Ai Cập những ngày mùa xuân năm 2011, đường phố Cairo căng thẳng bởi sự hiện hiện của quân đội. Vài tòa nhà bị cháy còn ở quảng trường Tahrir thì người ta hò hét ầm ĩ trong cuộc biểu tình đòi chính quyền mới lấy lại tài sản mà cựu tổng thống Hosni Mubarak đã tham nhũng.
Ông Hosni Mubarak vừa bị lật đổ trước đó không lâu trong Mùa xuân Ả Rập vốn lan rộng khắp Bắc Phi và Trung Đông. Đến Cairo trong thời điểm này không nguy hiểm lắm nhưng hơi phiền vì việc biểu tình ở quảng trưởng Tahrir làm giao thông thành phố bị ảnh hưởng nặng. Tôi đến Ai Cập trong vòng chưa đầy 24 tiếng trong một chuyến công tác và sau khi xong xuôi công việc, tôi quyết định cùng vài đồng nghiệp đi thăm thú Kim Tự Tháp.
Trước khi đến Ai Cập, tôi được dặn rằng nên cẩn thân vì (nguyên văn): “Dân Ai Cập ba trợn lắm”. Ừ thì ba trợn, chắc cũng không đến nỗi quá tệ tại xứ sở Kim Tự Tháp danh tiếng, nhất là khi tôi được người lái xe của khách sạn chở đi. Đường vào Kim Tự Tháp xấu tệ. Mọi thứ bụi bặm và dân sư hai bên đường trông có vẻ nghèo khổ. Rồi ông lái xe đưa chúng tôi vào một khu vực bên hông Kim Tự Tháp chứ không phải vào cổng chính. Tại đây, người ta bắt đầu mời chào chúng tôi đi lạc đà để thăm Kim Tự Tháp. Sau nhiều màn ngã giá, những người chủ lạc đà chấp nhận giảm tới hơn 1 nửa giá. Mỗi người chúng tôi vẫn phải trả một cái giá khá cao là gần 50USD/người. Chưa kịp làm gì thì từ đâu một người đàn ông chụp một cái khăn Ả Rập lên đầu tôi và nói: “Đội đi, nó đẹp đấy”. Rõ ràng ông ta muốn ép tôi phải mua chiếc khăn đó. Tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái lắm mặc dù chưa đến nỗi khó chịu. Cũng may, tôi kì kèo một lúc thì giá là 1USD/chiếc nên không có chuyến gì xảy ra. Vả lại, tôi cũng muốn mua 1 chiếc về làm kỷ niệm.
Chuyến đi bằng lạc đà đến Kim Tự Tháp thoạt đầu rất vui vẻ. Những người dắt lạc đà cười nói vui vẻ với chúng tôi, còn nhiệt tình chỉ chỗ này, chỗ kia, giải thích về mọi thứ, bàn luận về Mùa xuân Ả Rập, về cuộc cách mạng lật đổ Hosni Mubarak. Chúng tôi thích thú leo lên Kim Tự Tháp chụp ảnh và ngắm quần thể này một cách thích thú. Ước mơ từ nhỏ của tôi đã thành hiện thực. Đến khu vực lăng mộ, bỗng từ đâu xuất hiện một người đàn ông vẫy tay gọi chúng tôi lại. Chúng tôi chần chừ, người đàn ông cứ bảo rằng: “Lại đây tôi chỉ cho xem cái này”. OK, để xem gì nào? Ông ta giải thích rất nhiệt tình về lịch sử các lăng mộ, nghe có vẻ xuôi tai. Ban đầu tôi chẳng để ý lắm vì cứ nghĩ ông ta đi cùng nhóm những người dắt lạc đà. Xong xuôi, ông ta chìa tay xin tiền… thuyết minh. Tôi bắt đầu cảm thấy bực, cứ như mình bị lừa. Nhưng lỡ rồi, tôi đành cho ông ta vài đồng nhưng cố quên nhanh để không làm hỏng tâm trạng trong chuyến đi.
Cuộc hành trình tiếp tục với tượng Nhân Sư và khu vực khảo cổ. Phải nói mọi thứ rất tuyệt vời và đẹp hơn tưởng tượng của tôi rất nhiều. Những người dẫn lạc đà liên tục hỏi chúng tôi: “Are you happy?”. Tất nhiên rồi, chúng tôi rất vui khi thăm Kim Tự Tháp. Tôi vui vẻ đáp lại. Họ cứ liên tục hỏi như vậy suốt chặng đường.
Chuyến cưỡi lạc đà kết thúc. Một lần nữa những người dắt lạc đà lại hỏi xem chúng tôi có vui không? Chúng tôi đáp là có. “Nếu các anh vui thì các anh cũng phải làm cho chúng tôi vui đi chứ! Hãy cho chúng tôi thêm tiền bồi dưỡng” – một người dắt lạc đà nói. Chúng tôi không đồng ý vì đã trả tiền cho chủ lạc đà rồi và số tiền không nhỏ so với một chuyến cưỡi lạc đà ngắn ngủi. Họ đòi tiền tip khá cao, chừng 20, 30 USD gì đó. Căng thẳng xảy ra. Họ để lạc đà đứng im một chỗ. Chúng tôi không thể leo xuống được. Chịu chết. Sau khi thương lượng, chúng tôi cho họ vài đồng tiền lẻ và nói rằng chỉ còn chừng đó tiền. Họ có lấy thì lấy. Riêng cậu bé dắt lạc đà cho tôi còn kỳ kèo riêng với tôi: “Anh có tiền gì? Không có đô la ư? Euro cũng được, bảng Anh, tiền Thái, tiền Singapore hay thậm chí tiền Việt Nam”. Tôi móc ra 2USD và nói tôi chỉ có chừng đó.
Chuyến đi kết thúc khá căng thẳng và mệt mỏi, không vui vẻ như lúc đầu. Ai Cập không khá giả nhờ Kim Tự Tháp như tôi nghĩ. Những người dắt lạc đà được chủ trả cho bao nhiêu? Số tiền họ xin thêm bằng mọi giá từ du khách có thể giúp cuộc sống của họ như thế nào? Rồi bất ổn chính trị ở Ai Cập nữa. Liệu điều đó có khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn khi du khách tránh xa Ai Cập?
Câu chuyện vòi tiền du khách xảy ra ở nhiều nơi khác. Lần đầu tiên tôi đến Nepal, một người lạ mặt ở sân bay tiến đến giúp tôi kéo hành lý ra xe ô tô của khách sạn. Tôi thì cứ ngỡ đó là nhân viên khách sạn đi cùng tài xế đón tôi nên để anh ta kéo va li. Sau đó anh ta xin tiền tip. Cũng chẳng nhiều. Tôi cho 1 USD và anh ta vui vẻ nhận lấy. Cũng có lần tôi ra sân bay Kathmandu đi chuyến bay nội địa. Một thanh niên đeo thẻ gì đó trên người tiến đến hướng dẫn tôi đến quầy thủ tục, chỉ trỏ đóng tiền thuế sân bay và giúp tôi hoàn tất mọi thứ. Rồi anh ta lại xin tiền. Người mà tôi ngỡ là nhân viên sân bay trợ giúp du khách lại là một anh chàng làm tiền. Lại 1 USD, không đáng gì với tôi nhưng có thể là đáng đối với anh ta.
Ở Ấn Độ, chuyện xin tiền tip còn kinh dị hơn, nếu như không nói đó là một vấn nạn khiến du khách nước ngoài rất khó chịu. Dân số Ấn Độ thì quá đông. Việc làm thì có hạn nên không phải tất cả mọi người đều có nguồn kiếm cơm ổn định. Ăn xin nằm la liệt khắp nơi ở những thành phố lớn.
Khi tôi đến Ấn Độ lần đầu, gia đình tôi đi tổng cộng 3 người và tất nhiên cũng chỉ có 3 chiếc va li lớn. Khi chúng tôi rời khách sạn ở Agra thì có đến 5 người đàn ông chạy đến giúp chất va li lên xe. Vâng, 3 va li và 5 người vác. Họ đứng chờ được cho tiền. Tôi đành đưa mỗi người 1 USD. Đó có thể là số tiền nhỏ đối với tôi nhưng 1 USD ở miền quê Ấn Độ người ta có thể sống cả ngày hoặc hơn. Số liệu vào tháng 5-2014 của Ngân hàng Thế giới cho biết gần 180 triệu/1,25 tỉ người người Ấn Độ sống dưới mức nghèo khổ (dưới 1,25USD/ngày).
Hướng dẫn viên địa phương dẫn chúng tôi vào đền Taj Mahal thì lịch sự hơn. Anh ta không xin tiền tip ngay từ đầu nhưng trong suốt chuyến đi, anh ta liên tục kể về hoàn cảnh gia đình mình, rằng không mấy khi có khách để dẫn. Tôi hiểu chuyện và gửi lại anh ta vài đồng trước khi ra về.
Lần khác, tôi trở lại Ấn Độ cùng gia đình để đi hành hương ở Gaya. Chúng tôi rời khách sạn ở thành phố này để ra sân bay. Thật khó tin. Gần như tất cả nhân viên khách sạn, từ đầu bếp, bồi bàn, phục vụ phòng cho đến người khuôn vác hành lý đều đứng sẵn ở sảnh, xếp hàng ngay ngắn như thể muốn chào chúng tôi. Nhưng tôi hiểu, họ đang đợi tiền tip. Lại 1 USD/người. Cũng may là họ không dám vòi vĩnh. Khách cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.
Ban đầu, những vụ chèo kéo, vòi tiền như vậy làm tôi cực kỳ khó chịu. Tâm lý ai đi du lịch cũng vậy: muốn thoải mái, không thích bị làm phiền và không muốn có cảm giác bị lừa gạt. Tất nhiên, theo lệ thường, du khách hào phóng sẽ cho thêm tiền người phục vụ nếu họ cảm thấy hài lòng. Đây là sự tự nguyện chứ không phải sự “cướng ép” bằng cách đưa du khách vào tình thế phải cho tiền.
Về sau, khi tôi đã quá quen với những chuyện xin tiền như vậy, dù là ở Ấn Độ hay nơi nào khác thì tôi đã có sự chuẩn bị về tinh thần và cả… tiền lẻ. Tôi không còn khó chịu nữa, một phần vì đã quá quen, một phần vì tôi chọn cách suy nghĩ khác cho vấn đề. Như đã nói ở trên, mấy đồng tiền lẻ có thể không nhiều nhặn gì với tôi nhưng đối với những người phục vụ ở Ấn Độ, 1 USD/ngày có thể giúp họ sống tốt. Khi đồng lương phục vụ của họ không đủ để nuôi gia đình thì tiền tip của du khách là cái phao cứu sinh để họ trông đợi. Vẫn là câu chuyện về sự chia sẻ trong cuộc sống nhưng ở đây, chúng ta đang san sẻ tiền bạc cho nhau nhưng theo một cách khác.
Tôi cảm thấy vui khi biết rằng đồng tiền nhỏ của mình sẽ giúp cho ai đó hạnh phúc hơn, dù ít dù nhiều. Mặc dù tôi không đủ giàu để có thể cho tiền hết những người nghèo tôi gặp trên đường đi nhưng có một điều tôi cảm thấy tốt đẹp hơn, đó là trong lòng tôi luôn cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái. Tôi học được bài học về sự thay đổi nhận thức. Sẽ không có gì khó chịu khi cho những người phụ vụ tiền típ khi họ thật sự cần đến chúng. Và dù cho ở Ấn Độ, Nepal, Ai Cập hay ở cả Việt Nam thì cũng có những người như vậy. Nếu họ đủ tiền trang trải cuộc sống, họ đã chẳng phải chai mặt đứng ra vòi tiền khách làm gì.
Tôi mong có ngày sẽ gặp lại người dắt lạc đà ở Kim Tự Tháp. Nếu cậu ta có hỏi: “Are you happy?”, có lẽ tôi sẽ không chần chừ mà đáp lại chắc nịch: “Yes, I’m happy”.