Sắc màu ĐNÁ (7): Chiều nắng vàng ở Dili

Timor Leste đây rồi! Cổng chào đi vào nhà ga sân bay Dili.
Timor Leste đây rồi! Cổng chào đi vào nhà ga sân bay Dili.

Máy bay dừng lại hẳn, hành khách xuống máy bay và đi bộ một quãng ngắn để vào nhà ga. Tại đó, hành khách xếp hàng dài đứng đợi nhập cảnh. Người ta chia làm 2 hàng, một bên là dành cho công dân Timor Leste, một bên dành cho người nước ngoài. Có một hàng nhỏ khác dành cho người xin visa tại điểm đến (visa on arrival).

***Video ở cuối bài viết

Hồi xưa, đọc các bài du lịch thấy nhiều bạn bị vặn vẹo kinh lắm. Nào là ở sân bay Bali nhân viên sẽ đòi xòe tiền ra xem đủ tiền vào Timor Leste không rồi mới cho bay. Theo quy định là bạn phải trình được số tiền như sau:

-100 USD cho một lần nhập cảnh vào Timor Leste.

-50 USD cho mỗi ngày lưu lại tại đây.

Theo quy định là bạn phải xòe tiền đủ mới được đi. Xòe múa quạt thôi chứ không bị bắt đóng tiền. Ví dụ bạn ở Timor Leste 5 ngày thì bạn phải xòe múa quạt 100+50*5=350 USD thì mới được bay. Nhưng đó là chuyện hồi xưa thôi. Bây giờ thì chẳng ai bắt bạn múa quạt. Kể cả khi đến sân bay Dili thì việc xin visa dễ dàng đến không tưởng.

Lúc ở trên máy bay, tiếp viên sẽ phát cho bạn tờ khai xuất nhập cảnh và khai báo hải quan. Bạn điền vào hết những thứ đó. Đến quầy Visa On Arrival ngay lối vào nhà ga, đưa hộ chiếu, tờ khai và 30 USD phí visa cho nhân viên. Ở đó, thậm chí người ta chỉ liếc sơ sơ qua hộ chiếu của bạn, lấy 30 USD rồi đưa cho bạn tem visa. Bạn cầm tem visa đó vào quầy xuất nhập cảnh, đưa cho nhân viên.

Nhân viên tại đây sẽ xem hộ chiếu, hỏi mấy câu đại loại như đi chơi à, ở lâu không rồi sau đó dán tem visa vào hộ chiếu cho bạn, đóng dấu nhập cảnh. Bạn qua cổng nhập cảnh xong thì nhận hành lý và đi ra. Thề luôn, cái sân bay Dili trông tồi tàn và nghèo nàn đến độ cô bán hàng miễn thuế ngay chỗ lấy hành lý gục lên tủ trưng bày ngủ. Ấn tượng ban đầu của tôi về Timor Leste là họ quá nghèo. Sân bay Dili có lẽ chỉ hơn sân bay Blimbingsari ở Banyuwangi (Indonesia), nơi mà tôi bay đến để leo núi lửa Ijen nhiều năm về trước.

Miếng dán visa Timor Leste hình thù như này đây. Nhìn cũng đẹp.
Miếng dán visa Timor Leste hình thù như này đây. Nhìn cũng đẹp.
Chi phí visa là 30USD
Chi phí visa là 30USD
Khu vực trả hành lý cho khách. Hành lý bị vứt lung tung.
Khu vực trả hành lý cho khách. Hành lý bị vứt lung tung.
Quầy hàng miễn thuế chán ngắt đến nỗi cô nhân viên ngủ gục.
Quầy hàng miễn thuế chán ngắt đến nỗi cô nhân viên ngủ gục.

Bên ngoài nhà ga, nhân viên khách sạn đã đợi sẵn để đón tôi. Lần này chúng tôi ở khách sạn Timor Plaza Hotel. Khách sạn có dịch vụ đưa đón khách từ sân bay về khách sạn miễn phí nên tôi không lo lắng khoản đón taxi (mà sau này tôi biết là cũng chẳng rẻ). Ngoài Timor Plaza Hotel thì ở Dili vẫn còn nhiều lựa chọn về khách sạn với các mức giá khác nhau.

Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi chăm chú quan sát đường phố và cảnh người dân đi lại. Dili có nét hao hao một tỉnh của Indonesia nhưng cũng có nét khác khác. Khác như thế nào thì hơi khó tả. Tôi chỉ cảm thấy có những nét khác Indonesia mặc dù Timor Leste độc lập từ một tỉnh của Indonesia.

Một chiếc taxi cũ kỹ bên ngoài sân bay.
Một chiếc taxi cũ kỹ bên ngoài sân bay.
Tượng đài ở Dili.
Tượng đài ở Dili.

Rồi khu vực Timor Plaza hiện ra trước mặt tôi. Đây có lẽ là chốn phồn hoa đô hội bậc nhất ở Dili, nơi có trung tâm mua sắm, siêu thị, quán Gloria Jean’s Coffees, Burger King, rạp chiếu phim cùng nhiều quán ăn hiện đại. Nơi đây trông có vẻ tươm tất hơn nhiều khu dân cư nghèo khổ và lụp xụp ở thủ đô. Thỉnh thoảng, lại có một xe buýt chở quân nhân Mỹ đến Timor Plaza để ăn chơi mua sắm. Chẳng là khi đó có một tàu Mỹ đang đến Timor Leste.

Căn phòng chúng tôi ở tại Timor Plaza Hotel to và rộng hơn mức cần thiết so với một phòng giá thấp nhất tại khách sạn. Sau khi nghỉ ngơi và ăn cơm trưa với mấy món địa phương, tôi gọi một chiếc taxi để đi ra bờ biển. Gọi taxi ở Dili khá nhiêu khê. Bạn phải nhờ khách sạn gọi giúp taxi và phải nói trước là bạn sẽ đi đâu. Còn nếu bắt taxi ngoài đường thì toàn xe cùi mà còn phải trả giá lên trả giá xuống, nhiều lúc bị hớ nữa. Khá bực.

Phòng ở khách sạn Timor Plaza.
Phòng ở khách sạn Timor Plaza.
Trung tâm mua sắm Timor Plaza.
Trung tâm mua sắm Timor Plaza.

Xe đến, tôi may mắn gặp được anh tài xế nói được chút tiếng Anh. Còn lại ở Timor người ta ít nói được tiếng Anh nên việc giao tiếp nhiều khi chật vật, phải dùng động từ “to quơ” là chính. Timor Leste nghèo quá. Thủ đô trông buồn chán đến mức nếu ai chấp nhận đến quốc gia này để tìm sự tĩnh lặng thì thích hợp hơn. Con đường đẹp nhất ở Dili có lẽ là đường chạy dọc bờ biển. Dáng dấp của nó làm tôi gợi đến con đường chạy dọc bờ biển ở Côn Đảo. Dili thì đông đúc hơn Côn Đảo nhưng vẫn là vắng vẻ. Bên bờ biển, vài người đang chạy bộ, tập thể dục trong nắng chiều gay gắt. Đâu đó những cậu bé địa phương cầm những xâu cá tươi vừa câu được rao bán.

Con đường dọc bờ biển đẹp bởi nó rộng, thoáng, nơi có nhiều đại sứ quán của các nước, nơi có ngọn hải đăng bé bé mà người dân hay đến ngắm biển hay tập thể thao. Ở đó cũng có những công viên dọc bờ biển. Ngồi đó ngắm biển và nắng chiều thì ôi thôi, lãng mạn và yên bình đến diệu kỳ. Bên kia đường là một khu dinh tự lớn và lộng lẫy. Đó là dinh chính phủ.

Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Những thanh niên bán cá ở bờ biển Dili.
Những thanh niên bán cá ở bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Hải đăng ở bờ biển Dili.
Hải đăng ở bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Xe buýt màu sắc.
Xe buýt màu sắc.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.
Xe buýt màu sắc.
Xe buýt màu sắc.
Bờ biển Dili.
Bờ biển Dili.

Ở Dili cũng có một số tòa nhà mang dáng dấp châu Âu. Nước này khi xưa là thuộc địa của Bồ Đào Nha từ năm 1702 đến tận năm 1975 khi nó trở thành một phần của Indonesia. Đến năm 2002, nước này tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Indonesia.

Xe taxi chở tôi đi một đoạn thì tôi bảo người lái xe cho tôi xuống đi bộ. Rảo qua con dường dọc bãi biển, tôi thấy nhiều thanh niên trẻ tập thể dục thể thao bên bờ biển hay các công viên. Thỉnh thoảng lại có những chiếc xe buýt nhỏ nhỏ đầy màu sắc chạy ngang, tô điểm cho khung cảnh thanh bình nhưng có phần hơi buồn chán của Dili. Tôi cũng đi dạo qua các con phố bụi bặm và lụp xụp khác của Dili, nơi tôi cảm nhận được sự nghèo khó của quốc gia non trẻ nhất Đông Nam Á này.

Khi ngồi viết lại những ký ức về Timor Leste đột nhiên thấy nhớ da diết buổi chiều hôm ấy khi mình đi dọc con đường bờ biển ở thủ đô Dili, sau đó lại cuốc bộ qua các ngóc ngách của thủ đô một nước nghèo. Các bạn có biết khi ấy tôi đã nghĩ gì không? Tôi nhớ lại những năm 1980 khi tôi còn nhỏ ở thành phố biển Nha Trang, lúc đó còn chưa đông đúc. Không khí thanh bình và yên ắng như thế!
Dinh chính phủ.
Dinh chính phủ.
Một góc Dili.
Một góc Dili.
Nghĩa trang tưởng niệm những cảnh sát hy sinh trong cuộc chính biến tháng 5-2006.
Nghĩa trang tưởng niệm những cảnh sát hy sinh trong cuộc chính biến tháng 5-2006.
Một góc ở Dili.
Một góc ở Dili.

Dili có lẽ là một nơi đáng chán nhưng đối với những người đi du lịch để tìm trải nghiệm và cảm giác như tôi, Dili là một nơi hoàn hảo để rũ bỏ những vấn vương công việc hay căng thẳng thường nhật, để tận hưởng một sự thư thái đáng quý.

Cái mê hoặc tôi buổi chiều hôm ấy là sự yên ả đến khó tin ở thủ đô, cảnh biển quá đẹp và lộng lẫy trong nắng chiều với ánh nắng lấp lánh chiếu qua những tán cây lớn bên bờ biển. Đó cũng là cảnh người dân sinh hoạt đông đúc nhưng không náo nhiệt ở một khu chợ nhỏ bên bờ biển. Sau những ngày căng thẳng vì công việc, đi dạo qua những góc phố và bờ biển yên ả như thế là một điều diệu kỳ. Đi nhiều, bay nhiều, đến khi lòng chững lại mới thấy giây phút này yên bình biết bao. Dili và cả đất nước Timor Leste cũng đã từng trải qua những giai đoạn sóng gió nhất để được ổn định như hôm nay.

Cả ngày hôm ấy đi bộ khắp nơi nên tối về hai chân tôi mỏi nhừ. Nhưng tôi nào có biết những thứ hay ho và cả kinh dị hơn đang đợi tôi trong chuyến đi Maubisse ngày hôm sau. Đợi đấy Maubisse, ta đến đây!

Video về Timor Leste:


Theo dõi Facebook của Travip tại fb.com/travel.w.travip để nhận được bài viết mới nhất.

bookpromo-cntd01

Facebook Comments
Please follow and like us: