WUT sau buổi diễn.
Sinh viên Việt Nam tại WUT sau buổi diễn.

100_3099 DSCN0492 DSCN0477

Những bài học về sự đa dạng văn hóa không dừng lại ở đó. Tôi đã được trải nghiệm rất nhiều từ một môi trường đa quốc gia, đa chủng tộc, đa văn hóa. Hàng năm, nhà trường có tổ chức một buổi văn nghệ với sự tham gia của tất cả sinh viên các nước. Chương trình có tên “A collage of cultures” (tạm dịch: Những mảnh ghép văn hóa). Thời gian đó, sinh viên Việt Nam đông nên năm nào cũng có vài tiết mục hoành tráng, từ ca múa hát, thời trang cho đến kịch.

Năm đầu đến trường, tôi mạnh dạn đăng ký tham gia vào ban tổ chức chương trình. Công việc của tôi là làm truyền thông cho chương trình, bao gồm chụp ảnh, làm loạt áp phích cho chương trình, cả thiết kế biểu trưng và sân khấu. Đó là một cơ hội tuyệt vời để tôi làm việc nhóm với sinh viên các nước khác và cũng để luyện tiếng Anh. Sau chương trình, khả năng tiếng Anh của tôi tốt lên trông thấy.

“Công trình” làm truyền thông và poster cho chương trình được bà giáo sư trưởng khoa truyền thông và cô hiệu trưởng chọn gửi đi dự thi giải hàng năm của Hiệp hội các nhà truyền thông kinh doanh quốc tế (IABC) ở Mỹ. Tôi được 2 giải: một giải cho hạng mục sinh viên và 1 giải phụ, không phải vì thiết kế mà vì ý tưởng. Thế nhưng, phần thưởng lớn hơn đối với tôi là những trải nghiệm tuyệt vời trong môi trường văn hóa đa dạng ở WUT, những người bạn, những mối quan hệ mà tôi vẫn còn giữ đến bây giờ. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi đến Ấn Độ, Nepal, Bhutan hay như cả Maldives, tôi đều có bạn bè tiếp đón.

1923205_138784925314_5503815_n 1923205_138784910314_6691524_n

Các poster tôi làm cho chương trình “A Collage of Cultures” của trường

1923205_139293175314_8251316_n 1923205_139293185314_2924288_n 1923205_139293200314_2880746_n 1923205_139293205314_38778_n 1923205_139293225314_2872213_n 1923205_139293210314_1593074_n 1923205_139293240314_4561858_n 1923205_139293235314_6558502_n 1923205_139293230314_4945065_n

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment