Lâu lắm rồi kể từ khi đưa gia đình đi hành hương ở đất Phật thì bây giờ mình mới ngồi lại viết chút kinh nghiệm và kể câu chuyện hầu mấy bạn.
***Có 3 video phía cuối bài
Lần đầu mình đưa gia đình đi hành hương là năm 2013. Hành trình hơi vòng vèo một chút nhưng mình muốn nhà mình đi qua một lần.
Hành trình 1: Nepal-Ấn Độ ( mình kể sơ lược thôi, chủ yếu là Hành trình 2 bên dưới)
Ngày 1: Bay từ Bangkok sang Kathmandu (Nepal). Trưa tới nơi, chiều thăm thú vài điểm đền chùa.
Ngày 2: Buổi trưa bay từ Kathmandu đi Lumbini (Nepal), nơi Đức Phật ra đời. Đi thăm chùa chiền. Có một ngôi chùa Việt Nam tại đây. Một số nước cũng có chùa ở Lumbini (Lâm Tì Ni) như Trung Quốc, Thái Lan.
Chùa Việt Nam ở Lumbini
Ngày 3: Thăm di tích nơi Đức Phật sinh ra, ngồi thiền dưới tán cây bồ đề lớn ở đó.
Ngày 4: Thuê xe rời Lumbini, vượt biên giới qua Ấn Độ bằng đường bộ (vì vụ này mà phải tới lãnh sứ quán Ấn Độ ở TPHCM để xin visa chứ không xin visa điện tử được (vốn chỉ áp dụng cho đường không). Qua biên giới Ấn, xe đi tới trưa thì đến Kushinagar (Câu Na) là nơi Đức Phật nhập niết bàn.
Sau đó xe đi tiếp đến Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Đến tận tối đêm mới về đến khách sạn nên cả nhà không thăm thú gì nữa.
Ngày 5: Buổi sáng cả nhà đi Đại giác ngộ tự (Mahabodhi Temple), địa điểm linh thiêng nơi có cội cây bồ đề mà ở đó Đức Phật đã giác ngộ. Buổi trưa và chiều cả nhà đi thăm thêm một vài điểm ở Bồ Đề Đạo Tràng rồi đi Rajgir (Thành Vương Xá), lên núi Linh Thứu (Gridhakuta), nơi Đức Phật đến thuyết giảng nhiều lần.
Đại giác ngộ tự ở Bồ Đề Đạo Tràng
Cáp treo lên núi Linh Thứu
Ngày 6: Thăm lại Đại giác ngộ tự và chiều bay đi Kolkata.
Ngày 7: Thăm thú Kolkata. Tối ra sân bay về lại Bangkok.
Đó là hành trình sơ lược. Bản thân mình không rành nhiều về đạo Phật và chỉ dẫn gia đình đi. Có thêm một số điểm như Sarnath thì mình chưa đi.
Mấy lần sau, nhà mình chỉ tập trung đi Bồ Đề Đạo Tràng mà thôi nên trong khuôn khổ bài này mình nói về hành trình này thôi nhé.
Đại giác ngộ tự ở Bồ Đề Đạo Tràng
Bồ Đề Đạo Tràng là một điểm hành hương quan trọng của nhiều người theo đạo Phật. Ở Ấn Độ chỉ có 1 đường bay độc quyền của Air India từ New Delhi và Kolkata thôi nên đi lại cũng không có sự lựa chọn nào khác. Đối với đường bay quốc tế thì cũng không thực sự nhiều. Có các chuyến bay theo mùa hoặc cách ngày từ Colombo (Sri Lanka), Kathmandu (Nepal), Yangon (Myanmar), Bangkok (Thái Lan), v.v… Từ Việt Nam bay qua Thái rồi bay tiếp đi Bồ Đề Đạo Tràng nghe có vẻ tiện nhưng không tiện lắm vì phải nghỉ ở Bangkok một đêm, vé lại không rẻ.
Cách mình hay làm là bay 1 lèo sang New Delhi (với Malaysia Airlines hoặc Jet Airways liên danh với Vietnam Airlines), sau đó bay tiếp đi Bồ Đề Đạo Tràng sáng hôm sau. Đằng nào cũng mất 1 đêm để nghỉ mà giá vé nhiều sự lựa chọn hơn. Các bạn cũng có thể bay đến New Delhi với AirAsia hoặc Malindo Air nhé. Thỉnh thoảng vé cũng tốt. Singapore Airlines cũng là một lựa chọn.
Nếu bạn có ý định đi luôn Bồ Đề Đạo Tràng thì nên đặt khách sạn gần sân New Delhi để sáng hôm sau ra sân bay cho tiện. Còn đây là hành trình của mình hồi tháng 12 vừa qua.
Hành trình 2: Bodhgaya-Pune
Ngày 1: Hà Nội-Bangkok-Delhi
Mình bay từ Hà Nội vì còn đón họ hàng. Chuyến bay mình mua của Jet Airways từ Hà Nội đi New Delhi nhưng chặng Hà Nội-Bangkok là liên danh với Vietnam Airlines. Giá vé mua lúc đó là 430$ khứ hồi. Quá chất! Hành lý ăn uống đầy đủ.
Máy bay đáp xuống New Delhi vào đêm muộn. Mình chạy đến quầy e-visa làm thủ tục nhập cảnh (khá nhanh) và sau đó ra bên ngoài lấy hành lý, đổi tiền, mua 3G rồi về khách sạn gần sân bay. Khách sạn tàm tạm, ở đại để hôm sau ra sân bay cho tiện.
Mình đã bay với Jet Airways liên danh với Vietnam Airlines
Bữa ăn trên chặng Hà Nội-Bangkok của Vietnam Airlines
Bữa ăn trên chặng Bangkok-Delhi của Jet Airways
Ngày 2: Delhi-Bodhgaya
Sáng hôm sau mình ăn sáng xong rồi đủng đỉnh ra sân bay. Chuyến bay gần trưa nên không phải dậy sớm. Các bạn đi máy bay ở Ấn Độ chuẩn bị tinh thần là họ kiểm tra an ninh nhiều lớp nhé. Hơi mệt tí nhưng đảo bảo an toàn.
Bay chừng 1 tiếng 30 phút thì tới Gaya. Từ sân bay về khách sạn ở Bodhgaya tài xế taxi sẽ chơi chặt chém một tí. Bạn có thể thương lượng giá. Mình trả giá từ 1.000 rupee xuống còn 700 rupee (không bao gồm phí bến bãi sân bay là 100 rupee trả riêng lúc ra cổng).
Về khách sạn xong thì cả nhà mình nghỉ ngơi tới chiều và sau đó ra Đại giác ngộ tự. Khách sạn mình đã chọn ở gần đền nên có thể đi bộ ra được. Lần trước mình ở một khách sạn gần chùa Việt Nam (Hotel Om International), cũng có thể đi bộ ra mà đợt này hết phòng nên ở nơi khác. Lần này mình ở Hotel Sakura House. Khách sạn ở Bodhgaya thì các bạn đừng trông đợi gì nhiều. Ít khách sạn tốt và thường thì chuẩn sao luôn phải trừ đi 1. Ví dụ khách sạn 3 sao thì trừ đi 1 sao hoặc 2 sao.
Đại giác ngộ tự ở Bồ Đề Đạo Tràng
Đợt này Đại giác ngộ tự khá đông đúc. Đến ngôi đền này các bạn cũng phải chú ý mấy điểm sau đây:
- Máy tính, máy tính bảng, điện thoại và các thiết bị điện tử, phát sóng khác bị cấm đem vô đền.
- Máy ảnh và máy quay phim được đem vô nhưng phải mua vé riêng (100 rupee)
- Va li, ba lô lớn cũng không được đem vô
- Trước khi vô đền hành lý tư trang đều phải đưa qua máy soi để kiểm tra. Năm 2013 ngôi đền bị đánh bom rồi nên người ta cẩn thận lắm.
- Vô đền thì mọi người sẽ cởi hết giày dép ra và để trước cổng đền. Yên tâm là để đó không bị mất và cũng chẳng ai lấy đâu. Tuy nhiên nếu sợ lạnh và sợ dơ chân, nhất là mùa xuân và mùa đông tiết trời lạnh đến se lạnh thì bạn có thể đi loại dép vải đi trong phòng ngủ như ở khách sạn.
- Đến đây sẽ có mấy thanh niên mặc áo tu hành nói là sinh viên Phật giáo từ Nepal qua học (học gì mấy năm mình quay lại 3 lần vẫn thấy học chưa xong) rồi xin tiền mua sách. Họ sẽ đưa cho bạn 1 lá bồ đề khô nói là lá linh thiêng nhặt được rồi xin tiền bạn. Nếu bạn không cho sẽ vòi vĩnh, chèo kéo. Bạn nên cẩn thận.
- Đến đây ngồi thiền hoặc đi nhiễu xung quanh bảo tháp cũng là điều nên làm. Nếu có lá bồ đề rớt xuống thì cũng đừng sân si nhào ra giành giật nhé. Rớt trúng, nếu mình có duyên thì nhặt lên được thôi.
- Bên ngoài cổng đền ăn xin, người bán hàng rong mời chào cũng nhiều. Họ nói được vài câu tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Hoa. Đặc biệt tiếng Việt họ nói mấy câu rao hàng đơn giản vì chắc người Việt đến đây hành hương cũng nhiều.
Nhà mình ngồi ở đền đến tối thì quay về khách sạn, tìm nơi ăn tối và nghỉ ngơi. Xui cái đầu bếp khách sạn về quê hôm sau mới lên nên mình ra ngoài tìm mấy khách sạn khác có nhà hàng sạch sẽ để ăn tối.
Đại giác ngộ tự ở Bồ Đề Đạo Tràng
Ngày 3: Bodhgaya – Kolkata – Pune
Sáng sớm hôm sau, mình và gia đình dậy thật sớm để 6 giờ sáng ra đền một lần nữa. Không khí buổi sáng ở Bodhgaya thích lắm. Trong lành và không bụi bặm, cũng chẳng ồn ào xô bồ. Ra đền ngồi thiền và đi nhiễu xong thì cả nhà về khách sạn, ăn sáng và chuẩn bị ra sân bay. Khách sạn có 2 lựa chọn ăn sáng là đồ Ấn và đồ Tây. Mình không quen đồ Ấn nên…
Chuyến bay của mình lúc 11h nên 9h là mình ra sân bay rồi. Mình thích ra sân bay sớm. Hành trình tiếp theo mình đi Pune. Dù đi đường nào thì cũng không thể bay thẳng Gaya-Pune được mà phải dừng 1 chặng vì không có đường bay. Vé về Delhi thì hết sạch. Nếu còn thì cũng mắc như gì. Vé về Kolkata thì còn, lại rẻ hơn. Mình bay đến Kolkata, đợi ở đó 7 tiếng và tối bay tiếp đi Pune với hãng hàng không giá rẻ Indigo. Hãng giá rẻ mà chất lượng dịch vụ và nhân viên thân thiện còn hơn Air India nữa đó. Lúc hạ cánh xuống Pune trời mưa tầm tã. Nhân viên Indigo đứng phát dù cho hành khách cầm đi bộ vô nhà ga. Ưng hết sức!
Sân bay Pune mình đến lần đầu nên hơi lóng ngóng chuyện đón xe cộ. 3G hết dung lượng ngày hôm đó nên không gọi Uber được. Thế là gọi taxi và y như rằng bị chặt chém. Thôi không sao.
Khách sạn ở Pune giá dễ chịu hơn ở Bodhgaya và chất lượng cũng hơn hẳn. Ở Pune mình ở St Laurn Hotel.
Ngày 4: Khu nghỉ dưỡng thiền quốc tế Osho
Mục đích đến Pune là để gia đình mình được đến mảnh đất của Osho và nơi Osho qua đời. Nhiều người đọc và biết về Osho đã đến khu nghỉ dưỡng thiền Osho (Osho International Meditation Resort) để tham gia các khoá thiền. Mình cũng tìm hiểu và đưa gia đình mình tới đây.
Vì khách sạn gần khu đó nên sáng sau khi ăn sáng xong mình đủng đỉnh đi bộ qua. Đường đến khu nghỉ dưỡng này đẹp lắm. Đương nho nhỏ, nhiều cây. Khu nghỉ dưỡng càng đẹp hơn nữa. Tuy nhiên không phải ai muốn ra vô cũng được. Tất cả đều phải mua vé hết.
