Những người bạn Hồi giáo

Cô nhân viên bán vé xe buýt nhanh ở Jakarta. Cô gái thân thiện và luôn tươi cười này yêu cầu tôi chụp cho cô bức ảnh khi biét tôi là người nước ngoài.
Cô nhân viên bán vé xe buýt nhanh ở Jakarta. Cô gái thân thiện và luôn tươi cười này yêu cầu tôi chụp cho cô bức ảnh khi biét tôi là người nước ngoài.

icon-hanhtrinhTrong thời đại hiện nay, nếu nhắc đến hai chữ Hồi giáo, bạn sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên? Khủng bố, những luật lệ hà khắc, hay những vương quốc Trung Đông giàu có? Thế giới Hồi giáo trong mắt tôi thật sự rất đẹp.

Vụ Taliban thảm sát 148 học sinh và giáo viên tại một trường học ở Pakistan rõ ràng không đem lại hình ảnh tốt đẹp gì. Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng với những vụ hành quyết ghê rợn khiến nhân loại căm phẫn. Vụ bắt giữ con tin ở Sydney hôm 15-12 một lần nữa khiến cộng đồng Hồi giáo ở Úc lo ngại hình ảnh của mình bị hủy hoại. Họ ngay lập tức đã lên án vụ bắt cóc và phản đối mọi hành động kiểu như thế này.

Tâm lý lo ngại của họ không phải không có cơ sở. Sau vụ 11-9, nhiều người đã có ác cảm với người Hồi giáo. Travip còn nhớ đọc được bản tin hồi đó nói rằng một người Ấn Độ trên máy bay đã bị một số hành khách phản đối dữ dội và đòi tống ông ta ra khỏi máy bay. Họ lầm tưởng người Ấn Độ đó là một người Hồi giáo. Tuy nhiên, không phải người Hồi giáo nào cũng xấu. Tôi có nhiều bạn bè người Hồi giáo, tất cả đều theo dòng Sunni và họ rất tốt. Tôi chưa quen ai theo dòng Shi’ite nhưng tôi tin rằng không phải ai cũng xấu xa và cực đoan.

Năm ngoái, tôi có chuyến độc hành đến Banyuwangi (Indonesia) để leo núi lửa Ijen. Để đến được thành phố bé nhỏ này, tôi phải bay 3 chặng từ Việt Nam sang Jakarta rồi bay tiếp đến Surabaya, nghỉ ở đây một đêm rồi sáng hôm sau bay đi Banyuwangi. Sân bay Blimbingsari của thành phố này bé và tồi tàn đến mức không thể tệ hơn. Nó chỉ có một đường băng ngắn đủ để đáp máy bay cánh quạt ATR-72 và một nhà ga nhỏ xíu. Ở một sân bay như bến xe vùng xa như vậy thì rõ là các dịch vụ taxi hay xe buýt sẽ hạn chế. Trong lúc tôi chưa biết xử trí ra sao thì cậu bạn người Indonesia là Rafli nói sẽ đi xe máy ra tận sân bay đón tôi. Tôi vui lắm và cũng không lo lắng gì mấy bởi tôi nghĩ sân bay chắc không xa thành phố.

Rafli ra sân bay tỉnh lẻ Blimbingsari đón tôi
Rafli ra sân bay tỉnh lẻ Blimbingsari đón tôi

Mọi chuyện ngoài sự tưởng tượng. Rafli ra sân bay đón tôi trong sự vui mừng gặp lại bạn cũ. Tôi hỏi cậu rằng từ sân bay về khách sạn nơi tôi ở xa không? Rafli nói là khoảng 33km và đi mất 40 phút. Tôi bị choáng. Một quãng đường quá xa, tương đương từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội và Rafli không quản ngại xa xôi đi xe máy đến đón tôi. Trời thì nắng nóng chứ có phải mát mẻ gì.

Giữa đường, Rafli hỏi tôi có thể vào tạm tiệm KFC ngồi ăn uống gì đó đợi cậu ta được không? Đã đến giờ cầu nguyện và Rafli phải chạy vào một đền thờ gần nhất để hành lễ. Cậu là người Hồi giáo, dòng Sunni. Các buổi cầu nguyện là không thể bỏ được. Tôi ngồi đợi Rafli chừng 20 phút sau thì cậu quay trở lại. Tôi ái ngại vô cùng vì có cảm tưởng như đang làm phiền bạn bè. Nhưng tôi vô cùng cảm kích khi Rafli không ngại đường xa, không ngại vướng giờ cầu nguyện để đưa tôi về tận khách sạn. Đến hôm sau khi tôi từ Ijen quay về, Rafli lại tức tốc lấy xe máy chở tôi ra sân bay cho kịp chuyến bay. Từ sáng sớm, Rafli đã kịp chạy đi mua 1 hộp bánh brownie to đùng của một tiệm nổi tiếng ở địa phương làm quà cho tôi khi lên đường. Tôi tự hào vì có một người bạn tốt bụng và chu đáo đến như vậy.

Yowan thân thiện, nhiệt tình
Yowan thân thiện, nhiệt tình

Về lại Jakarta, tôi gặp một người bạn khác, Yowan. Cậu nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, vừa ra trường và đang đi thực tập tại một công ty. Yowan nhiệt tình đưa tôi đi khắp nơi, còn giành xách đồ cho tôi nữa. Mặc dù tiếng Anh của cậu không tốt lắm nhưng Yowan đã cố gắng giải thích nhiều thứ về Indonesia cho tôi nghe. Cậu cũng là người Hồi giáo.

Còn khi đến Maldives, lần nào tôi cũng ghé thủ đô Malé để thăm chị bạn Nihan, bạn tôi từ thời còn đi học. Chị Nihan nhiệt tình và tốt bụng, mởi tôi và đám bạn về nhà ở mặc dù nhà cửa ở Maldives thì ở đâu cũng chật chội do đất đai hạn chế. Có lần tôi cũng phải ngồi đợi ở quán cà phê rất lâu vì chị Nihan phải cầu nguyện xong mới tiếp tôi được. Nhưng lần nào tôi đến Maldives chị cũng tiếp đãi chu đáo, dẫn tôi đi vòng uanh thủ đô thăm thú, thậm chí nói cô em gái lấy xe máy chở tôi đi chơi khắp nơi nữa.

Chị Nihan, người phụ nữ Maldives dễ mến
Chị Nihan, người phụ nữ Maldives dễ mến

Thú thật, những lần đầu tôi đến các nước Hồi giáo, tôi có chút lo lắng hơi vô lý một chút là những luật lệ ở đó có hà khắc không, khách du lịch có bị ảnh hưởng không? Nhưng rồi những lo ngại đó bị xua tan bởi sự thân thiện, hiếu khách của người địa phương và trên hết, nếu không làm gì sai, không đụng chạm hay xúc phạm họ thì chẳng có gì để lo lắng. Đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tôi ngưỡng mộ vùng đất giàu có này không chỉ bởi sự thịnh vượng mà còn vì luật lệ nghiêm khắc đến độ tỉ lệ tội phạm gần như bằng 0. Ngay cả ở miền nam Thái Lan, nơi các vụ bạo lực xảy ra thường xuyên khiến hàng ngàn người thiệt mạng mà người ta đổ lỗi cho các nhóm Hồi giáo cực đoan đòi ly khai thì người Hồi giáo ở đây cũng sống rất ôn hòa, lao động miệt mài hàng ngày để kiếm sống. Ở miền nam Thái Lan, không phải người Hồi giáo nào cũng hung tợn.

Chiến tranh, xung đột, bắn giết không tự nhiên xuất hiện. Cái này có vì cái kia có. Thế giới Hồi giáo là một thế giới đẹp, cũng có những con người thân thiện, dễ mến. Mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo đều có một cách suy nghĩ và lối sống riêng. Tôn trọng quan điểm và lối sống của nhau thì xung đột sẽ được hạn chế.

Facebook Comments
Please follow and like us:

Add a Comment