Timor Leste, hay còn được biết đến với cái tên Đông Timor, thực ra là quốc gia mà tôi đã muốn đặt chân đến từ rất rất lâu rồi. Nhưng như tôi đã từng viết, đến một nơi nào đó phải có cơ duyên, không phải cứ muốn là đến được ngay, kể cả khi bạn có tiền hay sức khỏe.
***Video ở cuối bài viết
Cái bắt tay với Tổng thống Timor Leste
Có lẽ tôi nên bắt đầu câu chuyện vào một ngày tháng 1-2009 ở Bangkok. Buổi sáng hôm ấy, tôi đã bắt tay Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta trong một buổi nói chuyện và nói xã giao với ông ấy rằng: “Tôi rất muốn đến Timor Leste du lịch”. Tổng thống đáp lại, tất nhiên cũng xã giao: “Tại sao không? Hãy đến đất nước tôi”. Tôi đùa: “Khi ấy chúng ta có thể gặp nhau nói chuyện chứ?”. “Đương nhiên rồi!” – vị tổng thống từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1996 cười rạng rỡ đáp lại.
Tôi chưa từng coi chuyện sẽ gặp lại ông tổng thống là điều nghiêm túc nhưng ý định sẽ đến Timor Leste một ngày nào đó thì ngược lại. Tôi nghiêm túc chuyện đó và thỉnh thoảng vẫn tra cứu thông tin về Timor Leste. Ấy thế mà mãi hơn 7 năm sau lời hứa xã giao với ông tổng thống, tôi mới đặt chân được đến Timor Leste mặc dù bây giờ ông không còn đương chức.
Ba chuyến bay đến Timor Leste
Rồi thời cơ cũng đến, tôi nghỉ việc, bắt đầu lối đi riêng. Tôi có nhiều thời gian hơn để tung tẩy khắp chốn. Tôi làm chuyến vòng quanh Đông Nam Á cho thỏa chí tang bồng. Sau chuyến đi khởi động ở Penang, về lại Sài Gòn, tôi bắt đầu cho một chuyến đi dài hơi hơn mà điểm đến đầu tiên là Timor Leste.
Ở chặng đầu tiên của hành trình, tôi phải bay đến 3 chuyến mới tới được Timor Leste. Bay nhiều, mệt, tốn kém nhưng chẳng còn cách nào khác. Đó là cách tiết kiệm nhất để bay đến Timor Leste.
Để đến thủ đô Dili, cách bay dễ nhất là từ Bali, nơi có đến 3 chuyến bay hàng ngày của Sriwijaya Air, Nam Air và Citilink bay đến nơi này vào buổi sáng. Nếu bay từ Singapore, vé cực đắt, gấp 3 đến 4 lần. Tất nhiên tôi không dư tiền nhưng dư thời gian nên tôi chọn bay từ Bali.
Đường bay của tôi cũng khá dài. Ngày thứ nhất, chuyến thứ nhất, tôi bay AirAsia từ TP. Hồ Chí Minh sang Kuala Lumpur vào buổi sáng. Tôi có thời gian thảnh thơi cả buổi chiều để vào trung tâm Kuala Lumpur chơi bời, ăn uống, dạo trung tâm mua sắm này nọ và đón người đi cùng đang ở đó. Đến cuối giờ chiều, chúng ta ra sân bay để đáp chuyến bay đi Bali vào buổi tối. Chuyến bay của Indonesia AirAsia X.
Chuyến bay đến muộn một chút nên làm tôi đến Bali trễ. Lúc đó là gần nửa đêm và chúng tôi chỉ có vài tiếng nghỉ ngơi trước khi lên máy bay sáng hôm sau khởi hành tiếp đi Dili. Đã trễ thì chớ, cảnh lái xe và đậu xe vô trật tự, vô ý thức ở các con đường nội bộ bên trong sân bay Bali khiến xe khách sạn không tài nào nhúc nhích đưa chúng tôi ra được. Ôi cạn lời!
Tại Bali, chúng tôi ở tại khách sạn iBis Kuta. Nhờ có thẻ Accor Plus (thẻ này mua thành viên theo năm và khác thẻ tích điểm Accor đã đề cập trong bài trước – xem tại đây), tôi đã đặt được khách sạn iBis Kuta không xa sân bay, đưa đón sân bay miễn phí, bao gồm ăn sáng cho 2 người, Internet thả ga, có welcome drink giá chỉ tương đương 560.000 VNĐ. Các bạn có tin nổi mức giá này không? Với chừng đó quyền lợi. Cũng may lúc đó đặt là trúng đợt khuyến mãi của Accor nên giá phòng không chỉ rẻ mà còn nhiều ưu đãi.
Sáng hôm sau, tôi lồm cồm dậy sớm lo tắm rửa và chạy xuống ăn sáng… cho đỡ phí tiền. Với cả không ăn thì 10 giờ mới bay, ít ra 11 giờ mới được ăn trên máy bay. Đói chết. Đồ ăn ở iBis Kuta cũng được. Ít ra là ngon so với 1 khách sạn như vậy. Mà sau này phát hiện ra khách sạn ở Bali rẻ chết đi được cả nhà ạ.
Ra sân bay, nhân viên làm thủ tục ngắm nghía hộ chiếu một lúc, hỏi mình visa đâu? Mình nói rằng sẽ xin visa tại sân bay Dili (visa on arrival). Cô nàng bấm bấm máy tính xem cái gì đó, rồi lại xem vé. Vé mình mua của Sriwijaya Air, một hãng hàng không Indonesia có đường bay đến Dili. Hãng con của hãng này là Nam Air cũng có chuyến bay đến Dili luôn nên chuyến đi mình đi 1 hãng, chuyến về bay 1 hãng để trải nghiệm cả hai hãng “mẹ-con”. Mua vé trên mạng của Sriwijaya sao mà thanh toán rồi, vé vẫn ghi HOLD. Các bạn quầy thủ tục mất vài phút kiểm tra lại mới xuất thẻ lên tàu cho mình.
Sân bay Bali mới xây lại đẹp lung linh. Đẹp hơn hồi mình đi Bali năm 2013. Lúc đó nhà ga còn cũ kỹ. Các bạn Indonesia khéo thiết kế nhà ga sân bay, bắt hành khách đi qua hàng hàng dãy dãy cửa hàng cửa hiệu mới ra được cửa khởi hành. Thật khéo giăng lưới. Hihi.
Chuyến bay của Sriwijaya khởi hành lại trễ một tẹo. Chẳng sao. Trời nắng đẹp lung linh. Tôi vẫn đang mải mê nhìn ngắm máy bay cất hạ cánh ngoài đường băng. Rồi giờ lên máy bay đã tới. Tôi hồi hộp bước lên chiếc máy bay Boeing 737-500 cũ kỹ của Sriwijaya. Mọi thứ trông xưa cũ đến nỗi tôi như đang được quay ngược thời gian, đi trên những chiếc máy bay hồi xưa. Tôi nghĩ bụng sẽ có tư liệu hay để làm nhật ký bay (flight report) để đăng lên Yêu Máy Bay đây hihi.
Chuyến bay đến Dili hôm nay không quá đông nhưng cũng được 2/3 máy bay. Tôi và người đi cùng có được 3 ghế cho 2 người, ngồi thoải mái hơn. Đồ ăn trên máy bay tạm ổn. Hãng Sriwijaya bán vé kèm luôn hành lý ký gửi nên không lo lắng chuyện thừa thiếu cân. Ăn xong, chúng tôi tranh thủ chợp mắt trước khi máy bay hạ cánh xuống Dili.
Cuối cùng thì đây rồi, bờ biển Dili hiện ra trước mắt tôi rõ nét. Tôi hồi hộp lần nữa khi chuẩn bị đặt chân lên một quốc gia mới, quốc gia non trẻ nhất Đông Nam Á: Timor Leste. Điều gì sẽ trông đợi tôi ở miền đất mới đây? Timor Leste, tôi đến với người đây.
Trước khi đọc phần 2, các bạn xem tạm đoạn clip ngắn về Timor Leste trong chuyến đi của mình nhé!
TIMOR LESTE NGOẠI TRUYỆN: HỘI CHỢ TRÊN MÁY BAY
Nói thật, trình độ bán hàng trên máy bay của tiếp viên các hãng VietJet Air, Jetstar Pacific hay thậm chí là đại gia AirAsia cũng không bằng các bạn tiếp viên hãng Sriwijaya này. Thề luôn!
Chuyện là hôm bay từ Bali sang Dili (Timor Leste). Chuyến bay thì không sớm lắm, tầm 10h sáng nhưng vì hôm trước quất 2 chuyến bay từ Việt Nam sang Kuala Lumpur rồi Bali nên khá đuối. Lên máy bay, sau bữa ăn trưa tiếp viên phục vụ thì mình bắt đầu lăn ra ngủ như chết. Chợp mắt được một lúc thì nghe tiếng ồn ào sôi động trong khoang máy bay. Mở mắt ra thì thấy, ôi mẹ ơi, khoang máy bay như một cái hội chợ.
Hội chợ đúng nghĩa. Cả khoang máy bay tấp nập kẻ bán người mua. Tiếp viên thì vừa đội mũ, vừa quấn khăn trên người làm mẫu, vừa cầm đồ miễn thuế trên tay uốn éo đi rao qua các hàng ghế (không đẩy xe như các hãng khác).
Chị tiếp viên trưởng quấn chiếc khăn màu mè đi rao qua các hàng ghế. Tới chỗ mình, chị nói: “Em trai, mua khăn không, khăn đẹp nè! Mua tặng mẹ hay bạn gái đi”.
“Dạ thôi chị, em cám ơn!”.
“Hay mua dầu thơm nha! Mua đi, có khuyến mãi đó”
“Dạ em nhiều rồi chị ơi”
“Em, chị nói nghe nè, mua wax vuốt tóc đi. Loại này tốt nè. Để chị cho em coi”.
Trời ơi, không nhịn được cười với chị tiếp viên trưởng. Mà cả khoang máy bay cứ nhộn nhịp mời chào vậy đó. Người mua cũng nhiều ra phết. Các bạn tiếp viên bán không ngơi tay. Một lúc sau mình ra cuối máy bay đi vệ sinh mới thấy các bạn mở tung các thùng hàng, bày la liệt đồ trên sàn máy bay ở khu vực galley (khoang bếp), như cái chợ luôn.
Mình buồn cười quá đưa máy lên chụp cảnh tiếp viên đang chào mời mua bán này mà cậu tiếp viên cũng bật cười luôn. Lần đầu tiên đi máy bay mà thấy cảnh mua bán như cái hội chợ trên không. Chưa thấy hãng nào mà tiếp viên tích cực bán hàng, làm mẫu và chào mời như hãng này. Sau đó mình có mua cái cốc tự khuấy (self-stiring mug) của các bạn ấy. Các bạn cám ơn rối rít. Đấy! Bán hàng cứ phải như thế!
Xem tiếp phần sau: Chiều nắng vàng ở Dili
Xem hành trình xuyên Đông Nam Á:
- Chạm ngõ Penang
- Hương vị Penang
- Truy tìm báu vật ở George Town
- Trên đồi Penang
- Làng bích họa Tam Thanh
- Xem Phần 1: Thế giới của những kẻ săn dặm bay
- Xem Phần 2: Săn dặm bay AirAsia
- Xem Phần 3: Đổi điểm BIG lấy chuyến bay AirAsia
- Xem Phần 4: Bay thả ga với AirAsia ASEAN Pass
- Xem Phần 5: Check-in sống ảo, kiếm điểm thật với Accor
Theo dõi Facebook của Travip tại fb.com/travel.w.travip để nhận được bài viết mới nhất.