Đường đến resort thiền Osho
Đầu tiên là 1.300 rupee phí đăng ký để được vô khu nghỉ dưỡng này. Lúc đăng ký họ sẽ yêu cầu bạn khai thông tin về hộ chiếu, visa, địa chỉ, chụp hình bạn và in lên 1 tấm thẻ nhựa làm thẻ ra vào cho bạn. Mỗi lần bạn ra vô quét thẻ qua máy là ở máy tính của người kiểm soát sẽ hiện lên thông tin và ảnh của bạn. Khu này được bảo vệ an ninh hơi kỹ. Ra vào có máy soi hành lý tư trang.
Bên ngoài khu resort. Chỗ này thì được chụp hình. Bên trong thì không.
Rồi, đó là 1 khoản. Đăng ký xong không có nghĩa là bạn có thể tự do đi vào bên trong resort. Đăng ký là một chuyện, bạn phải mua vé vào cửa. Vé vào cửa giá 1.900 rupee và bạn có thể tham dự tất cả các khoá thiền trong resort. Mà 1.900 rupee là vé vào 1 ngày thôi nhé! Vé 2 ngày nhân đôi. Vé 3-4 ngày thì phí mỗi ngày giảm 15%. Vé 5 ngày giảm mỗi ngày 25%. Vé 30 ngày giảm 40%. Mình nói chuyện với một số người họ nói đến đây thiền cả tháng.
Chưa hết! Muốn vô đó thiền bạn phải mặc áo màu mận chứ không mặc đồ lung tung được. Nếu không sẽ không được vô. Mà mình và gia đình thì không có áo đó. Ai mới tới cũng chẳng thể nào có. Thế là mỗi người phải bỏ ra thêm 1.000 rupee nữa để mua bộ áo màu mận chín để mặc vào thiền.
Mà chưa xong. Nhiều đồ lỉnh khỉnh quá mình muốn gửi đồ cho cả gia đình thì resort có dịch vụ cho thuê tủ. Được thôi. Thì thuê. Nhưng tủ không có khoá nên phải mua (chứ không có mà thuê) khoá. Tóm lại thêm gần 1.000 rupee nữa.
Tính ra 1 người là 4.200 rupee (chừng 66 USD) chưa kể tiền tủ và khoá. Trong resort có nhà hàng nhưng phải mua voucher. Voucher xài không hết không được hoàn tiền huhu.
Lúc đăng ký làm thẻ.
Bộ đồ thiền màu mận. Không có bộ này là không được vô nên kiểu gì cũng phải mua. Vô trong thấy tất cả mọi người đều mặc đi đi lại lại.
Trong resort thì việc chụp hình bị nghiêm cấm nên mình cho mấy bạn coi ảnh bên ngoài thôi. Bên trong resort có một nơi là vườn Lão Tử. Bên trong vườn Lão Tử có nhà Trang Tử. Bên trong ngôi nhà này có trưng bày xe của Osho, giá sách, ghế của Osho và cả tro cốt của Osho. Trong một ngày sẽ có 1 vài lớp ngồi thiền Silent Sitting ở trong căn phòng nơi đặt tro cốt của Osho.
Mình thì tâm chưa tịnh, tính tình thì sân si và cũng không rành về thiền nên rất khó khăn để ngồi thiền tận 2 lớp. Gia đình mình thì ngồi thiền và cảm nhận được nhiều lắm.
Dù sao thì cũng phải nói bên trong khu resort này rất đẹp luôn nhé. Tiếc quá không được phép quay phim chụp ảnh. Các bạn có nhu cầu tham khảo tại: http://www.osho.com/visit/rates-offers/seasonal-rates
Cả nhà mình chỉ vào resort thiền 1 ngày thôi. Đến chiều tối thì về lại khách sạn nghỉ ngơi.
Ngày 5: Pune-Mumbai
Nói đến Pune thì cũng cần phải kể rằng đây là thành phố lớn thứ 2 của bang Maharashtra và là thành phố đông dân thứ 7 ở Ấn Độ (ở Ấn thì mình thấy thành phố nào cũng đông cả hihi). Đây cũng được coi là kinh đô văn hoá của bang.
