Hua Hin yêu thương (phần 1)

wut05

icon-hanhtrinhNếu như Thái Lan chiếm hết 7 năm trong cuộc đời tôi thì Hua Hin chiếm 2 năm rưỡi. Nhiều kỷ niệm trong cuộc đời tôi gắn bó với mảnh đất này, không chỉ vì nó nhỏ bé, thanh bình mà vì nó còn là nơi đầu tiên ở nước ngoài mà tôi sống lâu đến vậy.

Lúc nhỏ, tôi tưởng tượng xem nếu sau này mà ở nước ngoài cỡ vài năm đi du học, đi làm thì nó sẽ như thế nào nhỉ? Mà chưa cần ở lâu, chỉ cần đi nước ngoài thôi là đã thích lắm rồi. Lúc bé, gia đình tôi chẳng có điều kiện, tình hình kinh tế chung của đất nước trong những năm vẫn bị cấm vận trong những năm đầu đổi mới thì ước mơ chỉ là mơ ước.

Khi lớn lên một chút, đi học đại học, tôi cũng không mấy quan tâm đến cơ hội đi nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, tôi ước mơ mở một công ty thiết kế đồ họa, công việc mà tôi đã đi làm thêm suốt thời sinh viên. Rồi cái công ty mà tôi định mở chẳng đi đến đâu. Bố mẹ tôi bắt tôi đi du học. Bán máy tính để bàn, thứ duy nhất mà tôi đầu tư vào cái công ty định thành lập, tôi mua một chiếc máy tính xách tay cũ kỹ, gom hết tiền làm thêm từ thời đại học và lên đường. Đích đến là Thái Lan, trường học là Webster University Thailand nằm ở Cha-am/Hua Hin.

Tôi chưa từng nghe về nó, chưa từng nghe đến cái nơi cách Bangkok 220km. Lúc đó tôi cũng chẳng buồn tưởng tưởng xem nó ra sao bởi điều tôi quan tâm hơn là ngôi trường sẽ ra sao, môi trường đông bạn bè quốc tế sẽ như thế nào, rồi chuyện học nữa. Rồi ngày đi cũng đến. Ra sân bay tiễn tôi có mẹ, cô bạn thân và thằng em chơi thân từ hồi học phổ thông. Lúc đó tôi mới hiểu cảm giác của một người sắp đi nước ngoài một thời gian dài.

wut03

wut02

Trường tôi học không có ký túc xá riêng. Nhà trường thuê các phòng trong một khu căn hộ 22 tầng cho sinh viên ở. Tôi vô cùng thích thú vì tòa nhà này nằm ngay sát bãi biển, nơi tôi có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn đồng quê Thái Lan thanh bình. Tôi thầm nghĩ, học ở đây là đúng rồi, vừa yên tĩnh, vừa cách xa Bangkok xa hoa nhộn nhịp. Tôi gọi điện về cho bố mẹ, nói đùa rằng tôi đang đi du lịch chứ không phải du học.

Bãi biển nơi tôi ở không đẹp như biển ở Việt Nam, có thể nói là xấu hơn nhiều nhưng tôi rất thích không gian ấy. Từ trên tầng cao nhìn ra xa có thể thấy được một bãi biển trải dài vô tận. Mỗi sáng sớm thức dậy, chỉ cần bước ra ban công là tôi có thể nhìn thấy mặt trời mọc từ phía chân trời. Vào những ngày lễ hội, bên biệt thự của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra lại bắn pháo hoa tưng bừng. Đám sinh viên lại được hưởng ké tí không khí.

Ngôi trường của tôi nằm trong một khu rừng. Nói thế nào nhỉ? Không hẳn là một khu rừng rậm rạp cây cối nhưng vùng thôn quê thì chỗ nào chẳng nhiều cây. Trường cách chỗ ở 15 phút đi xe và hàng ngày có các chuyến xe buýt đều đặn mỗi giờ đưa chúng tôi đi học. Quãng đường từ nơi ở đến trường là một khoảng thời gian tuyệt vời khi tôi ngồi thư giãn trên xe buýt, cắm máy nghe nhạc vào tai và nhìn ngắm khung cảnh thanh bình của làng quê Thái, quan sát xem họ sinh hoạt như thế nào. Đôi lúc tôi cũng bắt gặp cảnh người dân quê Thái ra đường nhảy múa vui như hội. Đối với tôi, đó là một góc khác rất thú vị của nước Thái bên cạnh hình ảnh Bangkok hay Pattaya náo nhiệt.

wut01 wut04

Ngôi trường trong mắt tôi là một nơi xinh xắn không thể tả. Bao quanh ngôi trường là cây cối um tùm xanh mát, không khí trong lành. Thỉnh thoảng có vài chú bò của nhà dân đi lạc vào. Có lúc không gian yên ắng bị phá vỡ bởi tiếng la toáng lên từ một phòng học. Thì ra một chú rắn dễ thương xuất hiện trong lớp làm mọi người hoảng hồn. Thiên nhiên thế còn gì. Hihi.

Quanh trường, cảnh sắc thiên nhiên bao lần làm tôi ngây ngất. Rừng cây, hồ nước, đồng cỏ, mọi thứ đều rất tự nhiên. Cảnh đẹp như vậy mà không chụp thì phí. Tôi để dành tiền mua được chiếc máy ảnh du lịch Kodak và cũng từ đó các chuyến đi ngắn chụp ảnh quanh trường bắt đầu. Những buổi không có lớp, tôi rủ con em gái hoặc mấy người bạn tha thẩn ở những nơi quanh trường để chụp ảnh. Hoặc không, có lúc tôi nói tài xế xe buýt dừng lại để tôi xuống xe giữa đường để chụp ảnh rồi tự đi bộ về trường sau. Như vậy có giống đi du lịch không? Du học gì nữa?

wut06 wut07

 (Còn tiếp)

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment