7 giờ sáng bên sông Hằng ở Varanasi (Ấn Độ). Mọi thứ đều lờ mờ trong làn sương huyền ảo. Khói sương mờ mịt ấy phần nào che lấp được sự thô kệch và luộm thuộm, những cuộc đời nghèo khó của thành phố bên bờ sông linh thiêng này.
Đây có lẽ là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày ở Varanasi trước khi mọi thứ thô kệch hiện ra rõ nét. Nét xưa cũ cộng với sự ảm đạm của sương mù tạo nên một bức tranh trầm buồn hoàn hảo.
Tôi ngồi trên sân thượng của một khách sạn ăn sáng, xung quanh là sương mù bủa vây còn phía xa là ánh sáng đỏ cam của mặt trời mới ló dạng. Khoảng cách giữa sự sang trọng và nhếch nhác cách nhau chỉ một bức tường khách sạn. Người bảo vệ khách sạn thì còn đang bận dùng gậy xua đuổi lũ khỉ tinh nghịch chực chờ lao xuống khu vực ăn sáng của thực khách để cướp đồ ăn.
Khoảng cách giữa sự sang trọng và nhếch nhác chỉ cách nhau một bức tường.
Sương mỏng dần. Bên dưới, những con thuyền chở dân địa phương đi lại trên sông, rải đồ cho lũ chim bay theo rồi hò reo làm náo động không khí tĩnh mịch buổi sáng. Đâu đó bên bờ sông Hằng, có vài người có vẻ không có nhà cửa trùm tấm khắn ngủ ngon lành. Đối với tôi, Ấn Độ đã là một thế giới khác lạ với những nơi tôi hay lui tới ở Đông Nam Á. Varanasi thì lại càng đặc biệt khác lạ. Varanasi in dấu trong tâm trí tôi về hình ảnh thanh cổ và nhà cửa cũ kỹ trải dài bên sông Hằng linh thiêng.
Buổi sáng ở Varanasi, tôi và bố đi dạo dọc bờ sông Hằng qua những ngôi nhà cũ kỹ và nhếch nhác để quan sát cuộc sống của người dân địa phương. Sự tồi tàn và nghèo khổ của những con người sống dọc bờ sông linh thiêng này khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi có tiền đi du lịch, chăn ấm nệm êm, có tiền vào tiệm cắt tóc đòi cắt kiểu này kiểu kia là tôi đã hơn rất rất nhiều con người trên Trái Đất này rồi.
Đi và quan sát là cách nhanh nhất để tiếp thu được những bài học thực tế từ cuộc sống, những thứ bạn không thể học được trong học đường. Tôi cảm thấy phải trân trọng những gì mình đang có hơn. Đừng khắt khe và gây khó khăn với ai bởi chúng ta không biết được họ đang phải đối mặt với điều gì trong cuộc sống.
Tôi tiếp tục đi bộ dọc bờ sông, nơi người dân địa phương tắm rửa và cầu nguyện bên bờ sông. Rồi tôi bắt gặp những chồng củi cao ngất. Củi này sẽ được dùng vào việc gì? Họ sẽ bán cho những gia đình có người chết và dùng vào việc hỏa thiêu. Khu vực hỏa thiêu được đặt ngay bên bờ sông. Sau khi thiêu xong, tro sẽ được hất hết xuống sông Hằng. Ở những khúc sông khác, người ta cứ thế tắm, giặt, hụp lặn. Cuộc sống bao đời nay bên sông Hằng là vậy.
Cuộc sống bên bờ sông Hằng ở Varanasi nghèo khó, dơ bẩn, nhếch nhác và thuộm luộm. Nói chung tôi không biết dùng từ nào tả cho hết nhưng tôi vẫn thấy Varanasi có một vẻ đẹp gì đó cuốn hút. Có lẽ đó là bờ sông dài với nhà cửa, thành quách cổ san sát nhau, những thứ kiến trúc mà tôi chưa nhìn thấy ở những nơi khác. Những thói quen sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật của người địa phương cũng đem lại sự tò mò lý thú. Sự hiền hòa của người dân khiến tôi cảm thấy yên bình. Đi dọc bờ sông cả buổi sáng là quan sát được kha khá. Hỏi sao Varanasi luôn thu hút du khách nước ngoài. Thu hút du lịch vậy đấy nhưng mình vẫn mong người dân bên bờ sông Hằng có một cuộc sống tử tế hơn.
Cầu nguyện sáng sớm.
Củi chất cao ngất chờ người mua để hỏa thiêu người chết.
Củi đốt thi thể được đem từ thuyền xuống bờ.
Hai người đàn ông vừa thức dậy. Bên cạnh họ là tro tàn. Có lẽ họ đốt lửa sưởi ấm để ngủ qua đêm trong thời tiết se lạnh mùa xuân? Bên cạnh họ, sát bên thôi, là đống củi đốt thi thể người chết đang chất đống.
Đi du lịch và cái duyên
Cuộc đời đâu phải cứ thích đi là đi, cứ có tiền và sức khỏe là đi. Đến một đất nước nào đó nhiều khi là cái duyên. Đôi khi là chính đất nước đó đang chọn bạn chứ không phải là bạn chọn hành trình cho riêng mình.
Duyên vậy đấy. Như Ấn Độ, tôi đã từng đi nước này lần đầu năm 2012, nghĩ rằng thăm Taj Mahal là đủ để đánh dấu vào bản đồ rằng mình đã đi Ấn Độ. Thế rồi năm 2013 tôi lại có dịp trở lại Ấn Độ cùng gia đình, lần này là một loạt di tích Phật giáo nổi tiếng. Chẳng hiểu thế nào, năm 2015 tôi lại quay lại đất nước này lần nữa. Đơn giản là thích và cảm thấy vẫn còn nhiều cái có thể khám phá ở đất nước này. Ấn Độ nhiều nơi nghèo, nhếch nhác lắm mà vẫn thương lắm. Cho nên, nếu còn nhớ, nếu còn thương, cứ thế mà đi thôi.
Hay như Nepal, tôi đâu ngờ năm 2010 mình đi một lần và sẽ không quay lại nữa. Năm ấy, tôi hứa với bạn tôi và cả lòng mình rằng tôi sẽ trở lại đất nước tuyệt vời ấy mặc dù đinh ninh rằng chuyện quay lại sẽ còn rất lâu và rất khó. Ấy vậy mà năm 2013 tôi trở lại. Đơn giản vì nhớ và vẫn thích. Năm 2015, duyên số thế nào mà tôi lại được giao nhiệm vụ đi đưa tin về động đất ở Nepal. Tại đây, tôi đã có thêm cơ hội giúp đỡ người dân Nepal trong cơn hoạn nạn và nhận lại sự giúp đỡ của những người Nepal mà theo tôi là có nhiều duyên nợ với mình.
Tôi từng đi qua nhiều mảnh đất và trong lòng phát sinh tình cảm đặc biệt với những mảnh đất đó. Mặc dù có cơ hội đi những nước mới hơn, để đánh dấu trên bản đồ rằng tôi đã đi được nhiều nước như thế này, thế kia nhưng tôi vẫn chọn quay lại những nơi mà tôi yêu dấu.
Đi du lịch đôi khi là cái duyên, là cái tình, là cái nghĩa với mảnh đất đó chứ không phải chuyện “check-in”.
Thêm hình một chú chó đang nằm giống như đang tập yoga với con người bên bờ Sông Hằng. 🙂
Đến Varanasi bằng cách nào?
-Đừng bay thẳng đến Varanasi từ Bangkok vì vé sẽ rất đắt. Hãy đến Kolkata hoặc New Delhi rồi từ đó bay tiếp hoặc đi xe, tàu để đến.
-Đọc thêm cách xin visa Ấn Độ vô cùng dễ nhé!
*Đặt vé máy bay rẻ trên ATADI: https://goo.gl/a6zCaS, có ngay 50.000đ nếu click vào link này và đăng ký tài khoản thành công.