Buổi sáng hôm sau mình dự kiến đi thăm qua la Pune cho biết vì dù sao ý nguyện của gia đình là đến chỗ của Osho ngồi thiền cũng đã xong. Sau khi ăn sáng xong, mình túc tắc gọi Uber đi chơi. Trời ơi, ở Ấn Độ và đặc biệt là Pune gọi Uber siêu thích. Giá rẻ và gọi cái tới liền. Tài xế lịch sự chứ không chặt chém như mấy cha taxi.
Sáng nay thì mình chỉ đến 1 điểm là Parvati Hill. Ngọn đồi không cao lắm này là nơi yên tĩnh để ngắm cảnh Pune từ trên cao. Trên đỉnh đồi là đền Parvati có lịch sử lâu đời.
Pune cũng được mệnh danh là Oxford của phương Đông vì có nhiều trường đại học chất lượng tại đây.
Đền Parvati
Sau khi thăm đền xong thì mình về khách sạn trả phòng và tìm chỗ ăn trưa. Được sự giới thiệu của mấy người bạn, mình đến một nhà hàng Việt Nam ở Pune. Ngạc nhiên chưa. Đó là nhà hàng Smiley House – Vietnamese Cuisine.
Nhà hàng do 1 bạn nữ người Việt mở cùng người em đứng bếp và phục vụ khách. Ấn tượng ban đầu là quán tuy nhỏ nhắn nhưng cách sắp xếp hợp lý để đủ nhiều người ngồi. Không gian bếp sạch sẽ và cách nấu nướng, chế biến cũng rất sạch sẽ. Mình đã ăn thử món bún thịt nướng chả giò và rất ưng!
Ăn xong mình tạm biệt hai chị em thân thiện, sởi lởi để đón xe đi Mumbai. Điều kỳ diệu là trong lúc mình tìm tán loán các kiểu thuê xe, kể cả nhờ khách sạn thuê dùm cũng không có. Mà nếu có thì giá cũng chừng trên 3.000 rupee cho quãng đường 160km từ Pune đi Mumbai. Các dịch vụ đặt xe của Ấn Độ như Ola hay MakeMyTrip không thanh toán thẻ Visa quốc tế mà chỉ thẻ Visa hoặc MasterCard nội địa huhu.
Trong một phút sốc nổi và nghịch ngợm mình mở Uber lên và trời ơi Uber có dịch vụ InterCity giữa Pune và Mumbai (kiểu như Grab Tỉnh) bên mình. Giá lại rẻ. Chỉ tầm 2.000 rupee. Thế là gọi ngay không suy nghĩ. Mỗi tội dịch vụ Uber InterCity không nhận thanh toán thẻ mà phải trả tiền mặt. Không sao. Vẫn tươi. Dịch vụ này mới khai trương hồi tháng 10-2017 à. Đi xe riêng sạch sẽ, tài xế thân thiện. Quãng đường từ Pune đi Mumbai nhiều đoạn đẹp, cảnh như bên Mỹ.
Đường đi Mumbai đẹp và thanh bình
Trước khi vào Mumbai thì xe đi ngang Navi Mumbai (Mumbai mới). Vô tới Mumbai thì trời ơi, kẹt xe kinh hoàng. Lết hơn 1 tiếng mới về được khách sạn. Tới nơi trễ quá nên mình cũng làm biếng đi thăm thú. Đi xong kẹt xe tiếp không biết bao giờ mới ăn uống và về nghỉ được. Thế là cả nhà ăn tại nhà hàng khách sạn. Có mấy món cũng ngon.
Ngày 6: Mumbai-Bangkok-Hà Nội
Sáng hôm sau, cả nhà ra sân bay sớm để đón chuyến bay lúc 7h55 sáng về lại Hà Nội. Mình may mắn chọn phương án bay về từ Mumbai, vừa gần Pune, vừa bay buổi sáng (chuyến của Jet Airways). Bay buổi sáng thì được cái là đỡ mệt. Chứ nói thiệt mỗi lần Ấn hơi ngán khoản lúc bay từ Ấn về Đông Nam Á đa số bay xuyên đêm, rất mệt.
Về Bangkok là chiều và mình nối chuyến của Vietnam Airlines về lại Hà Nội luôn. Về tới nơi khoảng 18h30, vừa đẹp!
Sân bay Mumbai đẹp dã man
Xem video hành trình Ấn Độ vừa qua của mình nhé: